Củ khoai lang 'vi diệu' đối với sức khỏe con người

06/11/2019 10:18:00

Cây khoai lang còn gọi là cam chư, tên khoa học Ipomoea batatas (L.) Poir, thuộc họ khoai lang (Convolvulaceae). Khoai lang có nguồn gốc ở châu Mỹ, được trồng rộng rãi ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Ở châu Âu, khoai lang được trồng đầu tiên ở Tây Ban Nha, do Christophe Colombus mang từ Nam Mỹ về.

Không chỉ là món ăn ngon

Trong 100g củ khoai lang tươi có chứa các chất sau: Nước 68g; protein 1,3g; chất béo 0,2g; chất bột đường 28,5g; chất xơ 1,2g; tro 1,3g... Các chất khoáng Na 31mg; K 210mg; Ca 34mg; P 49mg; Mn 201mg; Fe 1mg; Zn 2mg; Cu 0,26mg... Các vitamin B1 0,05mg; B2 0,05mg; C 23mg; PP 0,6mg; B6 0,27mg; acid folic 52mcg; Selen 7,1mcg...

Trong khoai lang nghệ, khoai lang bí, còn chứa nhiều tiền sinh tố A (245mcg). Trong 86g lá rau lang có chứa protein 2,2g; glucid 4,8g; cung cấp cho cơ thể 25 calo.

Theo sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, củ khoai lang có vị ngọt, tính bình, không độc, bổ ích lao thương, mạnh tỳ thận, công dụng như sơn dược (hoài sơn, củ khoai mài).

Được dùng làm thuốc nhuận trường, khoai lang thường dùng sống theo cách sau: Rửa củ khoai thật sạch, gọt bỏ vỏ, nghiền hoặc giã nát rồi bọc trong vải sạch, vắt lấy nước để uống vào buổi sáng lúc đói bụng và uống trước mỗi bữa ăn. Mỗi lần uống khoảng nửa ly lớn (chừng 200ml). Uống liên tiếp trong vài ngày hoặc lâu hơn.

Củ khoai lang 'vi diệu' đối với sức khỏe con người

Có thể dùng bột khoai lang khô, phối hợp với mè (vừng), sao vàng, tán bột mịn, hòa với nước sôi để nguội, uống ngày 2-3 lần, mỗi lần 20-30g, trước bữa ăn.

Đọt khoai lang hấp hay nấu canh ăn sẽ giúp tăng sữa ở các bà mẹ đang cho con bú. Ngoài ra, ăn củ khoai lang tươi (gọt, rửa thật sạch) còn giúp phòng say sóng.

Tuy nhiên, củ khoai lang sùng, còn gọi là khoai hà, có chứa độc tố, có mùi rất khó chịu, không nên ăn.

Củ khoai lang được chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng, hấp dẫn. Như khoai lang luộc, khoai lang chiên, khoai lang nướng, khoai lang lùi, khoai lang sấy, khoai lang hầm dừa, khoai lang nấu cà ri, nấu chè, nấu cháo...

Chữa được nhiều bệnh

Sau đây là một số bài thuốc từ khoai lang:

- Chữa cảm cúm: Khoai lang khô 30-50g, củ nghệ 30-50g, giấm 150ml, sắc uống nóng cho ra mồ hôi. Hoặc dùng khoai lang khô 30-50g, gừng tươi 15-20g, thêm ít muối, sắc với 300ml nước, sôi 5-10 phút, uống nóng.

- Bổ trợ chữa đái tháo đường: Lá rau khoai lang 100g, bí đao 100g, sắc với 750ml nước, còn lại 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

- Chữa táo bón: Lá khoai lang tươi 60g, lá mồng tơi 60g, rau má tươi 60g, nấu nước uống hoặc nấu canh ăn.

- Chữa mụn nhọt làm mủ: Lá khoai lang non 50g, đậu xanh 20g, thêm chút muối, giã nhuyễn đắp lên chỗ đau.

- Chữa bỏng: Lá khoai lang non rửa thật sạch, giã nát, vắt nước cốt phết lên chỗ bỏng.

- Chữa ngộ độc sắn gây nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn: Củ khoai lang tươi 100-150g, gọt vỏ, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt cho uống. Cách 30-60 phút cho uống một lần.

Củ khoai lang 'vi diệu' đối với sức khỏe con người - 1

- Chữa viêm loét dạ dày - hành tá tràng: Khoai lang 500g, gọt vỏ, rửa thật sạch, xắt nhỏ rồi giã nát, bọc trong vải sạch ép lấy nước, đun sôi. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 100-150ml. Uống liên tục trong 3 tuần, ngưng 5 ngày rồi uống tiếp liệu trình khác.

Khoai lang tím

Hiện nay, có loại khoai lang tím, còn gọi là khoai lang Pêru, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, tên khoa học Solanum andigenum.

Khoai lang tím có củ hình thuôn dài, lớp vỏ nhẵn nhụi, có màu tím; có tác dụng giúp phòng ngừa cao huyết áp, bảo vệ và cải thiện chức năng gan. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, khoai lang tím được xem là một trong những loại thực phẩm, thuốc chữa bệnh quý được người dân ở đây thường xuyên sử dụng.

Khoai lang tím giàu chất anthocyanin, có thể làm giảm được cơn đau tim, giảm thiểu các tổn thương não liên quan đột quỵ, ngăn cản sự tạo thành các cục máu đông trong lòng mạch máu (nguyên nhân dẫn đến tắc mạch, gây tai biến mạch máu não và những cơn nhồi máu cơ tim đột ngột), hạn chế sự suy giảm sức đề kháng; có tác dụng chống oxy hóa mạnh, giúp ngăn ngừa nếp nhăn, ngăn ngừa mỏi mắt. Vỏ của củ khoai có chứa chất anthocyanin nhiều hơn trong ruột củ khoai.

- Kháng viêm và làm mờ vết thâm: Khi da sưng đỏ hoặc đau rát, chỉ cấn cắt lát khoai mỏng đắp lên đó trong khoảng 10-15 phút sẽ làm dịu đau.

- Ngừa mụn nhọt: Dùng khoai lang tím (1 củ), lá bồ công anh (40g), mật mía giã nhuyễn gói vào vải mỏng đắp lên mụn nhọt.

- Trị vàng da: Dùng thường xuyên cháo khoai lang tím với gạo nếp hoặc bột ngô, sẽ giúp giảm bệnh vàng da và làm cho da trở nên sáng láng.

Theo các nhà khoa học, không nên nướng khoai lang tím, vì khi nướng sẽ làm giảm các thành phần chống oxy hóa của khoai, đây là những tố chất quan trọng trong bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các gốc tự do gây tổn thương, hủy hoại tế bào.

Lưu ý: Các trường hợp bị tiêu chảy, viêm dạ dày, đường huyết thấp nên hạn chế ăn khoai lang.

Theo Lương y Đinh Công Bảy (Báo Dân Sinh)