Dấn thân vào trò chơi "đổi vợ đổi chồng", vợ chết, chồng có HIV, gia đình tan nát
Trong chương trình "Nói nghe nè" cùng Trác Thúy Miêu tập 7, Nguyễn Anh Phong (thành viên của cộng đồng những người sống chung với người nhiễm HIV tại Việt Nam, tác giả nổi tiếng với trang "Chuyện của Phong") chia sẻ một câu chuyện có thật của một cặp vợ chồng từng chơi trò "đổi vợ đổi chồng" để rồi dẫn đến cái chết thương tâm của người vợ có HIV, người chồng cũng nhiễm bệnh xã hội này và con cái côi cút, không nơi nương tựa.
"Anh Phong! Để trong lòng hoài thực sự không thể nào sống được anh à. Cái cảm giác sống không được, chết không xong khổ sở hơn bao giờ hết. Nói khoái cảm cũng đúng, ham của lạ cũng đúng, đam mê nhục dục cũng đúng, nhu cầu sinh lý cao cũng đúng. Nhưng đó là nhu cầu cá nhân khi tham gia hội JDTX - một hội đổi vợ đổi chồng để lấy giá trị của người bạn đời chính thức của mình. Mình rủ vợ mình tham gia để cả hai vợ chồng cùng hiểu nhau hơn thật ra là để biện minh cho tính tò mò của mình. Vợ mình lúc đầu không đồng ý nhưng mình thuyết phục và cam kết không ảnh hưởng tình cảm vợ chồng mình nên cô ấy đồng ý.
Vợ chồng mình đã vui với hội gần nửa năm với khá nhiều điều mới mẻ nhưng không vui được nữa do trong hội có một bạn đột ngột mất do viêm phổi cấp. Bạn ấy rất khỏe mạnh nhưng chỉ nhập viện một ngày thì đi. Cả nhóm đến chia buồn về thì nghe xì xầm với nhau "anh ấy có liên quan đến bệnh tình dục", thế là hoang mang cả hội. Vợ chồng mình đi gặp bác sĩ riêng và kết quả là vợ chồng mình nhiễm HIV, vợ mình có HIV lẫn giang mai.
Vợ mình mạnh mẽ lắm, cô ấy nói: "mình cùng chiến đấu nhé". Vậy mà đêm đó, cô ấy ra đi không bao giờ trở lại với lá thứ tuyệt mệnh và bắt mình phải nuôi và chăm sóc con. Những lời cô ấy viết không thể nào quên: "Lỗi cũng tại em chấp nhận cùng anh đi vào hố sâu này. Em chịu nhưng em không thể đối mặt với tội lỗi này, mong anh hiểu cho. Anh có dặn em sử dụng bao nhưng anh ơi cảm xúc không thể nào ngăn được vì em phải lòng anh ấy và tụi em đã thăng hoa với nhau không có biện pháp an toàn. Bọn em không danh chính ngôn thuận thì ít ra trên giường phải chân thật để là của nhau. Đùng cái, anh ấy ra đi đột ngột. Vợ anh ấy báo với em là anh ấy có HIV. Em biết em không thể thoát được nhưng cái đáng lo nhất là em lại mang về cả cho anh. Em xin lỗi anh. Em xin anh giúp em chăm lo cho con của mình, cho em được ra đi. Nạn nhân cũng là hung thủ là em. Hãy cho em giải thoát".
Cô ấy thúc giục mình đi khám sức khỏe, cô ấy kêu cả nhóm đi kiểm tra, nhắn tin cho từng người (mà ai cũng nghĩ cô ấy đùa vì cô ấy khỏe và đẹp quá) vì cô ấy biết rõ ai cũng không thể thoát khi đã tham gia cuộc chơi này. Cô ấy ra đi, cả nhóm thức tỉnh, cuống cuồng lên đi xét nghiệm. Cả hội chỉ có 3 người thoát HIV nhưng cũng mang "những cái khác". Khốn nạn hơn, có những đứa trẻ lại phải mang cả những gì ba mẹ chúng có. Bi kịch đến với từng thành viên và từng gia đình. Những gia đình sụp đổ. Những đứa trẻ mồ côi. Những tiếng cười khinh bỉ. Những cái chết bất ngờ. Mọi thứ ồ ạt đi vào cả giấc ngủ của mình mấy năm nay. Không đêm nào mình có giấc ngủ bình yên.
Mình đã đẩy gia đình mình vào đổ nát: Vợ mình chết, con mình mồ côi và trầm cảm vì nó là người phát hiện mẹ nó ra đi, gia đình nội ngoại từ mặt nhau vì đổ lỗi cho nhau, mình có tội. Đêm qua xem cuộc nói chuyện của chị Trác Thúy Miêu và Phong, tảng đá trên ngực mình nặng hơn bao giờ hết, mình quyết định chia sẻ với Phong, mong Phong lắng nghe mình. Không thể nói được với ai, ôm nghẹn một mình, nó khủng khiếp lắm.
"Vợ ơi anh về nè, hôm nay nấu ăn gì vậy em? Anh ơi, con mình nay học điểm cao được nhà trường tặng giấy khen. Ba mẹ ơi hôm nay cả nhà mình đi xem phim rồi đi ăn nha". Hình ảnh cả nhà bên nhau vụt tắt khi vợ mình nằm đó toàn thân run rẩy miệng sùi bọt mép, con mình co rúm nơi góc phòng, mọi người cười cợt chỉ trỏ xôn xao đàm tiếu… Mình thét lên trong đêm giật bắn người lấy tay bụm miệng để không thốt ra tiếng "trời ơi". Mình kể ra không phải để ai đồng cảm cho mình mà chỉ mong Phong đưa câu chuyện đến cho mọi người, để ai đó có khoái cảm như mình và những anh chị em nào đang trong hội thì nên thức tỉnh vì đam mê đó, vui đó, sướng đó nhưng sẽ đầy tang thương. Mình biết sẽ khó dừng lại cho những ai trong chốn đam mê ấy vì mình đã từng không nghe ai nói gì nhưng nếu an toàn dùng bao được, dùng thuốc dự phòng được thì dùng và đừng để có con vì tội cho mấy đứa nhỏ lắm mọi người ơi".
Câu chuyện này được chia sẻ trên trang "Chuyện của Phong" nhằm truyền thông cho mọi người về HIV, thức tỉnh mọi người cẩn trọng nhiễm bệnh hiểm nghèo khi quan hệ tình dục không an toàn, nhất là trong thú vui bệnh hoạn "đổi vợ đổi chồng" có quá nhiều vấn nạn về nhân cách, về đạo đức đi kèm.
Quan hệ "đổi vợ đổi chồng" là trò chơi lệch lạc, nguy cơ lây nhiễm HIV và bệnh lây truyền qua đường tình dục rất cao
Theo BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp), hoạt động tình dục không an toàn là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV. Người mang virus khi quan hệ tình dục sẽ lây truyền HIV cho bạn tình. Tỷ lệ lây nhiễm HIV cho mỗi lần quan hệ tình dục không bảo vệ ước tính là 0,1-1%. Tỷ lệ này gia tăng theo tần suất quan hệ. Trong khi đó, quan hệ tình dục với người bị HIV có bảo vệ bằng bao cao su sẽ có độ an toàn lên tới 90 – 95% nếu thực hành đúng cách.
HIV lây truyền qua đường tình dục do tình dục đường âm đạo, tình dục đường hậu môn và ngay cả oral sex dù khả năng lây truyền thấp hơn. "Nếu trong miệng có vết trầy xước hoặc chảy máu răng mà không biết thì vẫn có khả năng lây nhiễm HIV", chuyên gia khẳng định.
Đó là lý do giới chuyên gia vẫn lên tiếng khuyến cáo chỉ nên chung thủy một vợ một chồng để đảm bảo hạnh phúc gia đình cũng như phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh xã hội, bệnh tình dục nguy hiểm. Và trong mọi trường hợp, bao cao su hiện nay vẫn là giải pháp hàng đầu để đảm bảo cuộc yêu thăng hoa mà không để lại hậu quả cũng như hạn chế tối đa những hậu quả như mang thai ngoài ý muốn, nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có HIV.
Để tránh nguy cơ lây nhiễm HIV khi quan hệ tình dục, bạn cũng có thể tiến hành điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV - PrEP là việc sử dụng (uống) thuốc kháng HIV (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao.
PrEP được giới chuyên gia đánh giá có hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV rất cao. Thử nghiệm lâm sàng chứng minh sử dụng PrEP có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HIV đến hơn 90%.
Theo Tiểu Nguyễn (Trí Thức Trẻ)