Ủy ban châu Âu đã công bố vào đầu tuần rằng họ đã cấp giấy phép tiếp thị mang tính bước ngoặt cho vắc-xin Ebola của Merck Ervebo. Vắc-xin vốn được nghiên cứu bào chế kể từ khi dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi vào năm 2014. Hiện vắc-xin đang được sử dụng để đối phó với đợt bùng phát đang diễn ra tại Cộng hòa Dân chủ Congo.
Đã có gần 2,200 ca ghi nhận tử vong kể từ tháng 8 năm 2018 ở quốc gia này, đẩy con số lần gần 3.300 trường hợp. Đây là đợt bùng phát dịch lớn thứ hai được ghi nhận, chỉ đứng sau đợt ở Tây Phi năm 2014 đã gây nên cái chết cho hơn 11,000 người.
Dữ liệu sơ bộ hiện tại cho thấy vắc-xin Ervebo đạt hiệu quả đến 97,5% trong việc ngăn ngừa sức tàn phá của virus. Bảo vệ hiệu quả hơn 90,000 người trong vùng dịch. Vắc-xin có khả năng kháng lại một trong bốn chủng Ebola, virus Zaire. Zaire là nguyên nhân của đợt bùng phát hiện tại ở Công-gô, cũng như đợt ở Tây Phi cách đây 5 năm và gần như tất cả các đợt dịch khác được ghi nhận kể từ khi các chuyên gia y tế phát hiện ra Ebola lần đầu tiên vào năm 1976.
"Tìm một loại vắc-xin càng sớm càng tốt để chống lại loại virus khủng khiếp này là ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế kể từ khi Ebola tấn công Tây Phi năm năm trước", Ủy viên Châu Âu Vytenis Andriukaitis nhấn mạnh trong một tuyên bố vào Chủ nhật, ngày 10 tháng 11.
Vắc-xin ban đầu được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm vi sinh quốc gia của Cơ quan y tế công cộng Canada, sau đó đã cấp phép cho Tập đoàn di truyền học NewLink. Merck có được giấy phép vào năm 2014 trong bối cảnh Tây Phi bùng phát và đã triển khai những nghiên cứu mang tính bước ngoặt. Công ty đã tổ chức lễ phê duyệt vắc-xin gần đây.
"Đó là một cột mốc lịch sử và là minh chứng cho sức mạnh của khoa học, đổi mới và quan hệ đối tác công tư", CEO của Merck, ông Kenneth Frazier nói trong một tuyên bố. "Sau khi nhận thức được sự cần thiết và cấp bách của vắc-xin Ebola Zaire, nhiều tổ chức đã cùng nhau tham gia để đáp lại lời kêu gọi toàn cầu về một giải pháp nhằm kìm hãm dịch bệnh này. Chúng tôi tại Merck rất vinh dự được tham gia vào các nỗ lực đối phó với Ebola với cam kết chặt chẽ giữa các bên cũng như những bệnh nhân chúng tôi phục vụ".
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ dự kiến sẽ đưa ra quyết định phê duyệt vắc-xin vào tháng 3 năm 2020.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới công bố rằng họ đã "sơ tuyển" Ervebo, báo hiệu cho các nước thành viên rằng vắc-xin đáp ứng các tiêu chuẩn của WHO về an toàn, chất lượng và hiệu quả. Trong một thông báo, WHO lưu ý rằng đó là "quá trình sơ tuyển vắc-xin nhanh nhất từng được thực hiện bởi WHO" và diễn ra chưa đầy 48 giờ sau khi Ủy ban Châu Âu phê chuẩn vắc-xin. Tổ chức này cho biết họ cũng đang làm việc để tạo điều kiện cấp phép ở các quốc gia có nguy cơ bùng phát dịch Ebola".
Nguyên Mừng (SHTT)