Thời gian gần đây, cúm A bùng phát bất thường tại Hà Nội khiến nhu cầu sử dụng thuốc cúm Tamiflu của người dân cũng tăng cao. Trước tình trạng này, thuốc Tamiflu bị đẩy giá, thậm chí có những nơi không có hàng để bán.
Ngày 27/7, thông tin trên VnExpress, anh Lâm, 39 tuổi, ở quận Cầu Giấy tìm mua thuốc Tamiflu để dự trữ, phòng hai con nhỏ bị cúm A, khi Hà Nội đang bước vào cao điểm của đợt dịch. Nghe đồng nghiệp khuyên, anh vào các nhóm mua bán thuốc trên mạng xã hội tìm hiểu. Hầu hết người bán hàng khẳng định thuốc chính hãng, chỉ cần uống hai ngày là hết triệu chứng, "không mua là hết vì hàng rất khan hiếm".
Trước đó, anh tìm mua ở hiệu thuốc, mong có giá phải chăng hơn song đều không có hàng. Để yên tâm, anh "tặc lưỡi" mua với giá đắt gấp đôi, miễn là có thuốc trữ trong nhà. Tuy nhiên, vỉ thuốc anh mua không có hóa đơn hay nhãn phụ kèm theo.
"Một vỉ 10 viên, có nơi bán 950.000 đồng, có nơi hơn 1.000.000 đồng một vỉ, loạn giá như hồi mua test Covid khiến tôi rất hoang mang", anh Lâm nói và cho biết trước đó giá chỉ từ 400.000 đến 450.000 đồng một vỉ.
Cũng lùng mua Tamiflu, chị Trang ở Đông Anh trả hơn hai triệu đồng cho hai vỉ thuốc mua tại một cửa hàng ở quận Tây Hồ, do các nhà thuốc gần nhà hết hàng. Chị cho biết năm nay cúm A bùng phát trái mùa, bố mẹ chị không may mắc bệnh do lây từ cháu.
"Tiền thuốc bằng một phần ba tháng lương nhưng tôi vẫn cố gắng đi gần chục km tìm mua vì sợ bố mẹ bị biến chứng viêm phổi, phải nhập viện", chị Trang nói.
Theo khảo sát của VnExpress, nhiều trang chuyên bán hàng sỉ lẻ, hàng xách tay hay các hội nhóm cư dân... rao bán thuốc Tamiflu, giá trung bình từ một triệu đến triệu rưỡi một vỉ. Ở một số nhà thuốc, giá sản phẩm cũng bị đẩy lên gấp đôi.
Một người bán hàng ở Cầu Giấy cho biết, hơn một tuần nay không đủ thuốc để bán, nhập hàng không kịp, thậm chí không dám lấy nhiều vì giá nhập cao "cắt cổ". Chị nói, dịch cúm A thường xảy ra vào mùa đông xuân, lúc này các cửa hàng mới nhập sản phẩm nhiều. Năm nay, dịch bệnh diễn biến bất thường, giá thuốc vốn chỉ 400.000 đồng một vỉ, nay lên đến cả triệu đồng, thay đổi từng ngày.
Tương tự, tại một hiệu thuốc khác ở Đống Đa, người bán hàng nói: "Hôm qua giá thuốc là 850.000 đồng/hộp nhưng hôm nay tăng lên 950.000 đồng, và có thể tiếp tục tăng, thậm chí không còn hàng để bán". Trong khi đó, giá thuốc Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp một vỉ gồm 10 viên trên website Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế là 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.
Tuy nhiên, ghi nhận trên Dân Trí, chỉ cần gõ từ khóa Tamiflu lên thanh tìm kiếm của của các trang mạng xã hội trong thời điểm này, sẽ hiện lên nhan nhản những bài quảng cáo bán thuốc Tamiflu.
Đặc điểm chung của các bài đăng này là đưa ra hàng loạt các công dụng của thuốc Tamiflu trong việc chữa trị, ngăn ngừa biến chứng viêm phổi của cúm A.
Thậm chí, người bán còn khẳng định rằng, với những trường hợp chưa mắc bệnh cũng có thể mua để uống dự phòng.
"Tamiflu 75mg phòng ngừa và điều trị cúm chủng A-B hiệu quả ở trẻ em trên một tuổi đến người già; giảm tỷ lệ biến chứng cúm cần dùng kháng sinh (viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa", chủ tài khoản T.P.B. khẳng định về hiệu quả của Tamiflu trong bài đăng quảng cáo bán thuốc của mình trên mạng xã hội Facebook.
Theo khảo sát, thuốc Tamiflu 75mg được ra báo trên chợ mạng có giá trong khoảng 600.000 - 750.000 đồng/hộp 10 viên. Bệnh nhân là người trưởng thành được người bán tư vấn uống 2 viên/ngày liên tục trong 5 ngày.
Đáng chú ý, Cục Quản lý dược khuyến cáo, thuốc Tamiflu là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, Nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới sức khỏe.
Tuy nhiên khi hỏi mua Tamiflu, người bán đều khẳng định chỉ cần đặt mua, để lại sđt và địa chỉ sẽ vận chuyển tận nhà trong ngày nếu ở gần. Không cần phải có đơn thuốc của bác sĩ, thậm chí cũng không cần phải mô tả triệu chứng.
Tamiflu có phải 'thần dược' trị cúm?
Trao đổi với Zing, ông Trương Hoàng Hưng, bác sĩ Nhi khoa và giảng dạy lâm sàng tại Texas Tech University (TTU), Texas, Mỹ, cho biết mỗi ngày ông phải giải thích cho rất nhiều bệnh nhân về việc cúm là siêu vi, không có biện pháp trị liệu hữu hiệu, chủ yếu điều trị hỗ trợ như các loại siêu vi khác.
"Bệnh nhân không chấp nhận và nhất quyết muốn dùng thuốc Tamiflu. Họ coi thuốc này như thần dược để chữa cúm", bác sĩ Hưng nói.
Theo bác sĩ Hưng, Tamiflu là thuốc kháng virus nhưng không giống với hầu hết kháng sinh, nó không có khả năng tiêu diệt virus cúm. Tamiflu là thuốc ức chế men neurominidase của virus cúm. Virus cúm sau khi xâm nhập vào cơ thể, đi vào tế bào và nhân đôi. Sau đó, men này sẽ giúp virus cúm tách ra, rời khỏi tế bào chủ và đi tìm tế bào mới.
Tamiflu ức chế men này, làm giảm sự phát tán của virus cúm trong cơ thể chứ không có tác dụng tiêu diệt chúng. Vì vậy, thuốc này chỉ có hiệu quả trong vòng 48 giờ đầu khi virus cúm mới xâm nhập cơ thể. Sau đó, thuốc không còn tác dụng vì virus đã có mặt ở khắp nơi trên cơ thể.
Bác sĩ Hưng khẳng định Tamiflu chỉ giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn, hết triệu chứng sớm hơn không uống khoảng 17 giờ.
Đồng quan điểm, VnExpress dẫn lời bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cho biết tích trữ Tamiflu là không cần thiết bởi cúm là bệnh có thể tự hết, những đối tượng có diễn tiến suy hô hấp nhanh mới cần uống loại thuốc này.
Ngoài ra, thuốc cần uống đúng thời điểm mới đem lại hiệu quả tốt. Nếu uống quá 48 tiếng, đặc biệt là sau 72 tiếng từ khi mắc bệnh thì thuốc gần như không tác dụng.
"Lạm dụng Tamiflu có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc sau này, thậm chí trầm cảm. Đây là loại thuốc được bác sĩ kê đơn, không tự ý mua hay dự trữ trong nhà", bác sĩ khuyến cáo.
Ngoài ra, việc tích trữ Tamiflu gây nên tình trạng khan hiếm thuốc, đẩy giá thuốc lên gấp nhiều lần. "Việc đổ xô đi mua Tamiflu dự trữ khiến 'người cần không có, người có không cần'", Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nói.
Theo bác sĩ Dũng, không phải cứ bệnh cúm là sử dụng Tamiflu. Thuốc được chỉ định với nhóm có nguy cơ như người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi... Người bệnh chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm. Nếu mắc cúm thông thường, không cần dùng đến Tamiflu.
"Do đó, khi trẻ bị cúm, việc nên ưu tiên không phải tìm mua Tamiflu mà cần phải chú ý hạ sốt, vệ sinh đường hô hấp, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để trẻ tăng đề kháng", bác sĩ cho hay.
Cách phòng ngừa virus cúm A:
- Vệ sinh cá nhân tốt: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường, tránh đám đông lớn. Đặc biệt, trong khi dịch cúm bùng phát, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Khi bị sốt, bạn nên ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết để tránh lây nhiễm cho người khác.
- Ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe phòng ngừa cúm A.
- Thường xuyên lau sạch, vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.
- Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm A là tiêm vaccine cúm hàng năm. Mỗi một mũi tiêm có thể chống lại 3-4 loại virus cúm khác nhau trong mùa cúm năm đó. Đặc biệt, gia đình có trẻ em, tiêm đủ, đúng lịch, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh dịch bệnh.
PN (Nguoiduatin.vn)