Cơ thể yếu dần, đi lai khó khăn
Năm 2006, ở tuổi 42, anh Hoàng Minh P. (Hà Nội) bắt đầu thấy cơ thể yếu dần không rõ nguyên nhân. Triệu chứng ban đầu chỉ là run vùng đầu ngón tay, kèm theo cứng các cơ nửa người phải, bệnh nhân nói khó, viết khó.
Khi đi khám, anh P. được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson – căn bệnh thường gặp ở bệnh nhân ngoài 60 tuổi.
Bệnh nhân được điều trị khởi đầu với Artan 2mg x 2 viên/ngày chia 2 lần. 1 năm sau, các triệu chứng bệnh nhân nặng dần lên với các biểu hiện run, cứng tứ chi, nói khó, viết khó, đi lại khó khăn kèm theo tiểu khó, táo bón, hay vã mồ hôi.
Bệnh nhân được sử dụng phối hợp Artan 2mg x 2 viên/ngày và syndopa tăng dần liều. Đến thời điểm vào BV Việt Đức khám mới đây, anh P. đã dùng tới 6 viên syndopa/ngày.
Tuy nhiên thuốc chỉ có tác dụng trong khoảng vài tiếng, ngoài ra sau khi sử dụng thuốc khoảng 30 phút đến 1 giờ bệnh nhân có các biểu hiện loạn động, xoắn vặn. Điều trị không đỡ, anh P. rất chán nản, bi quan.
Sau khi được khám sàng lọc và làm các test đánh giá về thần kinh, tâm lý, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật.
TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Nội - Hồi sức Thần Kinh – BV Việt Đức cho biết, ekip phẫu thuật bao gồm các bác sĩ nội thần kinh, ngoại thần kinh, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh đã quyết định đặt điện cực vào vùng dưới đồi ở 2 bên.
Đường vào được xác định dựa trên hình ảnh chụp cắt lớp và cộng hưởng từ và gắn với một khung định vị để xác định chính xác vị trí đặt điện cực với sai số vài mm. Bệnh nhân được khoan 2 lỗ trên sọ và luồn điện cực vào vị trí được xác định ban đầu.
Hầu như trong suốt quá trình phẫu thuật, bệnh nhân vẫn tỉnh. Bác sĩ nội thần kinh đảm trách việc theo dõi bệnh nhân trong suốt ca phẫu thuật để đánh giá sự cải thiện của triệu chứng cũng như các tác dụng phụ xảy ra do quá trình đặt điện cực, từ đó điều chỉnh vị trí điện cực.
Sau khi hoàn tất đặt cả 2 điện cực, bác sĩ nối dây điện cực ra cục pin đặt dưới da ngực phải.
Toàn bộ quá trình phẫu thuật từ lúc gắn khung định vị đến khi kết thúc phẫu thuật kéo dài từ 7-8h. Bệnh nhân được lưu lại viện 3-4 ngày để theo dõi các biến chứng chảy máu, nhiễm trùng sau đó được xuất viện.
Trong những tuần đầu bệnh nhân được tái khám định kỳ hàng tuần và được các bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh điều chỉnh cường độ và vị trí phát xung thích hợp, kèm theo với việc duy trì sử dụng thuốc hợp lý.
Theo TS Tuấn, bệnh nhân P. sau 3 tuần phẫu thuật được duy trì Syndopa với liều 1.5 viên/ngày và điều trỉnh cường độ kích thích phù hợp đã có thể đi lại, tự phục vụ bản thân. Các biểu hiện như loạn động đã được kiểm soát, các triệu chứng như cứng cơ được cải thiện 80-90%, triệu chứng run được cải thiện 70%.
Parkinson ngày càng trẻ hoá
BS Anh Tuấn cho biết, Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh, tiến triển từ từ và nặng dần theo thời gian.
Bệnh xảy ra do một nhóm tế bào não sản xuất dopamin bị chết đi hàng loạt. Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh, có chức năng điều hòa và kiểm soát các vận động, cử động của cơ bắp, đặc biệt là chân tay và mặt.
Do đó, biểu hiện lâm sàng điển hình của Parkinson liên quan đến vận động như hội chứng run, co cứng cơ, chậm chạp, mất ổn định về tư thế, đi lại dễ bị ngã.
Ngoài ra, Parkison còn gây trầm cảm, ảnh hưởng tiêu hóa, rối loạn thần kinh thực vật, tiểu đêm, táo bón… Khi bị mắc chứng bệnh này, với những bệnh nhân ở giai đoạn sớm thường có biểu hiện run ở phần ngọn chi và miệng, kèm theo có việc co cứng các cơ, động tác chậm chạp dẫn đến việc hạn chế vận động.
Ở những giai đoạn sau, triệu chứng nặng dần lên, ngay các động tác đơn giản như cài khuy áo, tự mặc quần áo cũng không thể tự làm được.
Bệnh Parkinson hay gặp ở những người trên 60 tuổi. Những người phát hiện bệnh trước 50 tuổi gọi là khởi phát sớm và 10% trong số đó được chẩn đoán trước 40 tuổi - được coi là người bệnh Parkinson trẻ tuổi.
Tuy nhiên hiện nay tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân Parkinson ở độ tuổi 30-40 không còn hiếm và ngày càng tăng nhanh. Tại TP.HCM, từng điều trị Parkinson cho nam thanh niên mới 17 tuổi.
Hiện nay, việc điều trị cho bệnh nhân Parkinson chủ yếu là dùng thuốc. Ở những giai đoạn đầu, việc dùng thuốc thường đem lại hiệu quả ấn tượng và giai đoạn này được gọi là “thời kỳ trăng mật” (thường là 4-5 năm từ khi khởi phát bệnh).
Tuy nhiên ở những giai đoạn sau này việc đáp ứng với thuốc ngày càng kém dần, bệnh nhân có xu hướng phải tăng liều điều trị và đây cũng là giai đoạn xuất hiện nhiều biến chứng do sử dụng thuốc.
Khi bệnh nhân đáp ứng với thuốc kém, thường 5 năm kể từ khi được chẩn đoán Parkinson, bác sĩ sẽ cân nhắc cho bệnh nhân sử dụng kĩ thuật kích thích não sâu. Đây là một trong những kĩ thuật hiện đại nhất để điều trị Parkinson và một số rối loạn vận động khác.
Giá thành tại Việt Nam chỉ bằng 1/3 các nước phát triển, với mức giá trung bình khoảng 700 triệu đồng.
Khi thực hiện, bác sĩ sẽ đưa 1 que kim loại (còn gọi điện cực) vào đúng các cấu trúc sâu trong não. Sau đó, điện cực được nối với một dây dẫn ra khỏi não, luồn dưới da từ vùng đầu đến vùng trước ngực rồi gắn vào máy tạo nhịp được đặt ở đó.
Tuổi thọ pin trung bình khoảng 5 năm tùy thuộc vào cường độ điện sử dụng cao hay thấp. Giống như máy tạo nhịp tim, khi được kích thích, dòng điện sẽ theo dây dẫn vào điện cực, từ đó tác động vào nhân não giúp cải thiện triệu chứng cho người bệnh.
Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)