Trong nhiều tháng qua, một số nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đã dự báo, đại dịch Covid-19 sẽ sớm trở thành bệnh đặc hữu mà chúng ta cần học cách sống chung.
Nhưng thế giới vẫn đang trong giai đoạn cấp tính của đại dịch. Covid-19 trở thành đặc hữu như thế nào vẫn còn là một bí ẩn khi các bệnh đặc hữu có nhiều dạng.
Về cơ bản, bệnh đặc hữu hiện diện thường xuyên, dai dẳng, có thể dự đoán được. Các bệnh đặc hữu lây nhiễm cho hàng triệu người trên thế giới mỗi năm, có bệnh khiến hàng trăm nghìn người tử vong. Có thể tiêm chủng và điều trị một số bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ xuất hiện những đợt bùng phát bất ngờ và gây hậu quả nhất định.
Khi nhắc đến bệnh đặc hữu, người ta thường nghĩ ngay đến bệnh cảm thông thường. Nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm cả cảm lạnh ước tính lây nhiễm cho hàng tỷ người trên thế giới mỗi năm, khiến vài nghìn người chết.
Các bệnh đặc hữu khác gây ra số lượng người tử vong cao hơn. Sốt rét và cúm đã giết chết lần lượt hơn 600.000 và 200.000 người trên toàn cầu vào năm 2019.
Nhiều nhà khoa học dự đoán Covid-19 đặc hữu có thể gây ra gánh nặng tương tự các loại virus đường hô hấp khác.
Lone Simonsen, Giám đốc Trung tâm PandemiX tại Đại học Roskilde, Đan Mạch cho biết: “Khi đó, Covid-19 sẽ không gây tử vong nhiều hơn bệnh cúm mùa, hoặc có thể nhẹ như cảm lạnh”.
“Lý do là chúng ta có rất nhiều khả năng miễn dịch và tiếp tục được tăng cường sau khi nhiễm bệnh”, chuyên gia này nói.
Một số nhà khoa học cảnh báo, khả năng bảo vệ có từ tiêm chủng và từng mắc Covid-19 suy yếu theo thời gian và các biến thể trong tương lai có thể vượt qua miễn dịch đó. Các đột biến là ngẫu nhiên, luôn có khả năng tạo nên một biến thể gây ra bệnh nặng hơn trong tương lai.
Cảm lạnh thông thường và cúm là những căn bệnh đặc hữu phổ biến, tồn tại quanh năm, nhưng mức độ không cố định. Bệnh xảy ra theo mùa, thường vào mùa đông khi mọi người tụ tập trong nhà.
Các biện pháp kiểm soát được sử dụng để ngăn chặn đại dịch Covid-19 cũng tác động tới dịch cảm cúm trong những năm gần đây. Các nhà khoa học đánh giá Covid-19 đặc hữu có thể theo mùa, nhưng các đợt dịch bất thường cũng có nguy cơ xuất hiện.
Jeffrey Shaman, nhà mô hình bệnh truyền nhiễm tại Đại học Columbia, cho biết: “Covid-19 lây truyền nhanh hơn nhiều so với bệnh cúm. Dịch có thể bùng phát sau khi một tỷ lệ nhỏ dân số nhiễm bệnh. Điều đó có khả năng xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong năm”.
Một căn bệnh trở thành đặc hữu hay không còn tùy thuộc người bệnh có được tiếp cận với các xét nghiệm, phương pháp điều trị hay không.
HIV, đã tồn tại trên toàn cầu hơn 40 năm là một ví dụ. Các nhà khoa học và nhân viên y tế công cộng sử dụng cả khái niệm "dịch" và "bệnh đặc hữu" để mô tả virus này.
Tiến sĩ Diane Havlir, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Đại học California, giải thích: “Định nghĩa về bệnh đặc hữu được xác định theo vị trí địa lý. HIV là bệnh đặc hữu ở Mỹ, nơi có khoảng 1,2 triệu người đang sống chung với HIV. Nhưng HIV đang là dịch trong các quần thể nhỏ ở Mỹ”.
Các bệnh truyền nhiễm thường tồn tại trong những cộng đồng nghèo, ít cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Trong số nhiều dạng bệnh đặc hữu có thể xảy ra, một điều rõ ràng là: Bệnh đặc hữu không có nghĩa là bệnh biến mất.
Thay vào đó, chúng ta sống chung và kiểm soát một căn bệnh chưa thể dập tắt. Các biện pháp là xét nghiệm, điều trị và tiêm chủng.
Các quốc gia loại trừ sốt rét do muỗi lây truyền đã dựa vào các biện pháp can thiệp như thuốc diệt côn trùng và phương pháp điều trị phòng ngừa để giảm tỷ lệ mắc bệnh. Các chương trình tiêm chủng cũng làm giảm số ca bệnh và tử vong.
Sởi vẫn là bệnh đặc hữu ở Mỹ trong 40 năm sau khi vắc xin ra đời. Trong thời gian đó, những người chưa được tiêm phòng vẫn dễ bị tấn công, đôi khi làm bùng phát dịch bệnh. Vào năm 2019, hai thập kỷ sau khi căn bệnh này được tuyên bố xóa sổ ở Mỹ, một số đợt bùng phát liên quan đến những khách du lịch không được tiêm phòng, đã lây nhiễm cho hơn 1.000 người.
Không giống như sốt rét hoặc sởi, các chuyên gia y tế công cộng cho biết, không thể loại trừ Covid-19. Vì vậy, các biện pháp kiểm soát sẽ xác định quy mô và diễn biến của các đợt sóng trong tương lai.
Tiến sĩ Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, khuyến cáo, cần tập trung vào việc tiêm chủng cho mọi người, điều trị và cập nhật vắc xin. “Sẽ phải thường xuyên cảnh giác để giữ Covid-19 trong tầm kiểm soát”, Tiến sĩ Gandhi nói.
Có thể mất nhiều năm để giải quyết hậu quả của đại dịch.
Phần lớn những gì chúng ta biết về quá trình thoát khỏi đại dịch đến từ bệnh cúm: Con người đã chứng kiến 4 trận đại dịch cúm trong 100 năm qua. Đại dịch năm 1918-1919 giết chết hơn 50 triệu người trên toàn cầu, phải mất 3 năm để lắng xuống một mô hình ổn định.
Theo An Yên (VietNamNet)