Dấu hiệu nhận biết ngộ độc rượu

02/02/2019 14:28:39

Sau khi uống rượu, cơ thể co giật, nhịp thở không đều, da tím tái, mắt nhìn mờ, bất tỉnh... là dấu hiệu ngộ độc, cần vào viện ngay.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết rất khó để phân biệt giữa say rượu và ngộ độc rượu có pha cồn methanol do biểu hiện của ngộ độc methanol giống hệt biểu hiện của say rượu.

Độc tính của methanol tác động chủ yếu lên thần kinh, đặc biệt là thần kinh điều khiển thị giác, vì vậy thường có biểu hiện loạng choạng, hoa mắt giống hệt cảm giác say rượu khiến người đã uống rượu hay lầm tưởng là say nhưng thực chất là bị ngộ độc. Nếu để lâu, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tím tái, hôn mê, co giật, rối loạn điện giải, tụt huyết áp và có thể tử vong. Trường hợp được cứu sống, bệnh nhân cũng có nhiều di chứng về thần kinh.

Theo bác sĩ Dũng, ngộ độc rượu vẫn có những dấu hiệu rõ rệt hơn. Thời gian chậm nhất là 24 giờ sau khi uống rượu pha cồn methanol, các triệu chứng của ngộ độc rượu sẽ xuất hiện. Biểu hiện gồm: bất tỉnh, gọi hỏi không biết, co giật, tê yếu chân tay hoặc tê yếu một bên mặt, nói ngọng khi đã tỉnh táo, thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở miệng họng, ho yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.

Các biểu hiện khác là da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh. Đại tiện, tiểu tiện ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường), nhìn mờ, nhìn một vật thành hai, rối loạn cảm nhận về màu sắc, nôn nhiều,...

Dấu hiệu nhận biết ngộ độc rượu
Uống rượu có cồn Methanol dễ dẫn tới ngộ độc, nguy hiểm tính mạng.

Theo Mayo, khi phát hiện người bị ngộ độc rượu hoặc nghi ngờ do có bất kỳ triệu chứng nào kể trên cần gọi cấp cứu ngay. Không chủ quan cho rằng người bệnh đang say rượu và chỉ ngủ.

Nếu biểu hiện ngộ độc dạng nhẹ, cho người bệnh uống nhiều nước liên tục để cơ thể không bị mất nước khi nôn. Nên uống thêm các loại nước chanh, nước cam vắt, nước ép bưởi, sinh tố chuối, nước các loại đậu ninh nhừ (đặc biệt là đậu xanh).

Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa). Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái.

Nếu người uống rượu say ngủ, hãy để yên cho họ ngủ. Tuy nhiên, cứ vài tiếng phải đánh thức dậy cho ăn cháo loãng, tránh trường hợp đói sẽ bị hạ đường huyết rất nguy hiểm.

Đặc biệt, không nên cho bệnh nhân uống những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không cho người bệnh tự di chuyển. Rượu làm chậm chức năng của não, ảnh hưởng đến việc giữ thăng bằng, dễ gây ra tai nạn. 

Không thể xác định số lượng rượu nên uống tối thiểu có thể gây ngộ độc rượu. Uống bao nhiêu rượu còn phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính, trọng lượng và tốc độ, số lượng rượu uống, sức khỏe tổng quát... Các loại thuốc mà bạn đang dùng cũng có thể tác động. 

Theo Thúy Quỳnh (VnExpress.net)