Còn trẻ mà xương cốt đã rã rệu!

11/12/2017 11:08:08

Đa số người trẻ bị thoái hóa khớp khi vào bệnh viện thì bệnh đã nặng do chủ quan, tự mua thuốc giảm đau uống mà không đi khám bệnh.

Lâu nay, khi nói đến căn bệnh về xương khớp người ta thường nghĩ chỉ có người già, người lớn tuổi mới bị. Tuy nhiên, hiện ngày càng có nhiều người còn rất trẻ nhưng "bộ khung" đã suy thoái.

Đang sung mãn, thành phế nhân

Cách đây 2 năm, anh P.P.T (43 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) bỗng thấy chân và các đầu ngón tay bị tím đen. Đi khám bệnh anh mới biết mình bị bệnh tắc mạch máu ngoại biên. Tình trạng bệnh kéo dài dẫn đến hoại tử chân phải và một số ngón tay. Mới đây, các bác sĩ phải cắt chân để cứu mạng anh.

Theo TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP HCM, anh T. mắc bệnh Buerger do hậu quả của nhiều năm hút thuốc lá. Hiện không có cách nào có thể chữa khỏi hẳn bệnh tắc mạch máu ngoại biên. Vì vậy, việc điều trị là ngăn chặn bệnh tiến triển thêm cũng như kiểm soát các triệu chứng.

Bệnh nhân tắc mạch do hút thuốc, dẫn đến phải mất đi một phần cơ thể không phải là hiếm. BV từng tiếp nhận nhiều trường hợp khác bị hoại tử hoàn toàn chân phải, buộc cắt bỏ. Thế nhưng, sau khi xuất viện, người này vẫn không bỏ thuốc lá. Sau đó hơn 1 tháng, người bệnh phải cắt bỏ chân còn lại do bị hoại tử. Phải chịu cảnh tàn phế cả đời.

Còn trẻ mà xương cốt đã rã rệu!
Một nam bệnh nhân khám bệnh cột sống tại BV Đại học Y Dược TP HCM

Không chỉ thuốc lá mà căn bệnh thời đại - bệnh gút (gout) - cũng khiến nhiều người chịu cảnh khốn khổ. Như trường hợp anh N.C.D (29 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) vừa được loại bỏ hàng trăm cục vôi hóa để cứu vận động là một điển hình. Anh D. bị gút hơn 10 năm qua, mặc dù không nghiện rượu bia. Bị đau nhức, đi lại khó khăn, các khớp khuỷu tay, chân nhô ra nhiều cục vôi trắng lồi lõm, lở loét… khiến anh gặp bao khốn khổ.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng Khoa Vi phẫu tạo hình BV Sài Gòn - ITO, cho hay kết quả xét nghiệm cho thấy anh D. bị gút rất nặng. Tỉ lệ uric acid trong máu rất cao (516 micro mol/l, bình thường chỉ khoảng 208-428 micro mol/l). Các tinh thể uric acid lắng đọng ở khắp nơi trong cơ thể. Không chỉ ở các khớp khuỷu, còn có nhiều ở gân cơ, gót chân và ngoài da…"Từng phẫu thuật bệnh gút nhưng tôi chưa gặp trường hợp nào tuổi còn khá trẻ mà bệnh nặng như thế. Phẫu thuật chỉ giải quyết biến chứng lắng đọng các tinh thể urat làm giới hạn vận động của bệnh nhân. Về lâu dài, anh D. cần được điều trị nội khoa tích cực, nếu không sẽ còn tái phát" - BS Xuân Anh khuyến cáo.

Do chủ quan, mang gánh nặng

Theo giới chuyên môn, một căn bệnh xu hướng thời đại đang gia tăng và trở thành gánh nặng đối với nhiều người là thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống. Tại các BV như Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, nhiều bệnh nhân trẻ đến điều trị thay khớp ngày càng nhiều. Chỉ riêng BV Nhân dân 115, TS-BS Nguyễn Đình Phú cho biết đã thay khớp cho hàng chục bệnh nhân dù mới chỉ 22-26 tuổi. Có bệnh nhân đến BV trong tình trạng hai khớp đã hư tổn hoàn toàn, buộc phải thay khớp nhân tạo.

Bác sĩ Phú nhận định đa số người trẻ bị thoái hóa khớp khi vào BV thì bệnh đã nặng do chủ quan, tự mua thuốc giảm đau uống mà không đi khám bệnh. Người mắc bệnh này, ban đầu sẽ có hiện tượng đau nhức, mỏi vùng khớp. Sau đó cơn đau có thể tự hết. Khi đau trở lại, người bệnh cảm thấy đau liên tục, mức độ tăng dần và không có thời gian tự phục hồi.

Đến giai đoạn muộn, khớp hư nặng, sụn bị mòn, mọc gai xương, độ nhờn trong khớp hao hụt, người bệnh đi đứng khó khăn, đi lại sẽ nghe lạo xạo. Nếu không được điều trị, giai đoạn nặng hơn là khớp bị biến dạng, đi lại đau đớn. "Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra nguyên nhân gây nên hiện tượng này ở người trẻ. Song có thể do lạm dụng rượu bia, thuốc lá. Hay là tự ý sử dụng thuốc khi bị bệnh không có chỉ định của bác sĩ (đặc biệt thuốc có dexamethason), do bệnh nội khoa kèm theo..." - BS Phú thông tin.

Riêng về bệnh thoái hóa cột sống, các bác sĩ chuyên khoa cho rằng tỉ lệ người dưới 45 tuổi bị ngày càng gia tăng. Cũng chính vì quan niệm mình còn trẻ chưa bị bệnh "xương cốt" của người già, người bệnh tự chữa, dẫn đến khi đến BV thì bệnh đã nặng.

Anh L.T.R (38 tuổi; làm tài xế) cũng từng chủ quan như vậy. Do đặc thù công việc, anh R. thường phải ngồi yên một tư thế suốt 10 giờ/ngày. Cách đây 1 năm, anh bị đau thắt lưng song chỉ mua các loại thuốc giảm đau, cao dán về sử dụng. Cách đây 3 tháng, đau đến chịu không nổi, ngồi lái xe mới hơn 30 phút, anh đã phải đến BV điều trị.

"Việc tự ý sử dụng thuốc giảm đau hoặc các phương pháp khác để điều trị mà không có sự thăm khám, chẩn đoán từ các bác sĩ chuyên môn sẽ khiến người bệnh tốn kém nhiều thời gian, công sức mà bệnh tình không được điều trị triệt để" - ThS-BS Nguyễn Thành Nhân, Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Đại học Y Dược TP HCM, cảnh báo. 

Hơn 50% "sống chung" với bệnh

Theo BS Nguyễn Thành Nhân, hơn 50% người đến khám chuyên khoa gặp vấn đề về thoái hóa cột sống. Thế nhưng, với suy nghĩ đây là căn bệnh do tuổi tác gây ra nên không thể tránh khỏi hoặc là ảnh hưởng của thời tiết nên người bệnh thường có tâm lý chịu đựng, "sống chung" với cơn đau.

Theo Nguyễn Thạnh (Nld.com.vn)