Dấu hiệu nhận biết nguy cơ đột quỵ khi trời lạnh

11/12/2022 15:36:11

78% số người bị đột quỵ là do tăng huyết áp. Do đó, trong mùa lạnh, người bệnh nên kiểm soát huyết áp thường xuyên và uống thuốc đều đặn hàng ngày, không bỏ thuốc

Những ngày qua, không khí lạnh tăng cường ảnh hưởng đến nhiều tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung đã khiến lượng bệnh nhân nhập viện cũng tăng hơn bình thường, trong đó lượng bệnh nhân đột quỵ cũng tăng theo do giá rét.

Theo PGS-TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, thống kê cho thấy mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ và trung bình số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm một tỉ lệ lớn bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Phần lớn là bệnh nhân trên 45 tuổi, ngoài ra cũng ghi nhận một số người trẻ mới chỉ trên dưới 30 tuổi.

Dấu hiệu nhận biết nguy cơ đột quỵ khi trời lạnh
Bệnh nhân đột quỵ tăng do giá rét

Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương), cho biết số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm. Thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong nếu không xử trí kịp thời.

Tại một số cơ sở y tế đã ghi nhận nhân đột quỵ não nhập viện trong tình trạng hôn mê. Người nhà bệnh nhân cho biết sau khi tắm, bệnh nhân xuất hiện choáng váng, bị ngã bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ não do tăng huyết áp. Dù được phẫu thuật lấy khối máu tụ trong não nhưng có thể để lại một số di chứng ảnh hưởng đến chức năng vận động.

Theo PGS Mai Duy Tôn, đột quỵ nguy hiểm không chỉ bởi nó là căn bệnh cấp tính, không thể lường trước mà còn do di chứng để lại là rất nặng nề. Bệnh nhân đột quỵ ở thể nặng có thể tử vong trong giờ đầu, ngày đầu. Qua thời gian nguy hiểm để lại di chứng nặng như liệt nửa người, phải có người hỗ trợ sinh hoạt, tổn hại về sức khỏe và tinh thần...

"Đáng nói là do thiếu hiểu biết, nên nhiều gia đình đã không đưa bệnh nhân đột quỵ đi cấp cứu mà để ở nhà và dùng các thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc sử dụng phương pháp truyền miệng không đúng, vài ngày sau mới đưa đi cấp cứu thì đã muộn"- PGS Tôn lưu ý.

Cũng theo PGS Mai Duy Tôn, các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ phần lớn là do tăng huyết áp, chiếm khoảng 78% số người bị đột quỵ . Trong khi đó, tỉ lệ người bị đột quỵ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong 6 giờ đầu còn thấp, mới có 33% số người được nghiên cứu. Do đó, trong mùa lạnh người bệnh nên kiểm soát huyết áp thường xuyên và duy trì thuốc tăng huyết áp đều đặn hàng ngày theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh bỏ thuốc.

Dấu hiệu nhận biết nguy cơ đột quỵ khi trời lạnh - 1
Thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ tại Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai

Phân tích thêm về nguy cơ dẫn đến đột quỵ, PGS Mai Duy Tôn cho biết trời lạnh làm mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp làm lưu lượng máu đến não kém. Khi mạch máu co lại dễ làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Đối với những người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong cao hoặc để lại các biến chứng vô cùng nặng nề. "Đặc biệt với các bệnh nhân có bệnh lý về huyết áp hay tim mạch, khi có những dấu hiệu méo miệng, lưỡi tê cứng, khó nói hoặc không nói được, nhìn mờ thì gia đình cần gọi xe cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời"- PGS Tôn nói.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng lưu ý, một số biểu hiện khác như cảm giác tê mỏi chân tay, khó khăn khi thực hiện các thao tác sinh hoạt, mỏi lưỡi tê cứng, nói chậm, rối loạn trí nhớ, không phân biệt được những điều đang xảy ra xung quanh... cũng cần đưa đến cơ sở y tế có đủ phương tiện chẩn đoán hiện đại và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, trình độ cao để gia tăng cơ hội sống và khả năng phục hồi, không để lại di chứng.

Theo PGS Mai Duy Tôn, thời gian từ khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng, tức là dưới 6 tiếng từ khi khởi phát dấu hiệu đầu tiên. Đây được gọi là "thời gian vàng" quyết định sự sống của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. Nếu người bệnh được đưa đến cơ sở y tế càng sớm thì tỉ lệ tử vong và di chứng nặng sẽ càng giảm.

"Ngay tại các bệnh viện cũng cần rút ngắn thời gian đánh giá để có thể cấp cứu kịp thời, mang lại cơ hội cho bệnh nhân đột quỵ được điều trị tái tưới máu trong khoảng "thời gian vàng". Còn với người dân cần thay đổi lối sống, từ đó kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai"- PGS Tôn lưu ý.

Theo N.Dung (Nld.com.vn)