Ngoài ăn cơm và uống nước thì giấc ngủ cũng là một trong những nhu cầu sống cơ bản của cơ thể. Nghiên cứu cho thấy mỗi người dành tới 1/3 thời gian của cuộc đời để ngủ. Khi ngủ, cơ thể chúng ta tiết ra những hormone quan trọng giúp quá trình chuyển hóa, tích lũy năng lượng... điều này giúp cho cơ thể được hồi phục, tự sửa chữa tổn thương và tăng sức đề kháng.
Ngoài ra, giấc ngủ còn là một tấm gương phản chiếu tình trạng sức khỏe, nếu đêm nào đi ngủ bạn cũng gặp những vấn đề dưới đây thì rất có thể đường huyết trong máu đang tăng cao. Nên nhớ rằng, đường huyết dao động nhiều có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho tim mạch, thận, thị giác... đồng thời làm giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy ngay khi phát hiện ra các biểu hiện bất thường, tốt nhất bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
1. Thường xuyên đổ mồ hôi vào ban đêm
Đêm nào đi ngủ cũng thấy dấu hiệu đổ mồ hôi ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, bất kể thời tiết mát mẻ hay nóng bức thì bạn không nên xem thường. Đông y cho biết, triệu chứng đổ mồ hôi đêm cho thấy bạn đã mắc chứng can âm hư, thiếu hụt dương khí dẫn đến việc mồ hôi không được kiềm chế.
Ngoài ra, đổ mồ hôi đêm cũng có thể do lượng đường trong máu quá cao, do cơ thể phân hủy một phần glycogen quá lớn do đó đã sinh nhiệt lượng.
2. Cảm thấy đói khi ngủ
Chúng ta đều biết rằng một trong những triệu chứng điển hình nhất của người bệnh tiểu đường đó là dù ăn nhiều nhưng rất dễ cảm thấy đói. Nguyên nhân là bởi hàm lượng glycogen trong cơ thể bệnh nhân tiểu đường cao, nhưng insulin lại không giúp vận chuyển được đường vào tế bào, nên các cơ quan không có năng lượng hoạt động. Cơ thể phản ứng bằng cách kích thích sự thèm ăn, làm người bệnh có cảm giác đói hơn, ăn nhiều hơn bình thường.
Nếu bạn đã ăn tối đủ no nhưng lại cảm thấy đói vào ban đêm thì có thể là do lượng đường trong máu tăng cao.
3. Thường xuyên cảm thấy khát trong đêm
Do lượng đường trong máu quá cao và áp suất thẩm thấu của tế bào bị mất cân bằng nên bệnh nhân sẽ thường xuyên cảm thấy khát nước. Hơn nữa, người tiểu đường đi tiểu nhiều hơn bình thường nên việc bổ sung thêm lượng chất lỏng đã bị mất đi là điều dễ hiểu. Vì vậy, người bệnh tiểu đường thường có nhiều cơn khát nước hơn, đặc biệt họ thường xuyên thấy khát vào ban đêm.
4. Cảm thấy ngứa khắp người
Do lượng đường trong máu cao, các tế bào trong cơ thể phân hủy glycogen nhanh hơn, đồng thời quá trình trao đổi chất cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, quá trình trao đổi chất được đẩy nhanh cũng sẽ khiến da mất nhiều nước, da khô bất thường kèm theo cảm giác ngứa ngáy.
Vậy chúng ta cần làm gì để cân bằng lượng đường trong máu?
Ăn uống lành mạnh
Hầu hết tình trạng lượng đường trong máu cao đều là do chế độ ăn uống kém khoa học, không cân đối. Để cân bằng đường huyết, chúng ta phải bỏ chế độ ăn nhiều dầu, nhiều muối, cố gắng ăn nhạt, ăn nhiều chất xơ...
- Giảm cân
Kiểm soát cân nặng là một phần quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh tiểu đường. Nếu bạn đang nặng 90kg, mục tiêu giảm cân của bạn là từ 5-10kg. Và một khi đã giảm cân thì bạn cần phải tích cực duy trì được số cân nặng đã giảm.
- Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục có nhiều lợi ích cho sức khỏe, có thể giúp giảm cân và giảm lượng đường trong máu. Điều này sẽ hạn chế nguy cơ mắc tiểu đường loại 2. Mỗi ngày bạn nên cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút và vận động 5 lần một tuần.
- Khám sức khỏe thường xuyên
Càng có tuổi, bạn càng cần phải đến bệnh viện để kiểm tra lượng đường huyết của mình như thế nào để ngăn ngừa tiểu đường và các biến chứng của tiểu đường.
Theo Tiểu Vy (Pháp Luật & Bạn Đọc)