Trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới đời sống tình dục của cả nam và nữ.
Đối với nam giới, nhiều bằng chứng đã tìm thấy virus SARS-CoV-2 gây tổn thương tại tinh hoàn của nam giới bị nhiễm Covid-19. Chất lượng, số lượng tinh trùng cũng giảm đáng kể ở những bệnh nhân sau nhiễm Covid.
Theo đó, khi tinh hoàn bị nhiễm virus, phản ứng viêm tế bào xảy ra, làm giảm tiết nội tiết tố testosterone, giảm sự sinh tinh trùng. Nếu phản ứng viêm nhiều sẽ gây ra hiện tượng xơ hóa, tác động xấu đến quá trình sinh tinh trùng và có sự rối loạn cương dương.
Tuy nhiên, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm ở nam giới có phải do ảnh hưởng Covid-19 hay không còn là vấn đề bàn cãi vì những rối loạn này cũng có thể do tâm lý căng thẳng khi mắc bệnh… Nhưng chất lượng và số lượng tinh trùng ở người bị nhiễm Covid-19 bị suy giảm đã được những nghiên cứu trên thế giới xác nhận.
Bên cạnh đó, giãn cách xã hội, kết hợp áp lực về bệnh tật, kinh tế, đời sống gây ra stress căng thẳng kéo dài. Nếu áp lực này không được giải toả sẽ làm giảm ham muốn hứng thú tình dục ở cả nam và nữ. Có nhiều bằng chứng về rối loạn cương dương ở nam giới trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Ảnh hưởng dịch Covid-19 không chỉ dừng ở nam giới, rối loạn chức năng tình dục của phụ nữ trong đại dịch Covid cũng khá phổ biến. May mắn hơn đàn ông, chưa có các bằng chứng virus SARS-CoV-2 gây tổn thương tại buồng trứng ở phụ nữ. Do đó hiện nay, các bằng chứng rối loạn chức năng tình dục ở nữ giới thường liên quan đến căng thẳng xã hội, dịch bệnh, mất việc làm…
Stress căng thẳng kéo dài khiến phụ nữ giảm ham muốn, nên không còn cảm xúc khi gần gũi chồng, vì vậy không ít bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ: “Nhiều lúc gần chồng, tôi không có cảm xúc gì”.
Nghiêm trọng hơn, khi một trong hai người suy giảm ham muốn, giảm tần suất quan hệ, giảm chất lượng giao hợp sẽ ảnh hưởng đến người còn lại, khiến người kia cũng khó tìm được ham muốn và đạt cực khoái như mong đợi. Lâu dần sẽ tạo ra khoảng cách và đe dọa hạnh phúc gia đình.
Bên cạnh đó, người bệnh mắc Covid trong trường hợp đi cách ly, thực hiện giãn cách xã hội… ngoài mối lo bệnh tật, áp lực cuộc sống, cũng không có không gian riêng tư để vợ chồng gần gũi.
Những rối loạn chức năng tình dục liên quan đến Covid-19 ở cả 2 giới có thể ngắn hạn hoặc kéo dài: suy giảm ham muốn, rối loạn cương dương…. Tuy nhiên vấn đề tình dục thường bị bỏ qua trong tình hình đại dịch bùng phát như hiện nay gây ảnh hưởng nghiêm trong tới chất lượng cuộc sống của cặp đôi. Do đó vấn đề chăm sóc sức khoẻ tinh thần trong đại dịch là vô cùng quan trọng.
Điều trước tiên, chúng ta phải có suy nghĩ lạc quan. Tất nhiên ảnh hưởng và khó khăn của Covid-19 là rất lớn và không thể tránh khỏi, nhưng con người rất giỏi thích nghi và dần sẽ vượt qua được các khó khăn. Do vậy, trước đại dịch luôn cần lạc quan, tránh suy nghĩ tiêu cực.
Về đời sống vợ chồng, các bạn không nên coi tình dục là nhiệm vụ mà hãy tận dụng tình dục như là liều thuốc tinh thần, công cụ giao tiếp sẻ chia giữa 2 vợ chồng. Các bạn hãy sáng tạo, đa dạng và phong phú hơn nữa đời sống tình dục trong đại dịch. Hãy mở rộng hơn nữa khái niệm quan hệ tình dục, tình dục không chỉ có giao hợp, các cặp vợ chồng hoàn toàn có thể quan hệ bằng tay, bằng miệng… Đừng giới hạn các hoạt động tình dục chỉ ở cơ quan sinh dục, hãy biến cả cơ thể bạn thành những thụ thể cảm nhận tình dục.
Tình dục là cách tốt nhất để giải toả stress, tăng miễn dịch, tăng sức đề kháng, tăng kết nối. Quan hệ tình dục đòi hỏi chia sẻ thẳng thắn và thấu cảm giữa 2 vợ chồng. Vì vậy khi xảy ra vấn đề, chồng hoặc vợ nên chia sẻ với người bạn đời để tìm ra các giải pháp cản thiện.
Với những bệnh nhân có vấn đề về về sức khỏe sinh sản, rối loạn tình dục, cần gặp bác sĩ tư vấn để được điều trị kịp thời. Nếu để kéo dài, vấn đề bản thân gặp phải không được giải quyết sẽ làm tinh thần suy sụp khiến các mối quan hệ, hạnh phúc gia đình cũng bị ảnh hưởng.
Theo Ths.BS Phan Chí Thành (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) (VietNamNet)