Bệnh nhân là anh L.H.C (quê Tuyên Quang). Khi nhận kết quả xét nghiệm máu, anh C. giật mình nhớ lại những dấu hiệu cảnh báo trước đó nhưng không hề chú ý như hay bị chóng mặt, hoa mắt, mặt mũi tối sầm sau những lần đi đá bóng hoặc leo cầu thang bộ.
Kết quả chọc tủy và nhiều biện pháp thăm khám cho thấy nam sinh bị suy tủy xương. Gia đình, C. có người anh trai bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh, nay biết tin con trai út bị bệnh, bố mẹ càng lo lắng.
Với căn bệnh suy tủy xương, anh C. phải truyền máu và tiểu cầu hàng tuần và duy trì thuốc mỗi ngày. Những lần sốt do nhiễm khuẩn, bệnh nhân cần truyền kháng sinh. Để chăm sóc con, người mẹ phải nghỉ việc ở quê xuống Hà Nội.
Bác sĩ Khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tư vấn, với người bệnh suy tủy xương, phương pháp điều trị ưu tiên là ghép tế bào gốc tạo máu từ người cho cùng huyết thống phù hợp hoàn toàn HLA. Tuy nhiên, anh C. không có người hiến tế bào gốc phù hợp.
Bệnh nhân được điều trị bằng cách ức chế miễn dịch và sử dụng thuốc đặc hiệu. Theo một nghiên cứu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, với người bệnh không ghép tế bào gốc, đây là phương pháp phù hợp và nâng hiệu quả điều trị so với phương pháp cũ (không dùng thuốc) lên tới 60-70%.
Thạc sĩ Đỗ Thị Thuý, Khoa Ghép tế bào gốc, người trực tiếp điều trị cho anh C., cho biết nam bệnh nhân đáp ứng liệu trình ngay sau tháng đầu tiên, không phải tiếp tục truyền máu và chế phẩm máu. Hiện tại, sau 18 tháng, tế bào máu của bệnh nhân hồi phục.
Sức khoẻ ổn định, anh C. được dừng thuốc để tiếp tục theo dõi. Nam sinh viên năm cuối đang đi thực tế kỹ thuật viên vật lý trị liệu ở các bệnh viện, dự kiến sẽ tốt nghiệp sau 3 tháng nữa.
Bệnh suy tủy xương gặp ở tất cả các lứa tuổi nhưng chủ yếu ở hai nhóm tuổi 15-20 và 65-70. Một số triệu chứng có thể gặp như hội chứng thiếu máu, xuất huyết, nhiễm khuẩn...
Trong đó, bệnh nhân thường có da xanh, niêm mạc nhợt, lòng bàn tay trắng bệch, móng tay nhợt có khía và dễ gãy. Bệnh nhân cũng hay hồi hộp, đánh trống ngực, hoa mắt chóng mặt. Nếu tình trạng thiếu máu nặng, bệnh nhân có thể ngã, ngất xỉu khi gắng sức.
Bệnh nhân có thể có sốt và biểu hiện nhiễm trùng cơ quan khác như viêm mũi họng, viêm phổi, viêm da mô mềm hoặc nhiễm khuẩn huyết.
Theo Võ Thu (VietNamNet)