Thế nên phụ nữ ạ, ngàn lần đừng nghĩ đến chuyện đẻ thật nhiều, thật nhiều để GIỮ CHÂN một người đàn ông hay khiến anh ta hồi tâm chuyển tính...
Ảnh minh họa |
Những đau đớn thể xác chẳng là gì so với những cái chết lặng lẽ từ tâm can
Khi làm đám cưới, phụ nữ ai cũng có cảm giác mình là nhân vật chính của bộ phim diễm tình mỹ lệ, khi nam chính thề nguyện đời đời kiếp kiếp yêu thương, quan tâm, chăm sóc mình, chỉ cái chết mới chia lìa đôi lứa!
Nhưng đôi khi, cái chết khiến đôi lứa chia lìa ấy không hẳn là cái chết sinh lí, khi một trong hai người nhắm mắt xuôi tay.
Như cô bạn tôi, cưới nhau được ba tháng, đùng đùng nộp đơn đòi ly hôn. Lí do: Chồng có bồ. Bồ của chồng tên là Cái Chết. Vậy là cái chết chia lìa đôi lứa.
Như chị đồng nghiệp của tôi, cưới nhau được một năm, cũng lặng lẽ dọn đồ về nhà mẹ đẻ. Lí do: Nhà có nhiều hơn một mẹ chồng. Mẹ chồng thật và mấy mẹ chồng “phụ” (chị em gái của chồng) thi nhau “củ hành” khiến chị bạn tôi không hiểu mình đang sống ở nhà chồng hay ở địa ngục. Mẹ chồng tên là Cái Chết. Vậy là cái chết cũng chia lìa đôi lứa.
Và còn một nơi cũng chứng kiến rất nhiều cái chết khác, cái chết đau đớn câm lặng của người phụ nữ, cái chết khốn khổ mà không thể kể cùng ai, đó chính là sản khoa của bệnh viện.
Bước chân vào đây, sẽ không còn những nhan sắc hồng hường hoa phấn mỹ lệ, những giai nhân hớp hồn đàn ông nữa. Sẽ chỉ còn những bà bầu, bà đẻ xấu xí, thô kệch, những cái bụng ỏng to vượt mặt, những bước đi khệ nệ, những cái chân phù nề như cột đình, chiếc mũi nở như quả cà chua, những cau có, cáu gắt, những tiền nong, hóa đơn. Tất cả những điều ấy dễ làm con người hoa mắt chóng mặt và dễ mất bình tĩnh. Và có lẽ cũng bởi thế, mà đây cũng chính là nơi thấy rõ được tấm lòng người đàn ông dành cho người phụ nữ của mình.
Bệnh viện là nơi nghe thấy nhiều lời cầu nguyện hơn nhà thờ, sân bay là nơi nghe thấy nhiều yêu thương chân thành hơn lễ đường thành hôn, và sản khoa là nơi thấy được bản chất của con người nói chung và đàn ông nói riêng rõ hơn bất kỳ một cơ quan an ninh điều tra nào.
Vào khoa sản của một bệnh viện bất kỳ mà xem, bạn sẽ thấy rơi nước mắt trước những nỗi đau rất thật, dù người phải nếm trải, chịu đựng nó không phải là bạn.
Ảnh minh họa |
Có những bà bầu, từ đầu đến cuối thai kỳ đều đi khám một mình. Không chồng, không mẹ chồng, chỉ lặng lẽ một mình đến rồi lại về, định kỳ như vậy. Những tháng cuối, chân phù không đi nổi, bụng to thở cũng khó, vẫn chỉ thấy vào viện đăng ký đẻ một mình.
Có những bà bầu sắp sinh nhưng chưa biết khi nào mới lên bàn đẻ, bị chồng khó chịu nhiếc móc, kiểu: “Chưa đẻ đã rồ lên”, hay tệ hơn: “Thôi em nằm đây chờ một mình, có gì gọi y tá, khi nào vào phòng đẻ anh vào sau”.
Có những người đau đớn khi trở dạ, rồi sinh thường không được, muốn sinh mổ, cũng phải xin ý kiến của chồng, gia đình chồng. Đến tính mạng của mình cũng không được tự quyết định.
Có những bà đẻ, sinh rồi vẫn chẳng thấy chồng đâu, hoặc chồng với nhà chồng chỉ chăm chăm nhìn con, nhìn cháu. Vợ/con dâu cứ nằm đấy. Đẻ xong rồi là xong. Đau mấy rồi cũng qua. Có chết đâu mà sợ.
Nhưng chẳng ai biết, lúc ấy, lòng đàn bà đã chết rồi.
Sản khoa - nơi những chiếc mặt nạ rơi ra, thứ còn lại sẽ chỉ là sự thật!
Đau đẻ, đó là lúc mà người phụ nữ trải qua một cơn địa chấn về mặt tâm sinh lí. Những cơn đau dồn dập bóp nghẹt cơ thể, tưởng như có thể chết đi được. Lúc yếu lòng, thần kinh bất ổn nhất như vậy, thứ phụ nữ cần nhất chính là một bờ vai vững chãi, một lời an ủi nhẹ nhàng để có thể vững lòng vượt qua sóng gió.
Nhưng đàn ông, có mấy ai hiểu được điều đó? Tôi đã từng chứng kiến một người chồng của bạn mình, nhất định không chịu vào phòng đẻ cùng vợ (dù đẻ dịch vụ ở bệnh viện lớn cho phép điều này) chỉ vì sợ. Sợ thấy vợ đau đớn la hét, máu me be bét. Sợ thấy cảnh con chui ra từ “chỗ ấy” của vợ. Sợ bị ám ảnh. Vậy là anh chồng kiên quyết đứng ngoài. Tay không quên cầm điện thoại để livestream tình hình vợ đẻ lên facebook.
Rồi có người vợ đẻ xong, chẳng hỏi thăm được một câu có đau không, có mệt không, có sợ không. Cứ làm mọi việc như một cái máy, vừa làm vừa than mệt, than buồn ngủ, than phòng ở bệnh viện sao mà vừa nóng vừa đông vừa bẩn.
Đến khoa sản, sẽ thấy tất cả những chiếc mặt nạ đẹp đẽ sẽ rơi ra, những lời thề non hẹn biển, những mật ngọt rót vào tai sẽ biến mất. Chỉ còn lại duy nhất một thứ, là sự thật. Sự thật tàn nhẫn, trần trụi ấy nhiều khi khiến phụ nữ thấy mình chẳng khác gì cái máy đẻ. Mà là máy thì thấy đau, thấy mệt, thấy sợ làm sao được. Là máy, thì không có quyền được kêu ca, than vãn, không có quyền được khóc, được rơi nước mắt. “Ai cũng đẻ được, đâu chỉ mình em?” - lời nói ấy thật chẳng khác nào vạn tiễn xuyên tim.
Thế nên mới bảo, muốn biết chồng có yêu mình hay không, cứ chờ đến lúc mang bầu, có con sẽ rõ. Có kẻ sẽ rơi mặt nạ ra từ sớm lắm chứ chẳng cần đến lúc bước vào phòng hộ sinh. Ấy là khi vợ bầu đã lén lút đi lăng nhăng, “bóc bánh trả tiền”, ấy là khi vợ bầu mệt mỏi chẳng hỏi han chăm sóc được tẹo nào, xểnh ra là rượu chè rồi game gủng thâu đêm suốt sáng. Vợ ốm không được thìa cháo, vợ đi khám thai về chẳng được một lời hỏi thăm. Ấy là khi chiếc mặt nạ đẹp đẽ kia đã tự rơi ra mất rồi. Chỉ còn lại một kẻ vô tâm, ích kỉ và chẳng yêu thương vợ như những gì anh ta nói.
Ảnh minh họa |
Thế nên phụ nữ ạ, ngàn lần đừng nghĩ đến chuyện đẻ thật nhiều, thật nhiều để GIỮ CHÂN một người đàn ông hay khiến anh ta hồi tâm chuyển tính. Đàn ông tốt, vợ đẻ một đứa con cũng vẫn hết lòng yêu thương quan tâm vợ con. Đàn ông tệ bạc, đẻ cho hắn cả đội bóng hắn vẫn chẳng thèm trân trọng. Vậy thì cố mà làm gì? Khi ngay từ lần đi đẻ đầu tiên, thứ bạn nhận được chỉ là những ê chề đau đớn và tủi hổ?
Tôi may mắn hơn nhiều phụ nữ khác, đó là không phải trải qua cơn đau đẻ. Tôi được chỉ định sinh mổ, vì không có cơn co, quá ngày dự kiến sinh mà nước ối đã cạn. Vậy là mổ lấy con. Lúc mang bầu, với tôi là cả một cơn bão cấp 12 vì đó là khoảng thời gian có quá nhiều biến cố: những bí mật động trời của chồng, mẹ tôi gặp tai nạn nguy hiểm, công việc không như ý… Với tâm lý lúc nào cũng như một chiếc cốc rạn đang đựng nước sôi, tôi bước vào phòng chờ sinh với nỗi lo lắng rất thật.
Nhưng chính vào giây phút tôi chuẩn bị quay người bước vào, chồng tôi đã giữ tay tôi, và ôm tôi một cái thật chặt. “Vợ cố gắng nhé, chồng chờ hai mẹ con ở ngoài này.”
Tôi quay đi và cố không khóc. Tâm trạng hỗn loạn đã dịu bớt được phần nào. Sau khi mổ xong, con tôi được mang về phòng trước. Tôi nằm đó, mơ màng suốt vài tiếng đồng hồ, đến lúc được chuyển về phòng hậu sinh, vừa ra khỏi thang máy, đã thấy chồng ngồi ở ghế chờ sẵn. Rồi hôm sau, nghe chị tôi kể lại: “Lúc mày vào phòng mổ, thằng T. nó cứ đi đi lại lại liên tục chóng hết cả mặt. Thấy y tá hay bác sĩ nào đi ra cũng vồ lấy hỏi: “Vợ em mổ xong chưa, có vấn đề gì không?”, rồi lại đi đi lại lại như thế, liên tục cho đến khi cô y tá bế thằng con ra, đến là chóng mặt!”. Chỉ cần từng ấy thôi, cũng đủ để tôi tha thứ hết những lầm lỗi mà anh đã mắc phải khi tôi đang mang bầu.
Phụ nữ mà, mạnh mẽ đến mấy, rồi cũng chỉ cần một bờ vai đủ vững chãi để có thể dựa vào. Duy nhất mình được dựa vào. Rồi dịu dàng mà đỡ mình qua những sóng gió của cuộc đời.
Khi ấy, nghe thấy tiếng con khóc chào đời, thì phụ nữ mới có thể nở nụ cười mãn nguyện và hạnh phúc được, các đức ông chồng ạ!
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả
Theo K.C.H (Trí Thức Trẻ)