Đặc điểm của các ca Covid-19 ở TP.HCM phải nhập viện

29/04/2023 11:15:24

Mặc dù đã khỏi Covid-19, ông B.V.B vẫn xin các bác sĩ của Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) được ở lại thêm. Lý giải mong muốn này, ông cho biết bản thân có bệnh nền tiểu đường và huyết áp không ổn định.

Người già căng thẳng khi mắc Covid-19

Một tuần trước, ông B.V.B (77 tuổi) bị kiệt sức và ngất xỉu ngay tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 nên ông phải nhập viện điều trị.

“Đợt dịch trước cả nhà đều mắc Covid-19 nhưng nhẹ và qua hết. Lần này tôi sợ nguy hiểm vì huyết áp và đường vẫn chưa ổn định, mệt mỏi, kiệt sức”, ông nói. Ông đã tiêm 4 mũi vắc xin Covid-19.  

Cùng phòng bệnh là bà cụ 91 tuổi sống ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Cách đây ít ngày, bà bị ho, rát họng, mệt mỏi nhưng nghĩ bị cảm do thời tiết nóng nực. Khi đứng lên ngồi xuống, bà bất ngờ bị ngã. Gia đình vội đưa đi cấp cứu và phát hiện bà mắc Covid-19. 

Đặc điểm của các ca Covid-19 ở TP.HCM phải nhập viện
Bệnh nhân B.V.B 77 tuổi điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: GL.

“Tôi đã tiêm 3 mũi vắc xin. Cả nhà ai cũng âm tính, hai người bạn đến chơi cũng không sao. Vậy mà tôi bị mắc Covid-19, lạ thật!”, bà nói. 

Theo bác sĩ Trần Văn Quang, Phó khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), gần 20 ca mắc Covid-19 có chỉ định nhập viện tại cơ sở này đều ở mức độ nhẹ và trung bình. 

“Một trường hợp phải thở oxy qua cannula là bệnh nhân viêm phổi, suy hô hấp có bệnh nền và lớn tuổi. Người này điều trị khoảng 3 ngày tại Khoa Nội tổng quát và bị sốt cao. Bác sĩ cho xét nghiệm và kết quả dương tính với SARS-CoV-2”, bác sĩ Quang nói. 

Lây nhiễm chéo Covid-19

Nhiễm Covid-19 khi đang điều trị bệnh khác cũng gặp phải ở một số cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, từ giữa tháng 4, đơn vị này bắt đầu tiếp nhận ca mắc Covid-19, trung bình 1-2 bệnh nhân mới/ngày. 

Trong đó, hai trường hợp nặng là một bệnh nhân có bệnh bạch cầu cấp và một người bị bệnh lý van tim, tăng huyết áp, suy tim, rối loạn sinh tủy (một dạng bệnh lý huyết học). 

Hai bệnh nhân đều đang điều trị tại khoa khác và có dấu hiệu sốt, khó thở nên được xét nghiệm. Kết quả xác định họ mắc Covid-19 nên được chuyển xuống Khoa Bệnh nhiệt đới. Một trường hợp diễn tiến nặng và tử vong sau một tuần điều trị tích cực. 

Đặc điểm của các ca Covid-19 ở TP.HCM phải nhập viện - 1
86% bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM có bệnh nền. Ảnh: GL.

Trước đó, khoảng giữa tháng 4, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cũng ghi nhận một bệnh nhi bị lây Covid-19 từ bà ngoại (người chăm sóc trực tiếp). 

Bé phải phẫu thuật do mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh và mắc Covid-19 trong thời gian hậu phẫu. Mặc dù không có triệu chứng bệnh hô hấp, bé vẫn được chuyển theo dõi tại Khoa Hồi sức Nhiễm - Covid-19 do có bệnh nền. 

86% ca Covid-19 nhập viện có bệnh nền

Kết quả phân tích của Sở Y tế TP.HCM trên 180 bệnh nhân Covid-19 nhập viện (số liệu đến ngày 23/4) cho thấy 86% có bệnh nền. Cùng thời điểm này, Bệnh viện Thống Nhất (thuộc Bộ Y tế) điều trị cho 20 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, 100% đều có bệnh nền tim mạch hoặc hô hấp, đa số trên 65 tuổi, riêng người trên 80 tuổi chiếm tỷ lệ 30%. 

Theo các bác sĩ, tỷ lệ Covid-19 nặng ở giai đoạn này không nhiều như năm 2021. Tuy nhiên, những người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch vẫn có nguy cơ tăng nặng khi nhiễm virus SARS-CoV-2. 

Bác sĩ Nguyễn Duy Cường, Phó trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất phân tích, người lớn tuổi nhiều bệnh nền khi mắc Covid-19 sẽ bị thay đổi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Từ đó, bùng lên các đợt cấp của các bệnh lý mạn tính như hen phế quản, tim mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… Nếu không được hỗ trợ kịp thời bằng hệ thống máy móc hiện đại, bệnh nhân có thể tử vong.

TP.HCM chỉ đạo khẩn về phòng chống Covid-19 

Trước bối cảnh số ca Covid-19 vẫn tăng, TP.HCM quyết liệt triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ (lớn tuổi, bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai).

Các quận huyện và TP Thủ Đức phải duy trì tối thiểu 2 điểm tiêm vắc xin Covid-19 xuyên suốt kỳ nghỉ lễ. Tăng cường vận động tiêm vắc xin cho người nguy cơ mà chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi. Tổ chức ê-kíp tiêm lưu động đến tận nhà tiêm cho người bệnh không di chuyển được. 

Các bệnh viện tập trung điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới là cơ sở tuyến cuối tiếp nhận ca Covid-19 nặng từ các bệnh viện khác, sau khi đã hội chẩn để đảm bảo chỉ chuyển ca nặng do bệnh Covid-19.

Đối với các bệnh nhân nặng do bệnh lý khác kèm theo, các bệnh viện giữ lại điều trị tại khu vực cách ly. 

Bệnh viện Dã chiến số 13 sẽ được kích hoạt khi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có trên 50 ca Covid-19 nặng.

Theo Linh Giao (VietNamNet)

 

Nổi bật