Tối 15/3, Bệnh viện Tâm Trí (Đà Nẵng) cho biết, đơn vị vừa điều trị thành công cho 1 bệnh nhân bị bệnh Whitmore (vi khuẩn "ăn thịt người").
Trước đó, bệnh nhân nam N.V.H (66 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) nhập viện vào Khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng nhiễm trùng da, có khối Abcess ở vùng cụt, nhiễm trùng đường mật. Tinh thần bệnh nhân lú lẫn, rối loạn huyệt động, rối loạn chức năng gan, chức năng thận, mất cân bằng điện giải và rối loạn cân bằng kiềm toan.
Kết quả phân lập vi khuẩn cho thấy có sự hiện diện của vi khuẩn Burkholderia pseudomallei trong máu của bệnh nhân. Theo người nhà, ông H. còn có tiền sử tăng huyết áp, suy tim, tiểu đường.
Sau khi chuẩn đoán, các y bác sĩ đã tiến hành điều trị cho bệnh nhân theo phác đồ của Bộ Y tế. Sau 15 ngày tích cực chữa trị, hiện tình trạng bệnh nhân đã cải thiện và có thể giao tiếp với người thân bình thường, ăn uống ngon miệng, hết sốt, các chỉ số huyết động, sinh hóa và vi sinh đã trở về giới hạn bình thường.
Whitmore là bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập chủ yếu qua da. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và tỷ lệ tử vong cao ở trường hợp viêm phổi nặng, sepsis và septic shock. Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, tim mạch, phổi và các bệnh mạn tĩnh khác….) có nguy cơ cao mắc bệnh. Thời kỳ ủ bệnh từ 1-21 ngày, có thể kéo dài và khó xác định.
Theo ThS.BS Võ Văn Đông – phụ trách Khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK Tâm Trí Đà Nẵng, những người làm việc trong các môi trường tiếp xúc với đất, nước bẩn, hoặc sống ở nơi ẩm thấp, đặc biệt có các vết loét ở ngoài da; khi có các triệu chừng như sốt, nhức mỏi tay chân, ho, đau bụng, đi lỏng nhiều lần cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.
Theo Hà Nam (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)