Thần dược tuyệt vời
Hoa bí đỏ (bông bí ngô) giàu dinh dưỡng cho sức khỏe hơn mọi loại rau, làm được nhiều món ăn ngon và là thần dược quý. Trong hoa bí có các chất Ca, Fe, Mg, K, vitamin A và nhiều vitamin khác. Ngoài ra, hoa bí còn có chất đường, nhưng là đường tự nhiên, dễ hấp thụ và tốt cho sức khỏe.
Theo Lương y quốc gia Nguyễn Anh Đào (Viện Y học cổ truyền Quân đội), hoa bí ngô vị ngọt, tính hàn vào kinh tâm, tỳ, vị có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, bổ can thận, sáng mắt, kháng viêm, tiêu độc, chỉ thống, chống dị ứng... thích hợp trị các chứng suy giảm chức năng can thận, suy giảm thị lực, viêm đường tiết niệu...
Cả hoa bí đỏ tươi và khô Đông y hay dùng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, cầm máu, trị ho, vàng da, bệnh kiết lỵ, hỗ trợ điều trị viêm kết mạc, viêm vú và các chứng sưng viêm, phòng bệnh loãng xương, tăng cường thị lực ở người lớn tuổi.
Trong hoa bí đỏ còn có chất beta – carotene giúp điều trị viêm hạch (u lympho) ác tính, kháng ung thư, chống lão hóa tế bào hiệu quả vì có thể tiêu diệt ngay mầm mống gây hại cho tế bào dẫn đến nguy cơ ung thư, nâng cao hệ miễn dịch giúp cơ thể phòng vệ tốt hơn.
Phấn hoa bí đỏ cũng được y văn thế giới công nhận có những tác dụng tốt, giúp cải thiện sức khỏe, thể chất, cải thiện giấc ngủ, bảo vệ mạch máu, tim mạch, tăng trí thông minh, cầm máu nhanh…
Hoa bí ở miền Bắc thu hoạch chính vào mùa hè, nhưng với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay có thể trồng trái vụ, thu hoạch hoa quanh năm.
Hoa bí giúp sáng mắt
Hoa bí được coi là thần dược, được Đông y dùng nhiều bài thuốc, trong đó có bài thuốc dưỡng sáng mắt bằng cách chế biến hoa bí ngô xào gan lợn. Gồm: Hoa bí ngô 50 - 70g, gan lợn 200 - 300g đem xào ăn trong ngày. Bài thuốc có tác dụng dưỡng huyết thanh can sáng mắt. Thích hợp cho các chứng: quáng gà, suy giảm thị lực, cận, viễn thị...
Vì hoa bí có lượng vitamin rất lớn nên phụ nữ mang thai rất nên dùng bởi tốt cho sức khỏe của mẹ, lại giúp thai nhi phát triển não bộ, hệ thần kinh.
Tuy nhiên, mặc dù hoa bí được coi là rau sạch, rau toàn năng, bổ dưỡng, nhưng những người sau không nên ăn:
- Người bị rối loạn tiêu hóa hạn chế ăn món này vì hàm lượng chất xơ cao, không tốt cho tình trạng bệnh.
- Hoa bí ngô có tính hàn và nê trệ, nên những người ăn uống ậm ạch khó tiêu và lạnh chân tay không nên dùng.
Cách ăn hoa bí hiệu quả
Người dân thường hái ăn hoa đực cả cuống, hoa cái để ra quả. Vị hoa bí nhạt, hơi chua, hơi chát nhưng chế biến được những món ăn rất ngọt, thanh mát, dễ tiêu hóa, tốt cho sức khỏe, món nào cũng ngon.
Hoa bí sơ chế cần xẻ một đường để moi nhụy ở giữa (vì đắng), tước cạnh xung quanh bông và lớp xơ ngoài cuống vứt đi, sau đó rửa sạch để ráo nước. Sau đó luộc, xào, hấp, nấu canh với tôm khô, canh ngao, canh hến, canh cua hoặc xào chung cùng với thịt bò, thịt lợn đều ngon miệng.
Món luộc đơn giản nhất, nhưng chỉ luộc vừa đủ chín (khoảng 2-3 phút), là vớt ra để nguội, vắt bớt nước (không vắt quá khô) rồi chấm nước kho thịt, kho cá, nước mắm tỏi, chanh ớt, hoặc chấm vừng đen ăn với cơm nóng rất ngon. Không luộc hoa bí chín quá vì sẽ mất vitamin C. Hoa bí luộc giữ được dinh dưỡng cao trị âm hư, khô cổ, khan tiếng, táo bón.
Nụ hoa bí xào tôm, thịt ba chỉ, thịt bò, tép khô… cũng rất ngon.
Mùa đông có món canh hoa bí nấu sườn ngon ngọt, ấm áp
- Sườn non: 250 g chặt miếng vừa ăn, chần nước sôi.
- Hoa bí sơ chế, rửa sạch.
- Hành hoa, hành khô, dầu ăn, bột nêm, mì chính
Phi thơm hành và cho sườn vào xào qua, nêm gia vị. Đổ nước xâm xấp ninh chín (không có nồi áp suất thì ninh sườn 10 phút rồi tắt bếp, đậy kín 10 phút thì bật lại ninh tiếp sẽ tiết kiệm gas).
Ninh sườn chín mềm thì đổ thêm lượng nước sôi đủ ăn, rồi vặn lửa to đun sôi bật lên hãy cho hoa bí vào (làm thế để hoa giữ được màu xanh), khoảng 3 phút thì thả hành hoa thái nhỏ nêm nếm lại vừa ăn rồi múc ra bát ăn nóng.
Mùa hè có món canh cua đồng nấu hoa bí rất nhanh và dễ
Chỉ cần 2 lạng cua đồng (hoặc rạm, cáy), 1 bó hoa bí nhỏ, gia vị. Sơ chế cua, lọc lấy nước đem nấu canh. Món này giản dị, rất ngọt, thanh mát mùa hè.
Món hoa bí hấp giò sống
Mòn này chấm với nước mắm chua cay vừa ngon vừa mát. Cần 150g giò sống, bó hoa bí tươi, cánh to. Hoa bí sau khi sơ chế sạch, tách nhụy, tước phần xơ… rồi nhồi giò vào giữa bông hoa (không nhồi nhiều giò vì khi nở hoa sẽ bị bục). Cho hoa bí nhồi giò vào xửng hấp 7-10 phút là chín. Món ăn có vị rất ngon ngọt, ít thời gian, đẹp mắt, rất ngon miệng.
Có thể nấu bột ăn dặm từ tôm và hoa bí ngô cho trẻ biếng ăn trẻ rất thích. Nhưng cần hấp chín hoa bí, băm hoặc xay nhuyễn. Nấu chín bột/cháo với tôm thì hãy cho hoa bí vào đun khoảng 3 phút thì bắc xuống. Cho thêm một ít dầu ăn để bột/ cháo thơm ngon và hấp dẫn, thơm ngon, bổ dưỡng, vị ngọt đậm đà, màu sắc hấp dẫn giúp bé khỏe mạnh. Lưu ý khuấy đều tay để cháo không bị cháy hoặc vón cục.
Món hoa bí nhồi tôm, cá chiên giòn
- 12 bông hoa bí đỏ, còn nguyên nhị và cành rửa sạch nhẹ nhàng để không bị rách cánh hoa
- 115g tôm bóc vỏ, băm nhỏ
- 100g cá phi lê, băm nhỏ (hoặc giò sống)
- Thìa là băm nhỏ (hoặc hành lá, hoặc cả 2)
- 1/2 muỗng cà phê nước mắm; 1/2 muỗng cà phê muối; 1/2 muỗng cà phê đường; hạt tiêu đen xay
Hỗn hợp tẩm bên ngoài hoa bí:
- 50g bột mì; 10g bột gạo trộn với 100ml nước, thêm nước từ từ vào, trộn đều, để 10 phút.
Trộn tất cả nguyên liệu để nhồi, rồi dùng thìa nhỏ dồn vào ruột hoa bí. Nhúng bông bí nhồi vào hỗn hợp bột tẩm.
Đun nóng dầu thả hoa bí nhồi vào trong chảo, để lửa liu riu. Khi hoa bí ngả màu vàng nâu và giòn thì vớt ra khăn giấy thấm dầu. Món này ăn nóng với tương ớt, hoặc nước chấm tùy ý.
Hoa bí chiên giòn
10 hoa bí ngô
1 quả trứng
1 bát con bột mì
15g đường
Sơ chế hoa bí, bỏ nhị và cuống rồi rửa sạch, ngâm nước muối pha loãng khoảng 10 phút rồi vớt ra để ráo nước.
Cho bột mì vào bát, đập trứng, thêm đường, khuấy tan.
Đổ bột mì khô sang một đĩa khác, lăn hoa bí cho bột phủ đều, rồi nhúng hoa vào bát bột mì hòa trứng.
Đun nóng dầu ăn, cho hoa bí đã nhúng bột vào chiên cho đến chín vàng giòn thì vớt ra đĩa. Món hoa bí chiên vị mặn, giòn ngọt tự nhiên và khá ngon miệng, làm đơn giản nhưng lại rất kích thích vị giác.
Lưu ý khi ăn hoa bí:
Không nên ăn quá 2 bữa/tuần, vì rất nhiều tiền chất của vitamin A, nếu bạn ăn nhiều, chất này không kịp tiêu hoá, sẽ dự trữ ở gan và dưới da. khiến cho chóp mũi. lòng bàn tay, bàn chân dễ có màu vàng.
Hoa bí đỏ chứa hàm lượng đường cao, không để lâu vì xảy ra quá trình hô hấp kỵ khí – lên men, và biến chất, không tốt cho sức khỏe.
Không bảo quản món ăn đã nấu trong tủ lạnh lâu, cũng không bảo quản ở ngăn đá vì món ăn sẽ ngả màu, không an toàn khi ăn.
Theo Ngọc Hà (Giadinh.net.vn)