Còn trẻ nhưng sút cân, thấy vướng nghẹn cổ họng khi ăn có nên tầm soát ung thư?

29/05/2022 13:36:24

Chị T.H, 29 tuổi, hay cảm thấy vướng, nghẹn như có cục chặn ở cổ họng, ăn không ngon. Người mệt mỏi, sụt 3kg trong 2 tuần qua mà không rõ nguyên nhân.

"Dấu hiệu của tôi có gần với ung thư thực quản? Tôi có nên tầm soát ung thư không vì nghe nói ung thư đường tiêu hóa thường phổ biến sau 40 tuổi", chị T.H thắc mắc. 

Trả lời câu hỏi của chị T.H trong chương trình tư vấn trực tuyến mới đây, ThS.BSCK2 Hà Hải Nam - Phó Trưởng khoa Ngoại bụng 1 Bệnh viện K - cho biết ung thư thực quản thường xảy ra ở 2 nhóm đối tượng chính gồm: Người nghiện rượu, nghiện thuốc lá, hay gặp ở bệnh nhân nam, vị trí 2/3 trên thực quản.

Nhóm thứ hai gặp ở vị trí 1/3 dưới, thường xảy ra ở nhóm bệnh nhân có trào ngược dạ dày thực quản; có tổn thương điểm nối giữa thực quản - dạ dày; nhóm bệnh nhân béo phì.

Với các triệu chứng chị T.H nêu trên đây, bác sĩ Nam nhận định có khá nhiều điểm tương đồng với triệu chứng ung thư thực quản hay gặp như: Nuốt vướng, nuốt nghẹn, sụt cân.

Còn trẻ nhưng sút cân, thấy vướng nghẹn cổ họng khi ăn có nên tầm soát ung thư?
Ảnh minh họa: Alkhaleejtoday

Ngoài ra, bệnh nhân ung thư thực quản thường có thêm dấu hiệu khác như: nói khàn, tăng tiết nước bọt, nổi hạch ở cổ…

Tuy nhiên, với bệnh lý lành tính cũng có một số triệu chứng như bệnh nhân nêu giống trào ngược dạ dày thực quản.

Bác sĩ Nam cho hay, trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý mang yếu tố nguy cơ có thể tiến triển thành tổn thương ác tính.

Vậy người bệnh trẻ tuổi này có nên tầm soát ung thư hay không? Theo vị bác sĩ, qua thăm khám, nhận định “ung thư nói chung hay ung thư đường tiêu hoá nói riêng thường xảy ra ở đối tượng trung niên” không còn hợp lý.

Thực tế rất nhiều người chỉ mới dưới 30 tuổi đã phát hiện ung thư. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo dù còn trẻ nếu có dấu hiệu bất thường của cơ thể (như bệnh nhân trên đây) nên đi khám cơ sở y tế chuyên khoa sâu.

Những cơ sở này có khả năng can thiệp nội soi để phát hiện sớm tổn thương dù lành tính cũng giúp loại trừ những lo lắng khả năng bị bệnh lý ác tính.

Ngoài khuyến cáo chị T.H nên đến cơ sở y tế để nội soi dạ dày thực quản, ThS.BSCK2 Nguyễn Thị Hương Giang - Trưởng khoa Nội tiêu hóa trên và hệ tiết niệu, Bệnh viện K - bổ sung, nữ bệnh nhân nên lưu ý vấn đề tâm lý.

Theo nữ bác sĩ, việc bệnh nhân “cảm thấy vướng nghẹn như có cục gì ở cổ” có thể là triệu chứng thực thể nhưng cũng có thể mang tính cơ năng, tức là vấn đề tâm lý.

Hiện nay, nhịp sống thay đổi, người trẻ có thêm nhiều áp lực cuộc sống, công việc.

“Đôi khi stress cũng có thể làm bản thân có nhiễu loạn tâm lý. Căng thẳng công việc, cuộc sống khiến bệnh nhân không thoải mái, ăn không ngon. Cảm giác nghẹn có thể do rối loạn cảm xúc. Nếu ăn không ngon cũng khiến bệnh nhân sụt cân”, bác sĩ Giang phân tích.

Do đó, bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa, tránh chủ quan bỏ qua cơ hội vàng phát hiện sớm bệnh. Nếu không tìm thấy tổn thương thực thể, bệnh nhân nên đặt lịch hẹn khám với bác sĩ, chuyên gia tâm lý để phân tích tình huống, tháo gỡ vấn đề stress, tâm lý của bệnh nhân kỹ lưỡng hơn.

Trong các bệnh lý ung thư đường tiêu hoá, ung thư thực quản xếp thứ 3 sau ung thư dạ dày, đại trực tràng. Loại bệnh này xếp thứ 9 trong tổng số các bệnh lý ung thư nói chung.

Mỗi năm Việt Nam có thêm hơn 2.400 ca mắc mới và hơn 2.200 ca tử vong vì ung thư thực quản. Để chẩn đoán chính xác bệnh, bệnh nhân cần được nội soi kết hợp với siêu âm và sinh thiết.

Biện pháp này giúp bác sĩ có thể nhìn thấy hình ảnh bất thường về hình dạng của thực quản cũng như các tổ chức ung thư, hoặc các bất thường của tổ chức dẫn đến ung thư hay các tổn thương khác.

Theo Thanh Hiền (VietNamNet)

 

Nổi bật