Nếu coi việc nói lời yêu, cầu hôn sao cho đối phương đồng ý là cả 1 nghệ thuật thì cách chấm dứt mối quan hệ ấy chính là đỉnh cao của nghệ thuật. Ly hôn chẳng khó, đối xử với nhau ra sao sau ly hôn mới là cả 1 vấn đề, bởi đằng sau 1 cái buông tay còn là cả 1 hệ lụy con cái, người thân. Ấy vậy mà vẫn còn 1 nỗi ám ảnh mang tên: cạn tình hậu ly hôn.
Ai chẳng biết có xấu thì mới buông, chẳng đẹp thì mới bỏ nhưng sao kết thúc rồi vẫn cứ "vạch áo cho người xem lưng"?
Dân tình đang xôn xao vụ 1 anh diễn viên nào đó vẫn hơn thua với vợ cũ mình trong từng câu chữ, đăng đàn xỉa xói, đáp trả sau đó bị ném đá nhiều quá lại nhẹ nhàng xóa đi. 1 vị khán giả có "tâm" đã hỏi anh ấy rằng: "Anh ơi trước anh xem vai phản diện của chị ấy anh bất ngờ vì giống con người của vợ cũ anh quá, thế giờ chị ấy đóng vai chính diện anh có còn thấy giống nữa không? Hay người đàn ông khí chất như anh nhìn ai cũng chẳng ra gì, soi ai cũng như đang soi gương chính mình? Có căm hận thế nào, người ta cũng đang nuôi con anh đấy ạ!".
Câu chuyện bắt đầu bằng 1 sự liên tưởng "thế là đời giống phim hay phim giống đời" và màn đáp trả xắt xéo của anh chồng cũ lại khiến thiên hạ có chuyện để bàn. Chẳng có ai biết chính xác những gì đã xảy ra trong nhà nhà người ta nhưng việc "nhai đi nhai lại" này đâu phải của riêng 1 người.
Lại nhớ đến chuyện của 1 anh vũ công cách đây không lâu. 11 năm tình nghĩa gắn bó cuối cùng cũng thua 1 người thứ 3. Trong khi cô vợ đau đớn, gặm nhấm từng kí ức đẹp từ quá khứ thì anh chồng lại cạn tình cạn nghĩa tố xấu vợ. Ngỡ tưởng giống như hàng ngàn cuộc tan vỡ của showbiz, ly hôn là mỗi người mỗi ngả nhưng rồi cuộc chiến ngầm vẫn diễn ra, họ vẫn thích đá xéo, đấu tố nhau như chưa từng quen biết.
Từ bao giờ mà hình ảnh đẹp về người đàn ông mạnh mẽ, vững trãi từng là chủ 1 gia đình nó lại méo mó, nhỏ nhen đến vậy? Các anh làm thế để các anh được gì? Ai chẳng biết ly hôn là điều "đặng chẳng đừng", sao đã lựa chọn giải thoát cho nhau rồi mà vẫn thích "vạch áo cho người xem lưng"?
Hôn nhân thực chất là 1 cuộc đổi chác 2 chiều. Đổi 1 thân xác người lớn mà tâm hồn trẻ con bằng sự trưởng thành với trách nhiệm gia đình. Đổi những tháng ngày rong ruổi tự do bằng những bữa cơm có đầy đủ vợ chồng, con cái. Đổi sự cô đơn mòn mỏi trong những mối quan hệ chẳng ra đâu bằng 1 mục tiêu rõ ràng, xây đắp hạnh phúc cho tổ ấm nhỏ. Khi không thể hiểu và trân trọng được 2 chữ "gia đình" ấy người ta mới ly hôn, càng sớm càng tốt để giải thoát tất cả.
Vậy ràng buộc còn lại sẽ là gì? Chẳng phải ngoài những đứa con ra còn sự thù hận, cố chấp từ tháng ngày mà họ vỡ mộng về nhau hay sao? Rồi người ta chọn cách vứt hết thể diện của mình để hơn thua với đối phương trong từng câu chữ, muốn ra sao thì ra cứ phải cho thiên hạ biết hết cái đã. Chán các anh thật!
Đàn bà hậu ly hôn bận lắm!
Nhưng các anh ơi, xin thưa vợ các anh có tốt đẹp mấy các anh hưởng, giờ chia tay người ta chả quan tâm cô ấy từng cằn nhằn với các anh thế nào, làm các anh chán ra sao đâu, người ta chỉ nhìn vào cái hành động xấu xí mà các anh đang trưng ra trước bàn dân thiên hạ mà thôi.
Vợ ở trong nhà có cãi chồng 1 câu cũng chẳng bằng vài giây chồng ôm hôn đàn bà khác ở ngoài đường. Thế đấy, cái gì nó đã găm sâu vào lòng thì phụ nữ họ khó quên lắm. Nhìn gì cũng thấy đau, xem gì cũng phải liên tưởng. Vậy thì trách ai, trách các anh đã gieo vào đầu họ nhiều mảng màu tối tăm quá mà. Nhưng thôi họ có nhớ thì cũng kệ họ, liên quan gì đến các anh, hơn nhau cái quần - chiếc váy cuối cùng người thiệt là con cái các anh đấy ạ!
Đàn bà hậu ly hôn bận lắm. Khi đàn ông rảnh rang đi tìm những niềm vui mới thì đàn bà bắt đầu tất bật trong cả hai vai bố và mẹ. Họ bận rộn với cuộc sống mới, họ lấy con cái làm niềm vui và động lực. Họ không than vãn, không càm ràm, không nói xấu chồng cũ nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, phụ nữ chưa bao giờ cạn kiệt nước mắt.
Lại 1 lần nữa, cô diễn viên kia chọn cách im lặng khi bị chồng cũ đá xéo. Các anh thấy mình dại chưa, công khai nói xấu người đàn bà đã từng sinh và nuôi con cho mình hết lần này đến lần khác nhưng cô ấy chẳng hề phản bác lại xấu hổ nhỉ?
Nhưng mọi thứ đâu chỉ dừng lại đơn giản như thế. Ôi nực cười thật, khi 1 người sai muốn sửa sai mà nó lại càng sai hơn. Vì sao ư, vì các anh không có tâm để làm cho nó đúng. 1 lời chia sẻ chẳng nói lên được điều gì, càng giải thích đàn ông lại càng khiến bản thân mình méo mó hơn. Nếu các anh sợ người ta hiểu lầm thì đừng có làm, sợ người ta suy diễn thì đừng có ám chỉ.
Hãy để nỗi đau dẫn đến sự khôn ngoan
Mỗi 1 cuộc ly hôn, chẳng có ai là người không đau, chẳng có ai không mất mát dù là chồng thay lòng hay vợ chủ động buông tay. Nhưng đối xử với nhau thế nào khi duyên đã hết mới là điều cần phải học.
Có ai từng nói: "Đàn ông có tử tế hay không, chia tay rồi mới rõ". Bởi có những cuộc ly hôn để lại nhiều nuối tiếc, cũng có khi người đàn ông còn trọn tình, trọn trách nhiệm với vợ con hơn cả lúc họ sống cùng nhau.
Đôi khi sự tử tế của đàn ông sau chia tay chẳng phải ở kinh tế hay làm được cái nọ cái kia cho con cái mà chính là thái độ của họ đối với người cũ - người mà con họ đang gọi là mẹ.
Khi được hỏi sau ly hôn sẽ đối xử với người cũ thế nào hẳn ai cũng bảo có thể sẽ thành bạn bè, sẽ bình thường với nhau để lo cho con khôn lớn, sẽ tôn trọng nhau… Nhưng, mấy người nói được mà làm được?
Dù ai cũng thuộc lòng cái chân lý một ngày vợ chồng, ngàn năm tình nghĩa nhưng khi tình tan, nghĩa thường cũng tàn, mọi chân lý rồi cũng thành lý thuyết suông, bị nhấn chìm mỗi khi lòng thù hận cay cú dành cho nhau trỗi dậy.
Nhưng dù thế nào cũng hãy nghĩ sâu xa ra 1 chút các anh ạ. Chẳng ai bắt các anh hi sinh thêm cái gì cả nhưng cư xử với vợ cũ 1 cách đàng hoàng là giữ thể diện cho chính các anh, làm đẹp hình tượng bố trong mắt con các anh.
Thôi cố lên các anh, đừng để người ta bảo ẩn sau bộ vest lịch lãm là bóng dáng của chiếc váy xinh xinh. Cuộc đời còn dài lắm, sau nỗi đau hãy để sự khôn ngoan dẫn lối, đừng "thức dậy" nữa lòng tiểu nhân trong sức vóc dài rộng kia.
Theo Lạc Lạc (Helino)