Tôi là con gái Hà Nội gốc, từ thuở bé đã được bà và mẹ rèn cho nết ăn nết ở sao cho đúng mực, đoan trang. Mẹ tôi dạy kỹ, phụ nữ là người giữ lửa cho gian bếp và làm ấm áp bữa ăn gia đình, từ đó mới duy trì được căn nhà ấm cúng, mọi người gắn kết, đi xa chỉ muốn nhanh chóng trở về.
Mẹ cũng dạy từng thói quen nhỏ chung quanh bữa ăn như ngồi đầu nồi xới cơm cho các thành viên, quan sát mâm cơm để giữ cho gọn ghẽ, ăn cơm không húp sụp soạp, không vừa nhai vừa nói, bát nước chấm phải luôn giữ sạch sẽ…
Bà tôi thì hay dạy bằng những câu ca dao tục ngữ nghe nhiều thành thấm: “Rau cải mà nấu với gừng/ Không ăn thì chớ, chớ đừng mỉa mai”, “Ăn tôm cấu đầu, ăn trầu nhả bã”, “Rau cải nấu với cá rô/ Gừng thêm một lát cho cô giữ chồng”…
Chính vì thế mà lớn lên, tôi đi đâu cũng được khen là người tế nhị, chu đáo, lịch thiệp.
Nói về chồng tương lai của tôi bây giờ thì chúng tôi quen nhau bên trời Tây, nơi cả hai cùng du học. Chúng tôi khá phù hợp và hạnh phúc, hai bên gia đình ủng hộ và chờ đón ngày chúng tôi trở về làm đám cưới.
Mọi chuyện sẽ không có gì đáng bàn nếu như tôi không chứng kiến bữa cơm gia đình đầu tiên ở nhà anh. Gia đình chồng tôi là người dân quê, phong cách xuề xoà, “chém to kho mặn”, ăn uống cốt lấy no chứ không cầu kỳ hình thức.
Bữa ăn đãi con dâu tương lai, mẹ anh làm món nem rán, đậu luộc, canh măng sườn… nói chung là không liên quan gì đến nhau. Khi dọn mâm, tôi lấy bát to định múc canh thì bà bảo cứ bê cả nồi đặt giữa bàn mà ăn cho tiện, khỏi phải đứng lên ngồi xuống. Tôi hơi choáng nhưng cũng miễn cưỡng vâng lời.
Rồi khi ngồi vào mâm, tôi càng sốc hơn khi cả nhà anh không ai lấy nước chấm nem ra bát riêng để ăn mà cứ chấm thẳng từng cái nem vào bát nước chấm chung. Ruột nem rụng rơi lả tả. Khó hiểu hơn, cả đậu luộc họ cũng chấm vào bát ấy. Trời mùa đông, bát nước chấm nem nổi váng lên toàn mỡ, lấm tấm những vụn đậu luộc, rau giá lẫn lộn…
Tôi kinh hãi quá nên chỉ ăn đồ ăn chứ không chấm nước chấm.
Là người phụ nữ được rèn giũa nữ công gia chánh, tôi biết rõ bát nước chấm chung có ý nghĩa như thế nào trong bữa cơm gia đình của người Việt. Nó thể hiện tính văn hoá cộng đồng, gắn kết… Nhưng tôi thiết nghĩ, dù thế nào cũng nên giới hạn ở mức độ, sao cho đảm bảo cả yếu tố vệ sinh, văn minh.
Cả buổi hôm đó tôi suy nghĩ lung lạc. Chẳng lẽ vì một thói quen ăn uống mà cân nhắc lại chuyện trăm năm? Nhưng nếu về nhà chồng phải sống theo thói quen xô bồ này, tôi sợ tôi không hoà hợp nổi. Tôi nên làm sao?
Theo Hoàng Yến (Nguoiduatin.vn)