Đi bộ 30 phút mỗi tối là một trong những hình thức tập luyện rẻ tiền, an toàn và đem lại hiệu quả cao bậc nhất, có tác dụng kéo dài tuổi thọ và phòng ngừa bệnh tật.
Nếu chăm chỉ đi bộ, bạn có thể thúc đẩy hiệu quả nhu động của đường tiêu hóa, giảm gánh nặng trao đổi chất, đồng thời có một giấc ngủ ngon hơn.
Ngoài ra, đi bộ còn là một loại thuốc an thần tự nhiên, có tác dụng cải thiện khả năng hưng phấn của hệ thần kinh, đối với những người bị trầm cảm có thể cải thiện tâm trạng sau khi đi bộ rất hiệu quả.
Một nghiên cứu của Pháp, thực hiện trên 4 triệu phụ nữ cho thấy, phụ nữ nếu đi bộ nhanh 1 tiếng mỗi ngày có thể giảm 12% nguy cơ mắc ung thư vú. Một nghiên cứu trên 70.000 người từ Trường Y tế Công cộng Harvard cho thấy đi bộ 1 giờ mỗi ngày có thể giảm 50% nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Theo bác sĩ người Nhật Masatsuji Kawamura (tác giả cuốn sách “Đi bộ và giảm vòng bụng”): Đi bộ sau bữa ăn tối có thể giúp bạn giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp để thực hiện.
Đối tượng không được đi bộ sau bữa tối
1. Thiếu máu
Bản thân những người bị thiếu máu sẽ có ít hồng cầu khỏe mạnh hơn người bình thường để mang oxy và các chất dinh dưỡng đến các mô của cơ thể dẫn đến bạn cảm thấy mệt mỏi, khó vận động.
Hơn nữa, sau khi ăn no, máu có xu hướng chảy nhiều về dạ dày để thực hiện chức năng tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng.
Người bị thiếu máu nếu đi bộ sau khi ăn có thể khiến não bị thiếu máu cục bộ, gây đau đầu, hoa mắt, chóng mặt hoặc ngất xỉu và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh thiếu máu.
2. Viêm dạ dày mãn tính
Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày, hành tá tràng, ung thư dạ dày không nên đi bộ sau bữa ăn vì nhóm người này có tốc độ tiêu hóa thức ăn khá chậm. Hoạt động nhiều sau ăn sẽ ảnh hưởng sức khỏe dạ dày, gây đầy bụng, đau bụng, thậm chí làm tình trạng của dạ dày thêm nghiêm trọng.
Người bị đau dạ dày nên ngồi 10-30 phút sau bữa ăn và không được vận động ngay. Người bị ung thư dạ dày cần sự tư vấn của bác sĩ.
3. Bệnh tim mạch
Bệnh nhân tim mạch tập luyện ngay sau bữa ăn dễ gây đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim, thời gian tập luyện nên thực hiện sau bữa ăn 1 giờ, tốc độ đi bộ không quá nhanh. Tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất cứ bài tập thể dục nào để tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe.
4. Người đang bị sốt
Theo tiến sĩ Stephen Rice (giám đốc Trung tâm Y tế Đại học Jersey Shore ở Neptune, Mỹ): Mọi người không nên đi bộ trong lúc sốt bởi sự vận động trong lúc này sẽ khiến cơ thể nóng hơn, đồng thời gây mất nước khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
Hơn nữa, tập luyện khi sốt sẽ không thể đem lại hiệu quả cao như bạn mong đợi, vì vậy khi sốt tốt nhất bạn chỉ nên nghỉ ngơi mà thôi.
5. Khi bạn mắc bệnh tiểu đường
Không thể phủ nhận rằng việc đi bộ sau bữa ăn tối rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải đối tượng nào cũng phù hợp, người mắc bệnh tiểu đường là một trong số đó.
Bệnh nhân đái tháo đường không nên đi bộ ngay sau bữa ăn vì phải mất một khoảng thời gian nhất định để thức ăn được tiêu hóa và hấp thụ trong dạ dày sau bữa ăn, đi bộ ngay sau bữa ăn có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Bạn nên sắp xếp thời gian để có thể đi bộ sau khoảng 30 phút sau bữa ăn tối.
Theo Đậu Đậu (Nhịp Sống Việt)