Rượu bia hay đồ uống có cồn đã xuất hiện rất lâu trên thế giới. Ít ai phủ nhận được bia rượu sẽ làm cho bữa tiệc trở lên vui hơn, mọi người sẽ thân mật và gần gũi hơn nhưng cũng gây không ít hệ lụy như: tai nạn giao thông, gây mất trật tự nơi công cộng, đặc biệt với sức khỏe con người.
Trước, trong và sau Tết Nguyên đán không ít vụ ngộ độc rượu bia đã xảy ra. Nhiều bệnh nhân hôn mê, suy thận, thậm chí tử vong sau chầu nhậu “không say không về” dịp đầu xuân.
Theo VTC News đưa tin, thời gian gần đây, đơn vị Hồi sức, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc rượu. Cụ thể, bệnh nhân M (ở Thái Bình) đang trong tình trạng rất nặng, hôn mê, nhiễm toan chuyển hóa nặng, phải lọc máu, đặt ống nội khí quản...
Theo gia đình bệnh nhân, ngày mùng 6 Tết (ngày 27/1), anh M cùng 9 người khác tham gia bữa tiệc khai xuân ở công ty (chỉ 7 người uống rượu). Trên đường về, anh M bị ngã xe, xây xước đầu gối, không va đập đầu nhưng mắt nhìn tối sầm lại.
Sáng hôm sau, anh M mệt nhiều, đau bụng, đau đầu, đi lại khó khăn. Anh được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh và chuyển lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, nồng độ methanol (cồn công nghiệp) trong máu cao (134,7 mg/dL), nhiễm toan chuyển hóa nặng. Anh M rơi vào tình trạng hôn mê.
VietNamNet dẫn lời BS Nguyễn Văn Thiện - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết, có 2 loại ngộ độc rượu là ngộ độc ethanol và ngộ độc methanol.
Khi bị ngộ độc rượu, người bệnh thường có những triệu chứng như nôn mửa, da xanh, tím tái, hạ thân nhiệt, bất tỉnh, lơ mơ, mất ý thức, co giật, tê yếu một bên chân tay hoặc một bên mặt…
Người bệnh bị ngộ độc rượu ethanol hoặc uống phải rượu pha từ cồn công nghiệp có chứa methanol đều nguy hiểm đến sức khỏe, đã có nhiều bệnh nhân phải thở máy dài ngày và lọc máu liên tục do bị ngộ độc rượu.
Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ (không kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững…) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, rối loạn nhịp thở, suy hô hấp, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, có thể tử vong nếu không được cấp cứu).
Ngộ độc rượu diễn ra khi người bệnh uống rượu quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm.
Theo BS Thiện, ngộ độc rượu có pha methanol nặng nề và nguy hiểm hơn rất nhiều so với ngộ độc ethanol. Sau một vài giờ uống rượu, methanol đi vào cơ thể chuyển hóa nhanh thành các axit gây độc cho tất cả các tế bào, đặc biệt các tế bào não, gan và thị giác.
Người bệnh có biểu hiện đau bụng dữ dội, đau đầu, chóng mặt, nôn, hạ thân nhiệt, khó thở, giảm hoặc mất thị lực. Nặng hơn có biểu hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn rất nhanh, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Những trường hợp người bệnh được cấp cứu cũng có thể phải chịu di chứng nặng nề ở não, mắt, gan, thận…
Phòng tránh ngộ độc rượu bằng cách:
- Hạn chế uống rượu bia, chỉ uống có điều độ những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có uy tín trên thị trường và được chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn.
- Tuyệt đối không tiêu thụ các loại rượu, đồ uống có cồn không rõ nguồn gốc và xuất xứ.
- Hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống có cồn ngâm các loại thảo dược, cây cỏ, động vật khi không biết rõ công dụng, nguồn gốc, rượu chưng cất thủ công. Những loại rượu này có thể chứa hàm lượng cao độc tố tự nhiên, aldehyde và furfural, những chất có thể gây ngộ độc cấp và mạn tính.
- Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống.
- Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc.
- Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương...
- Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.
PN (Nguoiduatin.vn)