Vài ngày trước, anh Vương ở Hàng Châu (Trung Quốc) đưa cậu con trai đến Bệnh viện Nhân dân số 3 Hàng Châu sau khi phát hiện trên đầu con có chỗ bị hói. Ngay khi bước vào cửa, anh Vương đã lo lắng hỏi bác sĩ: “Bác sĩ, xin hãy khám xem sao con tôi lại bị hói, thằng bé mới có 3 tuổi.”
Bác sĩ Đới Hiệp Cần, phó khoa da liễu đã khuyên nhủ anh Vương không nên quá lo lắng và mau chóng kiểm tra tình trạng rụng tóc của cậu bé. Trong khi đang kiểm tra, bác sĩ Đới phát hiện trên đầu cậu bé có một số vùng bị hói, kích cỡ ngang bằng đồng xu, khá giống với triệu chứng của bệnh rụng tóc từng vùng.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra da đầu của Tiểu Kiệt, bác sĩ Đới kết luận cậu bé không hề mắc chứng rụng tóc. Hỏi thăm thêm về tiền sử bệnh tật, nữ bác sĩ kết luận: “Cậu bé không mắc chúng rụng tóc mà những mảng hói đó do bị bứt ra. Cậu bé bị mắc hội chứng nghiện bứt tóc.”
Hóa ra gần đây, mẹ cậu bé đã chuẩn bị cho Tiểu Kiệt đi học. Vì muốn con khi vào lớp 1 có thể thông minh, học giỏi nên cô đã ép con đi học dù cậu bé không hề muốn. Mỗi khi trở về nhà sau buổi học, vợ chồng anh Vương đều thấy con uể oải, mệt mỏi nhưng chỉ nghĩ do con mệt.
Thực tế do việc cha mẹ ép đi học quá sớm đã khiến cho Tiểu Kiệt bị áp lực, bứt tóc chính là một cách để giúp cậu bé tự giải tỏa tâm lý. Sau khi hiểu rõ vấn đề, vợ chồng anh Vương đã quyết định cho con nghỉ học và dành nhiều thời gian quan tâm tới con hơn.
Hội chứng nghiện bứt tóc
Hội chứng nghiện bứt tóc có tên khoa học là trichotillomania, gây ảnh hưởng tới 1–2% dân số thế giới. Phụ nữ có xu hướng bị hội chứng này nhiều hơn nam giới. Những người mắc hội chứng này thường bị cưỡng chế bứt tóc của mình ở bất kì vị trí nào trên đầu dù biết họ có thể bị tổn thương bởi hành động bứt tóc của mình nhưng không thể kiềm chế hay dừng lại. Thậm chí nhiều người còn bứt cả lông mày và mi mắt!
Mức độ bứt tóc tùy thuộc vào từng thời điểm nhưng dấu hiệu để chẩn đoán một người mắc hội chứng nghiện bứt tóc bao gồm: rụng tóc, không thể kiềm chế bản thân thực hiện những hành vi làm tổn hại tới tóc.
Trẻ em ngày nay phải chịu nhiều gánh nặng học tâp, thành tích nên dễ lo lắng, căng thẳng, cha mẹ nếu không quan tâm sẽ dễ dẫn tới hội chứng nghiện bứt tóc.
Cha mẹ nên làm gì để giúp con giải tỏa tâm lý?
Bác sĩ Đới Hiệp Cần gợi ý:
1. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian hơn cho con cái, hạn chế sử dụng các đồ điện tử khi về nhà.
2. Không ép buộc con phải cố gắng theo những mục tiêu bạn đề ra. Tìm hiểu về sở trường, sở thích để giúp con phát triển thay vì theo mong muốn của cá nhân phụ huynh.
3. Cùng con tập thể dục để giảm bớt những cảm xúc tiêu cực, đồng thời giúp thân thể khỏe mạnh.
4. Thường quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của con, đừng quá nghiêm khắc với con để tránh trẻ bị căng thẳng.
Theo Minh Minh (Khampha.vn)