Các chuyên gia của Đại học Oxford (Anh) đã sử dụng dữ liệu vắc xin để cập nhật một chương trình mà họ phát minh vào năm 2020 nhằm tìm ra đối tượng dễ gặp nguy hiểm nhất khi nhiễm Covid-19.
Thuật toán mới cho thấy những người được ghép thận, mắc hội chứng Down hoặc bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm dễ trở nặng dù đã chủng ngừa đầy đủ.
Vắc xin giúp giảm khả năng phải nhập viện hoặc tử vong cho họ nhưng mức độ bảo vệ không mạnh như ở các nhóm người khác.
Ngoài các đối tượng kể trên, những yếu tố nguy cơ phổ biến chính ở nhóm đã tiêm vắc xin tương tự ở nhóm chưa tiêm. Đó là tuổi cao, giới tính nam và các nhóm dân tộc thiểu số có liên quan đến tỷ lệ sống sót kém hơn.
Giáo sư Carol Coupland, chuyên gia thống kê y tế tại Đại học Nottingham, cho biết: “Nhìn chung, rủi ro nhiễm và trở nặng Covid-19 của người đã tiêm thấp hơn nhiều so với trước khi tiêm nhưng vắc xin vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn sự khác biệt giữa các nhóm đối tượng”.
Các tình trạng khác khiến một người có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn mức trung bình dù đã tiêm đủ 2 mũi là bệnh nhân hóa trị, bị HIV, sa sút trí tuệ hoặc Parkinson.
Những người gốc Ấn Độ hoặc Pakistan cũng có tỷ lệ mắc bệnh nặng cao hơn.
Công cụ tính toán nguy cơ của Đại học Oxford sử dụng số liệu từ 5,2 triệu người Anh đã được tiêm chủng. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh dựa trên công cụ này để đánh giá bệnh nhân nào cần phải thận trọng hơn.
Trong thời kỳ đỉnh dịch, các bác sĩ đã sử dụng phương pháp trên để quyết định xem ai nên nằm trong danh sách cần bảo vệ.
Những người được xác định có nguy cơ cao sẽ tiêm vắc xin tăng cường vào mùa thu hoặc mùa đông này. Riêng ở Anh, có khoảng 30 triệu người trưởng thành được tiêm liều thứ ba.
Giáo sư Penny Ward, Đại học King’s College London, không tham gia vào nghiên cứu, đánh giá: “Chúng ta đã biết rằng, mặc dù có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh và trở nặng nhưng chủng ngừa không có hiệu quả 100%. Khả năng bệnh sẽ chuyển nặng nghiêm trọng hơn ở một số nhóm người nhất định dù đã tiêm đủ 2 mũi”.
Theo An Yên (VietNamNet)