Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết đến cuối tháng 2/2019, thành phố ghi nhận có 8.480 ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện, tăng 264% so với cùng kỳ năm 2018. Trung bình mỗi tuần có khoảng 800 ca bệnh nhập viện.
50% ca sởi là trẻ từ 8 tháng - 10 tuổi
Về bệnh tay chân miệng, có 368 trường hợp mắc tay chân miệng nhập viện trong 2 tháng đầu năm 2019, cao hơn 43% so với đầu năm 2018.
Về bệnh sởi, đến cuối tháng 2 thành phố ghi 1.208 trường hợp mắc sởi, tăng hơn... 1.000 lần so với cùng kỳ (năm 2018 chỉ đến thời điểm này chỉ có 2 ca bệnh).
Riêng số ca bệnh sởi nhập viện trong tuần 9 (tuần gần nhất) là 107 ca. 24/24 quận huyện đều có ca bệnh sởi. Các quận huyện có nhiều bệnh là quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận 8...
Đáng chú ý, 50% số bệnh nhân mắc sởi trong độ tuổi từ 8 tháng - 10 tuổi, 95% chưa được tiêm chủng và hơn 4% bệnh nhân mắc bệnh mới chỉ tiêm 1 mũi ngừa sởi.
Có 14% ca mắc sởi là trẻ dưới 9 tháng, cho thấy các bé hoàn toàn không có kháng thể bảo vệ từ mẹ truyền sang.
Đặc biệt, bệnh sởi không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà số ca ở người lớn cũng tăng cao. Điều này chứng tỏ, tỷ lệ người dân được tiêm ngừa vắc-xin sởi và có miễn dịch với bệnh sởi trong cộng đồng rất thấp.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, bệnh sởi là mối nguy tiềm ẩn bởi tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin trong cộng đồng vẫn còn thấp. Vì vậy để phòng bệnh sởi thì việc tiêm phòng hết sức quan trọng.
Trong những trường hợp phụ huynh biết con em mình mắc sởi thông qua những dấu hiệu ban đầu hoặc do bác sĩ chẩn đoán thì cần phải có những biện pháp cách ly cộng đồng để tránh lây lan dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch.
Dù đà tăng của các bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đã giảm so với 4 tuần trước đó nhưng tốc độ giảm tương đối chậm. Cụ thể là bệnh sốt xuất huyết giảm từ 880 xuống còn 570 ca bệnh/tuần; sởi từ gần 200 ca/tuần xuống còn khoảng 130 ca bệnh/tuần.
Còn tại tỉnh lân cận TP.HCM là Bình Dương, Sở Y tế tỉnh này cho biết dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng có dấu hiệu tăng cao.
Chỉ trong tháng 2/2019, toàn tỉnh đã phát hiện 572 ca mắc sốt xuất huyết trong khi tính từ đầu mùa dịch đã là 1.418 trường hợp. Số người mắc bệnh tay chân miệng trong tháng 2 cũng lên đến 168 ca TCM, khiến tổng số bệnh nhân đang điều trị tăng thành 651 ca.
Dù chưa có ca bệnh diễn biến nặng nhưng trước tình trạng lượng bệnh báo động như hiện tại, nghành y tế tỉnh Bình Dương đang tích cực tuyên truyền, cảnh báo người dân về việc tuân thủ vệ sinh cá nhân và phải đến viện ngay khi phát hiện triệu chứng.
Chuyên gia khuyến cáo cách phòng bệnh
Các bác sĩ cho biết để nhanh chóng kéo giảm số ca mắc bệnh sốt xuất huyết hàng tuần, người dân cần chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng và không để cho muỗi đốt. Nếu bản thân có triệu chứng sốt cao 2-7 ngày cần đến viện để khám ngay.
"Bệnh sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà. Người bệnh cần uống đủ nước, uống thuốc theo hướng dẫn từ bác sĩ. Khi có các dấu hiệu như ói nhiều, xuất huyết nhiều, bứt rứt, li bì... thì cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị đúng cách" - Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM hướng dẫn.
Cách phòng chống bệnh tay chân miệng
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cả người lớn và trẻ em cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; thường xuyên lau rửa đồ chơi cho trẻ...
Bên cạnh đó để phòng bệnh sởi, ngoài chuyện tuân thủ tiêm phòng, các chuyên gia khuyên người dân hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng hô hấp.
Nếu bản thân có triệu chứng hô hấp (như ho, sổ mũi, hắt hơi...), mắt đỏ hoặc phát ban cần ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác (đặc biệt là phụ nữ mang thai, người chưa tiêm chủng).
Theo Hoàng Lê (Trí Thức Trẻ)