Tối nay Chi đi làm về thấy mẹ chồng lẳng lặng trong bếp. Cô cất tiếng chào mà bà không buồn đáp lại. Chắc chắn lại có chuyện rồi đây. Chuyện nhà này, không ngoài cô con gái cưng mới về nhà chồng được vài tháng của bà thì chắc không ai khiến bà trầm tư như vậy.
Đúng như dự đoán, mâm cơm dọn ra, mẹ chồng Chi ngồi thở dài. Bố chồng thì động viên: "Thôi nó không được về nghỉ lễ cũng phải chịu chứ. Nhà chồng nó giàu có, ngày lễ cho đi du lịch bà còn đòi hỏi gì nữa". Bà gắt lên: "Ông thì hiểu cái gì. Có phải mỗi dịp này không về đâu. 30/4 lại bảo bận giỗ chạp nên không về được. Giỗ chạp gì tận 5 ngày. Chắc chắn là gây khó dễ".
Chi cắm cúi ăn cơm, nhưng trong bụng cười thầm. Thật đáng lắm, bà cũng từng đối xử với thông gia đúng cái kiểu "thừa nội mới chí ngoại" cơ mà. Nhớ lại ngày mới về nhà chồng, Chi cũng khóc tấm tức cả đêm vì kiểu bắt nạt tai quái của mẹ chồng.
Cô lỡ có bầu trước khi cưới. Ngày hai gia đình gặp gỡ, bố mẹ cô vừa được bố chồng gợi ý yêu cầu mâm lễ ăn hỏi, mẹ chồng ghê gớm đã lên giọng nhắc khéo: "Thủ tục quê anh chị thế nào tôi không biết. Nhưng con gái đã có bầu rồi thì đừng bày vẽ làm gì". Bố Chi tái mặt trước bao nhiêu họ hàng. Mẹ cô đến ngày đưa con gái về nhà chồng vẫn khóc nghẹn, uất ức vì nuôi dạy con nên người mà bị tạt cho gáo nước lạnh vào mặt.
Mà đã thế, Tết đầu tiên Chi không được về nhà ngoại. Với lý do xa xôi, cô đang mang bầu cháu đích tôn thì hạn chế đi lại. Cả năm đi làm, cô ở cùng bố mẹ chồng ở thành phố. Vậy mà 30/4, rồi 2/9, Tết dương lịch, mẹ chồng kiếm đủ cớ từ giỗ, đón khách ở quê lên chơi, đi du lịch... để cô không về bên ngoại được.
Mỗi lần cô đấu tranh để được về thăm bố mẹ đẻ, mẹ chồng kiểu gì cũng ca bài ca: "Làm dâu theo thói nhà chồng. Bao nhiêu năm lấy chồng mẹ chẳng đòi hỏi như con đâu. Mẹ chưa bao giờ biết lễ tết ở nhà bà ngoại".
Dần rồi cũng quen, thỉnh thoảng Chi đành kiếm cớ đi công tác. Chồng cô cũng giấu diếm cùng, hai vợ chồng về thăm ngoại. Ông bà ngoại nhớ trẻ con quá thì mang vác quà quê lên thăm. Mẹ cô lần nào cũng cố nhịn ánh mắt khinh khỉnh của thông gia để ở lại với cháu ngoại vài hôm rồi mới về. Mẹ con mừng mừng tủi tủi. Cô lấy nhà cách 50km mà như thể người nam kẻ bắc vậy.
Giờ thì hay rồi, mẹ chồng cô gả cô con gái cưng cách nhà có 10km, cũng trong thành phố này. Vậy mà muốn gặp con gái cũng không được. Không may cô em chồng Chi không được giỏi giang, xin việc mãi không được nên kiếm tạm việc quản lý nhà máy ở ngoại ô. Em chồng đầu tắt mặt tối đi làm xa nhà. Cuối tuần thì mệt mỏi, ốm nghén, làm gì có thời gian nhớ đến mẹ.
Bố chồng Chi vốn tính sĩ diện. Nhà bên kia kém ông chục tuổi mà không thăm hỏi trước nên ông cũng không bao giờ đến chơi. Vậy nên, cô con gái lấy chồng gần mà xa cách lắm. Bà suốt ngày bực dọc, than ngắn thở dài. Nay chê trách thông gia này, mai hờn dỗi thông gia kia. Ông nghe nhiều phát cáu. Bữa cơm này cũng vậy, ông ăn qua loa rồi đứng lên, để mặc bà mặt dài thượt ra ngồi oán hận thông gia.
Chi nhìn mẹ chồng cười bảo: "Mẹ phải suy nghĩ tích cực lên mẹ ạ. Cô ấy được nhà chồng quý mẹ phải mừng chứ. Mẹ con chưa bao giờ nhắc con về nhà ngày lễ đâu. Lên đây chơi thấy mẹ quý con dâu, yêu cháu nội chẳng muốn cho rời xa nửa bước. Mẹ con vui và động viên con phải biết báo đáp nhà chồng đấy ạ".
Mẹ chồng nhìn cô đăm đăm, mặt đỏ gay gắt. Chẳng hiểu bà có hiểu Chi nói xoáy không nữa. Nhưng nói được câu này, cô cũng hả dạ lắm. Quả báo đến sớm, người làm mẹ chồng không nghĩ có ngày mình làm mẹ vợ. Giờ thì biết làm sao để khiến mình vui vẻ chấp nhận sự thật mới khó. Dù sao đây cũng là một câu chuyện để bà hiểu lòng thông gia và biết đối đãi với con dâu cho đúng đắn hơn.
Theo Daisy (Helino)