Dấu hiệu báo bệnh nguy hiểm khi vết bầm tím xuất hiện trên da mãi không khỏi

21/12/2017 15:08:46

Vết bầm tím xuất hiện trên cơ thể có khi là điều rất bình thường. Nhưng đó cũng là một dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm. Lúc phát hiện ra dấu vết bất thường này, bạn nên làm gì?

Khi bạn bị va đập vào một vật cứng nào đó, các mạch máu dưới da có thể vỡ ra và gây rỉ máu. Máu do mạch tổn thương sẽ tập trung gần bề mặt da, khi đó chúng ta nhìn thấy một vết "đặc biệt", gọi là vết bầm tím. Vết này là do các tế bào hồng cầu và thành phần của máu gây đổi màu da.

Bác sĩ Joshua Zeichner, giám đốc nghiên cứu mỹ phẩm và thử nghiệm lâm sàng về da liễu tại bệnh viện Mount Sinai (New York, Mỹ) cho biết lúc đầu, vết thương có màu đỏ bởi vùng tổn thương chứa nhiều máu tươi. Tiếp đến, nó chuyển sang màu xanh hoặc đen, sau đó là màu vàng hoặc xanh thẫm.

Dấu hiệu báo bệnh nguy hiểm khi vết bầm tím xuất hiện trên da mãi không khỏi

Cách xử lý vết bầm tím

Thông thường, vết bầm tím sẽ khỏi trong vòng 2 tuần, bác sĩ Zeichner khẳng định. Nhưng nếu bạn muốn vết thương đó không gây mất thẩm mỹ, hãy thực hiện các cách xử lý nhanh và đơn giản sau. 

Để điều trị vết bầm hữu hiệu nhất, cần phải xử lý khi nó còn là một vết đỏ. Ngay sau khi vừa bị chấn thương, bạn hãy lấy đá lạnh cho vào một chiếc khăn hoặc nhúng khăn vào chậu nước đá và chườm lên vùng bị tổn thương từ 10-20 phút, sau đó dừng lại.

Bạn có thể thực hiện nhiều lần trong ngày nhưng nên cách nhau khoảng 1 giờ. Chườm đá chỉ có tác dụng trong vòng 72 giờ từ kể từ lúc bị chấn thương.

Chườm đá giúp các mạch máu, mô bị dập do chấn thương co rút lại và từ đó giảm tình trạng xuất huyết dưới da và làm bớt sưng.

Việc chườm đá có thể áp dụng với những chấn thương khác như bong gân, căng cơ, côn trùng cắn và kể cả đau ở các khớp viêm do bệnh gút, Doris Day, phó giáo sư về da liễu tại Trung tâm Y tế Langone, New York (Mỹ) cho biết.

Dấu hiệu báo bệnh nguy hiểm khi vết bầm tím xuất hiện trên da mãi không khỏi - 1

Sau khi đã thử cách chườm đá nhưng vết bầm vẫn chưa có dấu hiệu tan, bạn nên đi khám bác sĩ. Khi đó, bác sĩ có thể kê một loại kem bôi chứa vitamin K. Đây cũng được xem là cách đánh bay vết bầm tím nhanh nhất. Vitamin K là chìa khóa giúp hình thành cục máu đông, chống chảy máu.

Phó giáo sư Doris Day cho biết hiện nay các bác sĩ da liễu cũng áp dụng phương pháp điều trị bằng laser xung nhuộm màu tia, tức là sử dụng tia sáng tập trung để nhắm mục tiêu và phá vỡ hemoglobin, các phân tử protein trong các tế bào hồng cầu vốn tạo ra vết bầm tím.

Mặc dù phương pháp laser này không giúp vết bầm tím biến mất ngay nhưng có thể đẩy nhanh quá trình tự lành. Bạn nên tư vấn bác sĩ để hiểu hơn về tác dụng phụ của phương pháp này.

Vết bầm tím cảnh báo nhiều vấn đề về sức khỏe

Với một số người, vết bầm tím "tìm đến như cơm bữa" và họ không hề lo lắng. Vết bầm tím thường xuất hiện với những người có làn da trắng và mỏng dù chỉ có những cú va chạm nhẹ.

Tuy nhiên, đôi khi da bạn vẫn xuất hiện vết bầm tím mà không phải do va đập, các vết tầm tím mãi không tan. Khi đó, vùng tổn thương này lại là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe của bạn đang có vấn đề.

1. Bệnh tiểu đường

Nếu thường xuyên thấy các vết bầm trên da mà không rõ nguyên nhân, bạn nên đi kiểm tra bệnh tiểu đường. Nguyên nhân là chảy máu mao mạch nội bộ bởi các mạch máu quá yếu.

2. Lão hóa

Các mảng thâm tím trên da còn liên quan đến tuổi tác. Khi có tuổi, quá trình cơ thể sản xuất collagen giảm và lớp mỡ bảo vệ da bị mất dần. Sau tuổi 60, cơ thể có thể xuất hiện các vết bầm tím không lý do hoặc dù chỉ ấn nhẹ lên da.

3. Rối loạn máu

Dù chỉ là một cú va chạm nhỏ cũng gây ra vết bầm tím lớn và kéo dài mãi không khỏi, bạn nên đi kiểm tra xem có bị bệnh máu khó đông máu, máu không đông hay không.

Những vết bầm không rõ nguyên nhân cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư máu. 

4. Tác dụng phụ của một số loại thuốc

Một số thuốc như aspirin, thuốc tránh thai, steroid... có tác dụng phụ là gây ra những vết bầm trên da.

5. Thiếu vitamin 

Vitamin C rất quan trọng trong việc chữa lành vết thương và hình thành collagen. Do đó, sự thiếu hụt khoáng chất này làm cho mạch máu nhỏ bị vỡ, dẫn đến bầm tím.

Ngoài ra, cơ thể không đủ vitamin K và B12, vốn có tác dụng giúp đông máu, một vết sưng nhẹ cũng có thể gây ra vết bầm tím lớn.

Theo Hoàng Hương (Soha/Trí Thức Trẻ)