Trong gian bếp của các gia đình Việt Nam, những loại gia vị không thể nào thiếu được để tạo nên một món ăn đậm đà, ngon miệng bao gồm nước mắm, bột canh, giấm... và đương nhiên là cả dầu ăn.
Dầu ăn dù chỉ đóng "vai phụ" trong gian bếp nhưng thực tế chúng sở hữu nhiều lợi ích cho sức khỏe khi nắm vai trò như một dung môi của các vitamin tan trong dầu, mỡ như vitamin A,D, E, K. Chúng cung cấp nhiều các axit béo thiết yếu, giúp cơ thể tăng trưởng và khỏe mạnh hơn. Đồng thời là lựa chọn lành mạnh hơn để thay thế cho mỡ lợn.
Dầu ăn có thể coi là một "con dao 2 lưỡi", dù sở hữu nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng khi được sử dụng sai cách thì chúng có thể là nguồn gốc của mọi bệnh tật. Các chuyên gia khuyên bạn không nên sử dụng dầu ăn theo 2 cách dưới đây.
1. Tái sử dụng dầu ăn nhiều lần
Theo chuyên gia dinh dưỡng của tờ Food.NDTV - Tiến sĩ Anju Sood: Chúng ta tốt nhất không nên tái sử dụng dầu ăn vì sau khi sử dụng, dầu ăn đã bị ôi thiu và làm tăng axit béo chuyển hóa cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe.
"Khi bạn sử dụng lại dầu ăn, nó có thể tạo ra các gốc tự do gây hại cho cơ thể về lâu dài. Các gốc tự do này có thể là chất gây ung thư, có thể gây hại cho cơ thể bạn. Tái sử dụng dầu cũng có liên quan đến sự gia tăng mức cholesterol xấu trong cơ thể, cuối cùng gây tắc nghẽn động mạch", Tiến sĩ Anju Sood đánh giá.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng đánh giá thói quen dùng dầu chiên đi chiên lại là một cách làm sai lầm bởi dầu khi được sử dụng nhiều lần sẽ không còn giá trị dinh dưỡng như ban đầu, lúc này các vitamin có trong dầu đã bị phá hủy. Đặc biệt, phần thức ăn bị cháy đọng trong dầu cũng vô cùng nguy hiểm, chúng có thể là tác nhân ra bệnh ung thư cho người ăn.
Giải pháp:
Theo các chuyên gia, bạn có thể tái sử dụng dầu ăn thêm một lần nữa trong trường hợp chắc chắn dầu của bạn nóng vừa đủ và chưa bị bốc khói. Một khi dầu nóng và đã vượt qua điểm bốc khói thì hãy đổ đi.
Nếu bạn muốn bảo quản dầu ăn, trước hết hãy để dầu nguội, sau đó lọc tất cả các mảnh vụn cháy ra khỏi dầu và bảo quản dầu trong hộp thủy tinh kín khí. Nếu bạn không lọc các vụn thức ăn thì dầu ăn của bạn sẽ bị ôi thiu nhanh. Dầu ăn khi được tái sử sử dụng nếu có dấu hiệu bọt nổi lên trên bề mặt, có mùi ôi thiu, màu sậm thì không nên tiếp tục dùng.
Các chuyên gia đánh giá việc tái sử dụng dầu ăn cần hạn chế và chỉ nên làm khi không còn sự lựa chọn nào khác, tốt nhất vẫn là dùng lượng dầu vừa phải cho mỗi lần nấu ăn, tránh lãng phí.
2. Để dầu ăn bốc khói
Dầu ăn là loại thực phẩm nhạy cảm với nhiệt độ, khi được chiên rán nhiều lần hoặc ở trong nhiệt độ cao thì chúng sẽ tạo ra mùi khét và sản sinh nhiều chất độc hại.
Theo PGS.TS Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y Tế): Điểm bốc khói của dầu ăn là thuật ngữ trong ẩm thực để chỉ nhiệt độ đủ làm bay hơi các hợp chất như nước, các axit béo tự do... Dầu ăn bị bốc khói nghĩa là đang bị phân hủy, bị oxy hóa và sẽ hình thành các hợp chất độc như aldehyde và lipid-peroxide. Trong đó aldehyde là chất độc gây ung thư, bệnh tim mạch, mất trí nhớ, dị dạng thai nhi, tăng huyết áp khi ăn hoặt hít phải dù lượng ít.
Chuyên gia cũng cho biết, có một số loại dầu không cần thiết phải đun nóng như dầu ngô và dầu hướng dương, chỉ cần dùng trong nhiệt độ thường như salad là được và đem lại nhiều tác dụng cho cơ thể. Ngược lại, các loại dầu này nếu bị đun nóng có thể tạo ra năng lượng aldehyde gấp 3 lần bơ, đe dọa sức khỏe người ăn. Ngoài ra, dầu oliu và dầu hạt cải ép lạnh cũng như bơ ít sản sinh aldehyde hơn, dầu dừa sinh ra nồng độ aldehyde thấp nhất...
Thực tế, mỗi loại dầu ăn đều có điểm bốc khói khác nhau như dầu mè ở 210 độ C, dầu hướng dương ở 227 độ C, dầu đậu nành tinh luyện 232 độ C, dầu dừa 177 độ C... Nhiệt độ chiên nấu an toàn tại nhà đó là: Xào 120 độ C; Chiên 160 – 180 độ C; Nướng lò 180 độ C... Sau mỗi lần tái sử dụng thì nhiệt độ bốc khói của dầu ăn sẽ giảm dần vì vậy điều tốt nhất là không nên dùng dầu ăn đã chiên đi chiên lại.
Theo DD (Trí Thức Trẻ)