Bệnh nhân Triệu Đ.T (SN 1971, TP Hạ Long) nhập viện trong tình trạng loét, chảy máu vùng miệng, loét sinh dục, đỏ da toàn thân, trợt da chiếm toàn bộ 70% diện tích cơ thể, niêm mạc mắt trợt dính, sốt cao liên tục trên 39 độ.
Người bệnh mệt mỏi, ăn uống kém, hơi thở hôi. Tiền sử bệnh nhân dùng 1 số loại thuốc trước đó như: allopurinol, carbamazepin, một số thuốc kháng sinh, giảm đau chống viêm...
Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa chẩn đoán hoại tử thượng bì (hội chứng Lyell) do dị ứng với thuốc điều trị Gout .
Tại Khoa Da liễu, Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhân được điều trị tích cực bằng truyền dịch, kháng sinh, dinh dưỡng, chăm sóc tại chỗ vùng mắt, niêm mạc miệng, sinh dục, vùng da trợt loét, cân bằng điện giải…
Sau 20 ngày, tình trạng nhiễm độc da do dị ứng thuốc đã được cải thiện rõ rệt, bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống tốt, các mảng da bong da non, liền nhanh.
Theo Bác sĩ CKI. Nguyễn Thị Minh Phượng – Khoa Da liễu, Bệnh viện Bãi Cháy, Hội chứng Lyell được gọi là hoại tử thượng bì nhiễm độc, là phản ứng nặng của da và niêm mạc, nguyên nhân phổ biến nhất là do thuốc, đặc trưng bởi tình trạng hoại tử lan tỏa và mất thượng bì.
Dấu hiệu lâm sàng thường gặp là sốt (trên 39 độ) và triệu chứng giống cúm xuất hiện từ 1-3 ngày trước khi tổn thương da, niêm mạc.
Tổn thương da điển hình khởi đầu là các dát đỏ thường giới hạn không rõ, với xuất huyết ở trung tâm. Sau vài giờ đến một ngày, tổn thương lan tỏa, liên kết lại với nhau thành đám lớn, tổn thương thường ngứa và đau rất nhiều.
Khi bệnh tiến triển, dát đỏ lan tỏa sẫm màu do hoại tử, hình thành các mụn nước, bọng nước, tổn thương có thể trợt diện rộng, giống như bị bỏng, dấu hiệu Nikolsky dương tính. Tổn thương niêm mạc gặp ở hầu hết các bệnh nhân.
Tổn thương dát đỏ, mụn nước, trợt loét có thể xuất hiện ở bất kỳ bề mặt niêm mạc nào như miệng, mắt, sinh dục. Ở miệng có thể dẫn tới loét ảnh hưởng tới ăn uống, ở mắt có thể gây viêm kết mạc, loét giác mạc, dính mi cầu, ở sinh dục có thể ảnh hưởng tới tiểu tiện…
Hội chứng Lyell nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách thì có tới 25% bệnh nhân tử vong do các biến chứng như: rối loạn nước điện giải, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn phổi, sốc nhiễm trùng, chảy máu dạ dày ruột, không dung nạp được glucide và dinh dưỡng kém…
Vì vậy, các bác sĩ Da liễu, Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo:
- Với người bệnh bị hội chứng Lyell, việc chăm sóc, điều trị kịp thời đóng vai trò tiên quyết trong việc cứu sống bệnh nhân. Vì vậy, ngay khi thấy các dấu hiệu đầu tiên của hội chứng Lyell, người bệnh cần phải đến khám chuyên khoa da liễu nhập viện ngay lập tức.
- Việc sử dụng thuốc điều trị bệnh phải theo đúng chỉ chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua và sử dụng thuốc để tránh nguy cơ dị ứng với các thành phần của thuốc.
Theo Anh Ngọc (Doanh nghiệp & tiếp thị)