Trẻ nhỏ vốn có bản tính tò mò, thường nghịch ngợm, táy máy mọi thứ xung quanh. Chính vì vậy, trẻ dễ tự làm bị thương bản thân, nếu như không may nghịch phải những đồ sắc nhọn như dao, kéo.
Chị Phương Anh (Hà Nội) có con trai nhỏ tên Khoai, năm nay vào lớp 1. Mới đây chị chia sẻ một câu chuyện về con trai mình để các bậc phụ huynh cảnh giác hơn về việc dạy con các vật dụng trong nhà.
Tối thứ 5 tuần trước, con trai chị đang ngồi học bài thì xin đi vệ sinh. Chờ mãi không thấy con ra, chị Phương Anh cất tiếng gọi thì thấy Khoai mở cửa nhà WC với bàn tay đẫm máu. Trên ngón tay bé có một vết cắt rất sâu. Chị Phương Anh sau đó vội vàng cầm máu trước rồi nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để xử lý vết thương.
Hóa ra con trai chị khi vào nhà vệ sinh, thấy dao cạo râu của bố nên đã táy máy cầm lên nghịch, bắt chước theo động tác cạo râu của bố. Trong lúc nghịch dao, cậu bé không may bị cắt một vết sâu vào tay. Ngày hôm sau, con trai chị Phương Anh phải nghỉ học vì sợ vết thương có thể bị bung nếu nô đùa với bạn.
Bà mẹ này cho biết, bình thường chị vẫn dạy con về các đồ vật nguy hiểm trong nhà nhưng lại chủ quan, không cất kỹ những đồ vật ở nơi khó tìm. Vậy nên con trai chị mới không may bị thương.
Thực tế nhiều bậc phụ huynh cũng đang mắc phải những sai lầm tương tự như chị Phương Anh. Không ít người lơ là trong việc dạy các các kỹ năng mềm, nhận biết các vật dụng nguy hiểm trong nhà như dao kéo, phích nước, cạnh bàn, tiền xu, pin đồng hồ (trẻ có thể nuốt những đồ vật này)... Một số phụ huynh nói cho con biết nhưng lại không kỹ càng.
Chẳng hạn, bố mẹ chỉ nói: "Cái phích nước này nguy hiểm đấy. Đừng động vào". Điều này chỉ khiến trẻ tò mò hơn. Thay vào đó, bố mẹ nên có lời giải thích kỹ càng như: "Cái phích có chứa nước nóng. Nếu con nghịch thì nước nóng trong phích có thể tràn ra ngoài, làm con bị bỏng. Lúc đó sẽ rất đau",...
Hay như một số đứa trẻ thường thích ngậm những cúc áo, dây thun trong miệng. Trong trường hợp này, bố mẹ cũng phải giải thích rõ ràng, thay vì chỉ quát con: "Bỏ ra khỏi mồm ngay! Ai cho nghịch dại thế?". Bố mẹ có thể hỏi con: "Ngộ nhỡ nó tọt vào trong, con bị hóc không lấy ra được thì sao?". Sau đó bố mẹ cho con thấy một số hình ảnh hoạt hình về việc hóc dị vật và bảo con rằng việc đó vô cùng nguy hiểm. Nếu có vấn đề, con sẽ phải đi cấp cứu, bị đau.
Việc được bố mẹ giải thích rõ ràng sẽ khiến con nhận thức đúng đắn, thấy rõ hậu quả và không nghịch ngợm lung tung. Ngoài ra, bố mẹ cần dạy con mục đích, cách sử dụng của những vật gây nguy hiểm để con biết và không táy máy, dùng sai cách.
Bên cạnh những lời giải thích, bố mẹ cần chú ý đến việc sắp xếp, bố trí những vật dụng nguy hiểm trong nhà tránh xa tầm mắt, tầm với của trẻ. Với cạnh bàn, cạnh ghế, bố mẹ nên bịt lại để tránh con đi qua va chạm phải. Với những vật sắc nhọn, bố mẹ cần để trong hộp, đậy nắp cẩn thận.
Theo Thanh Hương (Pháp Luật và Bạn Đọc)