Tính khối lượng rượu nguyên chất như thế nào?
Rượu hoặc bia đóng chai, bán trên thị trường, đều có ghi nồng độ cồn tính theo đơn vị phần trăm (%) cụ thể. Ngay cả rượu nấu thủ công ở các vùng quê, từ xa xưa cũng đã biết sử dụng cồn kế thủy tinh hay còn gọi là "tửu kế", để đo nồng độ cồn khá chính xác.
Ví dụ, rượu trắng 42 độ, nghĩa là nồng độ cồn 42%, theo đó cứ 1000ml (1 lít) rượu trắng sẽ có 420ml rượu nguyên chất. Trọng lượng riêng của rượu là 0,79g/ml nên 1ml rượu nguyên chất sẽ nặng 0,79g. Vậy 420ml rượu nguyên chất tương đương 420x0,79 = 331,8g rượu nguyên chất.
Như vậy, sẽ không khó để thành lập công thức tính khối lượng rượu nguyên chất, khi gọi A là khối lượng rượu nguyên chất (g), V là thể tích rượu (ml), c là nồng độ rượu (đơn vị tính là % hoặc độ).
A = 0,79V.c:100
Dựa vào công thức đó có thể tính cụ thể cho từng loại bia rượu. Ví dụ, một lon bia 330ml loại 5,1% sẽ có lượng rượu nguyên chất là 0,79x330x5,1:100 = 13,3g. Chai rượu vang 750ml với 12 độ, có lượng rượu nguyên chất là 0,79x750x12:100 = 71g.
Tính nồng độ cồn trong máu thế nào?
Để định lượng chính xác nồng độ cồn trong máu, phải thực hiện ở các cơ sở xét nghiệm như trong bệnh viện, bằng cách lấy máu tĩnh mạch, rồi định lượng Ethanol theo phương pháp sắc ký, hoặc phương pháp đo quang phổ Enzyme phân hủy rượu Alcohol Dehydrogenase.
Nhưng một người khi uống rượu, có thể ước lượng một cách tương đối nồng độ cồn trong máu, để tự điều chỉnh lượng rượu uống. Cách tính này được nhà khoa học người Thụy Điển Eric P. Widmark đề xuất từ năm 1932, nhưng chỉ có tính chất tham khảo, công thức không cho ra con số chính xác nồng độ cồn trong máu.
A = W(C.10:1,056)r
Trong đó: A là khối lượng rượu nguyên chất đã uống (g), C là nồng độ cồn trong máu (g/100ml), W là trọng lượng cơ thể (kg), r là hằng số hấp thụ rượu theo giới tính (người phương Tây r = 0,7 đối với nam giới và r = 0,6 với nữ giới).
Ví dụ, một người đàn ông nặng 60kg, uống bia 5,1% đạt đến nồng độ cồn C = 0,05g trong 100ml máu, thì số lượng bia uống vào cơ thể sẽ được tính theo hai bước.
Bước 1: Tính lượng rượu nguyên chất người đó uống bằng cách thay số vào công thức Widmark A = W(C.10:1,056)r = 60x(0,05x10:1,056)x0,7 = 20g.
Bước 2: Tính thể tích bia người đó đã uống theo công thức tính khối lượng rượu nguyên chất A = 0,79V.c:100. Từ công thức này suy ra thể tích bia cần uống V = 100A: (0,79c) = 100x20:(0,79x5,1) = 496ml.
Ví dụ khác, một người đàn ông nặng 64kg, dự định sẽ uống hết một chai vang 750ml loại 12%, thì khả năng nồng độ cồn trong máu là bao nhiêu? Cách tính cũng thực hiện qua hai bước.
Bước 1: Tính khối lượng rượi nguyên chất có trong chai vang theo công thức A = 0,79V.c:100 = 0,79x750x12:100 = 71g.
Bước 2: Sử dụng công thức Widmark A = W(C.10:1,056)r để suy ra nồng độ cồn trong máu C = 1,056A:(10W.r) = 1,056x71:(10x64x0,7) = 0,17%.
Các ngưỡng nồng độ cồn trong máu biểu hiện thế nào?
Từ 0.01 – 0.04g cồn trong 100ml máu: Cơ thể ở trạng thái hưng phấn nhẹ nhàng, thư giãn, tương tác tốt với xã hội.
Từ 0,05 – 0,07g cồn trong 100ml máu: Hưng cảm, nói nhiều, cảm giác thân thiện với người xung quanh. Một số người bắt đầu suy giảm kĩ năng, vì vậy mà đa số các quốc gia sử dụng con số 0,05g cồn trong 100mL máu làm con số giới hạn pháp lí khi lái xe.
Từ 0,08 – 0,12g cồn trong 100ml máu: Tùy thuộc vào thói quen uống rượu, có sự suy giảm vừa cho đến suy giảm đáng kể các kĩ năng, sự thay đổi cảm xúc có thể xuất hiện ở một số cá nhân. Vì vậy, nhiều quốc gia đang sử dụng con số 0,08g cồn trong 100ml máu làm con số giới hạn pháp lí khi lái xe.
Từ 0,13 – 0,15g cồn trong 100ml máu: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỹ năng nói, kỹ năng vận động, kỹ năng phán đoán.
Từ 0,16 – 0,20g cồn trong 100ml máu: Đây là con số nồng độ cồn của người say rượu, thị lực bị suy giảm nghiêm trọng.
Từ 0.21 – 0,30g cồn trong 100ml máu: Bắt đầu ngộ độc rượu, nôn, không tự chủ được bản thân.
Từ 0,31 – 0,40g cồn trong 100ml máu: Ngộ độc rượu nặng, mất khả năng vận động, có thể mất hoàn toàn ý thức, hạ thân nhiệt.
Từ 0,41 – 0,50g cồn trong 100ml máu: Hôn mê, suy giảm chức năng hô hấp, huyết áp tụt, hạ thân nhiệt, tiểu không tự chủ hoặc bí tiểu, có thể tử vong.
Trên 0,50g cồn trong 100ml máu: Đe dọa tính mạng, đặc biệt lưỡi mềm tụt sâu vào đường thở gây suy hô hấp và ngừng thở, trụy mạch, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt và nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.
Tốc độ suy giảm nồng độ cồn trong máu là bao nhiêu? Sau uống bao lâu có thể lái xe?
Trung bình, mỗi giờ cơ thể loại bỏ 0,015g cồn trong 100ml máu. Bởi vậy, có thể thành lập công thức tính tương đối tốc độ suy giảm nồng độ cồn trong máu.
Ci = C – 0,015t
Trong đó, C là nồng độ cồn trong máu khi uống xong, Ci là nồng độ cồn trong máu tại thời điểm xác định, t là thời gian.
Ví dụ, một người đàn ông nặng 65kg, uống 200ml rượu trắng loại 42 độ, uống xong lúc đồng hồ chỉ 10 giờ đêm và đi ngủ. Nếu thức dậy vào lúc đồng hồ chỉ 7 giờ sáng thì nồng độ cồn là bao nhiêu? Và đến khi nào thì không còn nồng độ cồn trong máu?
Đầu tiên, cần phải tính khối lượng rượu nguyên chất đã uống, theo công thức A = 0,79V.c:100 = 0,79x200x42:100 = 66g cồn.
Tiếp theo, tính nồng độ cồn trong máu lúc đi ngủ, theo công thức Widmark A = W(C.10:1,056)r từ đó rút ra C = 1,056A:(W.10.r) = 1,056x66:(65x10x0,7) = 0,15 gam trong 100mL máu.
Tại thời điểm 7 giờ sáng, nồng độ cồn trong máu sẽ tính theo công thức Ci = C – 0,015t = 0,15 – 0,015x9 = 0.015g trong 100ml máu.
Để hết nồng độ cồn trong máu, tức Ci = 0, nghĩa là C = 0,015t nên thời gian t = C:0,015 = 0,15:0,015 = 10 giờ, nghĩa là phải sau 8 giờ sáng thì máu mới hết cồn.
Khuyến cáo
Các phép tính trên không đưa ra con số chính xác, nên chỉ tham khảo để một người có thể tự điều chỉnh lượng bia rượu khi uống, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc, đặc biệt là điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống cần phải thận trọng hơn.
Theo Bác sĩ Trần Văn Phúc (Soha/Trí Thức Trẻ)