Hôn nhân là một hành trình không hề dễ dàng. Có rất nhiều mâu thuẫn, khó khăn đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực cố gắng. Bên cạnh kiến thức và kỹ năng quản lý hôn nhân thì không thể thiếu được sự chân thành, tha thiết mong muốn xây dựng một mái ấm chung hạnh phúc.
Oanh (31 tuổi) chia sẻ cô kết hôn được 4 năm và đã có một bé gái đầu lòng. "Chúng tôi đến với nhau bằng tình yêu với rất nhiều kỳ vọng vào hôn nhân. Thế nhưng không hiểu sao mọi thứ ngày càng đi chệch với mong muốn của hai vợ chồng", Oanh kể.
Nhiều đêm mất ngủ Oanh đã suy nghĩ về cuộc hôn nhân của cô và Khải, về tình cảm vợ chồng cô, về tất cả những gì đã diễn ra từ khi hai người chính thức về chung một nhà. "Tại sao lại nên nông nỗi này", câu hỏi ấy đã lặp đi lặp lại trong tâm trí Oanh vô số lần. Và cô quyết định phải thay đổi, cô không thể sống thế này cả đời.
Tối ấy Khải về nhà thì đã hơn 10 giờ. Anh không ăn cơm tối cùng vợ con nhưng cũng chẳng báo với cô nửa lời, đến giờ không thấy chồng về Oanh sẽ tự ăn cơm trước. Chẳng biết từ bao giờ điều đó đã trở thành thông lệ trong gia đình Oanh.
Vừa mở cửa vào nhà, Khải hơi ngạc nhiên khi thấy Oanh ngồi ngay ngắn trên ghế. Bình thường cô ru con ngủ xong sẽ ngủ cùng con luôn. Nhưng anh không mấy bận lòng, chậm rãi cất cặp, cởi áo khoác định đi tắm. Đột nhiên Oanh đưa tay với chiếc bình gốm gần đó rồi quăng mạnh xuống sàn nhà. Một chiếc vang chát chúa dội lên, chiếc bình vỡ tan thành từng mảnh nhỏ.
Khải giật mình, lập tức chất vấn vợ muốn làm gì. Oanh cười nhạt trả lời chồng: "Em thấy nhà cửa yên ắng quá, rõ ràng có 2 vợ chồng nhưng không khí im lặng đến đáng sợ. Do đó muốn tạo chút tiếng vang cho thêm phần náo nhiệt, để căn nhà đỡ lạnh lẽo mà thôi". Khải lặng người trước lời giải thích của vợ.
Không biết từ bao giờ Khải và Oanh trở nên khó giao tiếp với nhau đến thế. Ban đầu là những bất đồng trong quan điểm, suy nghĩ, lối sống, Oanh luôn muốn chia sẻ và giãi bày với chồng để tìm ra cách giải quyết triệt để vấn đề. Song Khải lại luôn chọn phương án im lặng, lấy sự im lặng của mình để tránh mọi rắc rối, phiền hà.
Rõ ràng đó là một cách xử lý sai lầm. Bởi thực tế đã chứng minh, quan hệ vợ chồng Khải ngày càng xa cách và lạnh nhạt. Sau nhiều nỗ lực muốn trò chuyện với chồng không được, Oanh dần bỏ cuộc. Khải vẫn là ông chồng "3 không" trốn tránh tranh cãi, làm những điều mình muốn, không quan tâm vợ nghĩ gì, không giải thích và không chia sẻ với cô mà luôn muốn Oanh phải tự hiểu, tự thông cảm cho chồng.
"Cho đến khi tôi phát hiện chồng thậm chí còn mượn cả giấy tờ nhà đất của bố mẹ đẻ cầm cố ngân hàng, vay tiền giúp đỡ người yêu cũ. Tôi biết chồng và người phụ nữ đó không có gì mờ ám và ngay sau đó 2 tháng cô ta cũng đã trả nợ một cách sòng phẳng. Thế nhưng thứ tôi yêu cầu ở chồng là sự thông báo, giải thích và chia sẻ. Còn anh ấy thì cho rằng bản thân không làm gì sai nên không cần nói với tôi, tôi phải tự mà thấu hiểu cho chồng", Oanh nói.
Sự im lặng và xa cách đến đáng sợ dần dần bao trùm căn nhà của Oanh và Khải. Oanh nản lòng không thiết tha vun vén, còn Khải cũng mặc kệ buông xuôi. Dẫu là vợ chồng nhưng một câu nói quan tâm, hỏi han nhau giữa họ cũng trở nên xa xỉ. Cả ngày đi làm không gặp nhau, hết giờ làm Oanh về với con còn Khải làm gì tùy anh thích. Lên giường ngủ cũng mỗi người một góc hoặc Khải ngủ luôn bên phòng làm việc.
"Em không muốn sống như thế này nữa. Nếu anh không thể cho em một cuộc sống gia đình đúng nghĩa, có cãi vã, có chia sẻ, đủ cảm thông và quan tâm thì chúng ta hãy dứt khoát một lần đi. Để cuộc hôn nhân này nát vụn như chiếc bình gốm kia, rồi mua một chiếc bình mới, làm lại từ đầu...", Oanh gằn từng chữ với chồng.
Thực tế vẫn còn nhiều cặp vợ chồng dù sống chung dưới một mái nhà, ngủ chung trên một chiếc giường ấm nhưng họ lại chẳng biết nói gì với nhau. Cả ngày không một tin nhắn, cuộc gọi, về đến nhà ai làm việc người đấy. Ai cũng có thế giới riêng của mình, có thể là chiếc điện thoại, là chiếc máy tính hoặc những mối quan hệ bên ngoài. Họ vui vẻ và hào hứng trong khoảng trời riêng của họ, chỉ là trong ấy không có người bạn đời mà thôi.
"Nhìn từ bên ngoài, cuộc hôn nhân của họ có vẻ khá ổn nhưng thực tế nó đã chẳng còn sự sống. Một đời rất dài, ai có thể sống trong sự mệt mỏi và trống rỗng ấy cả đời? Cũng may khi đứng trước ranh giới mất đi gia đình, chồng tôi đã dần dần thay đổi bản thân", Oanh chia sẻ.
Sự giao tiếp và kết nối trong hôn nhân là điều vô cùng quan trọng. Một khi vợ chồng mất kết nối, không thể trò chuyện, tâm sự được với nhau, lúc ấy hôn nhân sẽ trở thành một cuộc hôn nhân chết. Hy vọng mỗi cặp đôi sẽ hiểu được điều đó để luôn giữ được sự nồng ấm trong gia đình mình.
Theo Sen Trắng (Pháp Luật & Bạn Đọc)