Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc vào ngày 2/12/2019, bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona có tên là COVID-19, đã lan rộng trên toàn cầu. Đặc biệt, bệnh COVID-19 có một số dấu hiệu gần giống với triệu chứng nhiễm virus do cảm cúm thông thường. Nhưng may mắn thay dù có một số điểm tương đồng, bệnh COVID-19 vẫn có những điểm khác biệt so với bệnh cảm lạnh thông thường.
Dấu hiệu bệnh COVID-19 và cảm lạnh thông thường khác nhau như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các triệu chứng của COVID-19 thường xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc. Các triệu chứng phổ biến nhất của COVID-19 là sốt, ho khan và khó thở. Một số bệnh nhân có thể bị đau nhức, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng hoặc tiêu chảy. Những triệu chứng này thường nhẹ và bắt đầu dần dần. Một số người bị nhiễm bệnh nhưng không phát triển bất kỳ triệu chứng nào và cũng không cảm thấy không khỏe. Hầu hết mọi người (khoảng 80%) khỏi bệnh mà không cần điều trị đặc biệt.
Cứ 6 người bị nhiễm COVID-19 thì có khoảng 1 người bị bệnh nặng và khó thở. Người già và những người có vấn đề y tế tiềm ẩn như huyết áp cao, bệnh tim hoặc tiểu đường, có nhiều khả năng mắc bệnh nghiêm trọng. Những người bị sốt, ho và khó thở nên đi khám.
Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), các triệu chứng cảm lạnh thường lên đến đỉnh điểm trong vòng hai đến ba ngày và thường bao gồm những dấu hiệu sau đây:
- Hắt xì
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
- Đau họng
- Ho
- Chảy nước mắt
- Sốt
Một số triệu chứng của bệnh cảm lạnh có thể kéo dài lâu hơn từ 10-14 ngày như sổ mũi, nghẹt mũi và ho nhưng sau đó các biểu hiện sẽ dẫn được cải thiện.
COVID-19 có nghiêm trọng hơn so với cảm lạnh, cảm cúm?
Cảm lạnh nói chung không dẫn đến bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào như viêm phổi, nhiễm khuẩn hoặc tử vong. Nhưng cảm cúm thì có thể dẫn đến 290.000-650.000 ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, theo số liệu của WHO.
Mức độ nghiêm trọng của COVID-19 chưa xác định được đầy đủ nhưng nó nghiêm trọng hơn đáng kể so với cảm lạnh thông thường. Theo báo cáo tình hình ngày 3/3 của WHO đã có 90.870 trường hợp được xác nhận mắc COVID-19. Và WHO cũng đã báo cáo rằng tỷ lệ tử vong toàn cầu của COVID-19 là 3,4%, tỷ lệ tử vong này được nhận định là ở mức thấp.
Phương pháp điều trị và phòng ngừa COVID-19 và cảm lạnh có gì khác nhau?
Theo CDC, hiện tại không có cách chữa cảm lạnh và COVID-19 (mặc dù các nhà nghiên cứu hiện đang nghiên cứu tìm ra một loại thuốc điều trị và vắc-xin ngừa virus corona chủng mới ).
Ngoài ra, COVID-19 và cảm lạnh thông thường cũng có các phương pháp phòng ngừa gần như giống hệt nhau. Những phương pháp này bao gồm:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây;
- Không chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay ;
- Tránh tiếp xúc gần gũi với những người bị bệnh;
- khử trùng các vật thể và bề mặt thường xuyên chạm vào.
Theo Hoàng Dương (Khampha.vn)