Không biết mình là ai
Suốt 3 tháng điều trị tại Viện Sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai, ông Bùi Thanh Tùng, 66 tuổi ở Thái Bình hiếm khi nhớ ra mình là ai. Sau cơn tai biến, trí nhớ của ông giảm hẳn, quên hết người thân, thậm chí không biết mình là ai.
Vợ ông, bà Trịnh Thị Hạt kể, cứ đều đặn 5h sáng, ông Tùng đã dậy đi cậy gạch, khiêng giường, xếp ghế, có hôm đánh vợ vì không biết vợ là ai.
Trường hợp khác điều trị ngay sát phòng ông Tùng là bệnh nhân Trần Tuấn Kiên, 73 tuổi ở Ninh Giang, Hải Dương, đã có thâm niên điều trị tại BV 3 năm nay.
Bà Vũ Thị Huống, vợ ông Kiên chia sẻ, từ năm 2015, khi còn làm Chủ tịch cựu chiến binh của xã, khi phải làm báo cáo, ông thường xuyên quên số liệu, kế tiếp đó là hàng loạt hiện tượng rất lạ như đi qua nhà con trai mà không biết, để nồi rau luộc trên bếp gas nửa tiếng không nhớ...
Ban đầu gia đình chỉ nghĩ ông Kiên hay quên do tuổi già, nhưng tình trạng hay quên ngày càng trầm trọng, mất luôn ý niệm về thời gian. Nhiều đêm đang ngủ, ông Kiên đột nhiên bật dậy xuống bếp nấu cơm. Có hôm bật dậy nhưng cổng khoá, ông liền vượt tường đi bắt cá. Ông cũng dễ kích động khi xem tivi hoặc thấy đám đông chỉ muốn xông vào đấm đá...
Nghi ngờ ông mắc bệnh, năm 2016, gia đình đưa đến BV Bạch Mai chụp não, phát hiện ông mắc bệnh Alzheimer là nguyên nhân gây sa sút trí tuệ. Từ đó đến nay, năm nào ông cũng đều đặn lên BV điều trị rồi đều đặn lấy thuốc, tái khám.
Khi ở viện, bà Huống luôn phải theo sát ông mọi lúc, mọi nơi. Có đêm đang ở BV, ông bật dậy bảo đến giờ đi tiêm, hôm khác lại mở cửa đòi về nhà.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần chia sẻ thêm, nhiều bệnh nhân được con đưa đến BV khám do cứ 1-2h sáng là bật dậy khỏi giường, bật điện sáng trưng rồi gọi con cái dậy nấu cơm, có trường hợp khác để quên bàn là trong tủ lạnh.
Hay có bệnh nhân 80 tuổi cứ đêm đến là bật lửa thắp hương, bật hết bếp gas khiến con cái phải tìm đủ cách đối phó, thay hết bếp gas bằng bếp từ để đảm bảo an toàn.
3 giây có thêm 1 người mắc mới
Những trường hợp nói trên mắc sa sút trí tuệ - là căn bệnh khá phổ biến ở người cao tuổi. Ước tính có khoảng 10% người trên 60 tuổi bị chứng bệnh này. Trên thế giới cứ 3 giây sẽ có thêm 1 người mắc sa sút trí tuệ, tuổi càng cao, tỉ lệ mắc càng lớn.
Số bệnh nhân bị sa sút trí tuệ ở Việt Nam hiện khoảng 1,3 triệu người và dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới do tốc độ già hoá dân số của Việt Nam đang rất nhanh.
TS Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Điều trị tâm thần người già, Viện sức khoẻ Tâm thần, BV Bạch mai cho biết, nguyên nhân sa sút trí tuệ do tổn thương não, với đặc trưng là các biểu hiện suy giảm nhận thức, trí nhớ, ngôn ngữ, tri giác, giảm khả năng suy luận, phán đoán... Đó là lý do vì sao nhiều bệnh nhân bị rối loạn định hướng về không gian, thời gian, nhầm ngày là đêm và ngược lại.
Theo TS An, Alzheimer (thường mắc sau tuổi 65) là nguyên nhân phổ biến nhất gây sa sút trí tuệ, chiếm 60-80%, tuy nhiên các bệnh khác như Parkinson hoặc các tổn thương não như u não, chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não... cũng là nguyên nhân gây sa sút trí tuệ.
Đáng lưu ý, sa sút trí tuệ hiện cũng đang có xu hướng trẻ hoá, bệnh nhân trẻ nhất điều trị tại Viện sức khoẻ tâm thần mới 49 tuổi. Nguyên nhân do rối loạn nội tuyết, mắc các bệnh chuyển hoá, các bệnh do thiếu vitamin.
Đáng tiếc, hầu hết các trường hợp bị sa sút trí tuệ đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, khi bệnh nhân không chỉ đơn thuần bị suy giảm trí nhớ mà đã có những rối loạn tâm thần, người nhà không chăm sóc được.
Do đó, người dân cần trang bị kiến thức về căn bệnh này, để khi thấy người thân hay quên tăng dần, rối loạn hành vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cần đưa đến gặp bác sĩ để khám, đánh giá xem bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ do tuổi tác hay mắc sa sút trí tuệ.
TS An cho biết, ở giai đoạn sớm, sa sút trí tuệ có các biểu hiện như quên những người thân thuộc, hay lẫn lộn các sự kiến mới - cũ; cảm xúc không ổn định, hay bực dọc, thường phản ứng bùng nổ cảm xúc với bạn bè và người thân, xua đuổi mọi người, không chịu tiếp xúc, gây ra các vấn đề tồi tệ, cảm xúc đối nghịch, chậm hiểu…
Đến giai đoạn muộn, bệnh nhân sẽ mất hoàn toàn trí nhớ, mất khả năng phán đoán và suy luận, mọi hoạt động trong cuộc sống đều cần có người trợ giúp, là gánh nặng rất lớn cho bản thân người bệnh và gia đình.
Nhiều người trẻ lo sợ hay quên là bị sa sút trí tuệ nên đi khám, tuy nhiên TS An khẳng định, đó chỉ hay quên bình thường, thường sẽ tự nhớ ra sau một khoảng thời gian, còn sa sút trí tuệ là bệnh lý, không hồi phục.
Hiện nay, nhiều gia đình khi thấy bố, mẹ, ông bà có biểu hiện hay quên, mất ngủ thường cho uống thuốc bổ não, song TS An cho biết, những thuốc này không có tác dụng điều trị.
TS An cho biết, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để chữa khỏi sa sút trí tuệ, tuy nhiên nếu được phát hiện và điều trị sớm, sẽ làm chậm quá trình tiển triển bệnh, kéo dài thời gian ổn định.
10 biểu hiện của sa sút trí tuệ
1.Giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hàng ngày.
2. Khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề.
3. Khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc.
4. Nhầm lẫn về thời gian và không gian.
5. Khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian.
6. Phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết/ đọc.
7. Đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ.
8. Giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định.
9. Thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội.
10. Thay đổi cảm xúc và nhân cách.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)