Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.035.138 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.506 ca nhiễm). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 8.341 ca/ngày.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS BS Quan Thế Dân - từng tham gia điều trị tại Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu Becamex Bình Dương để đánh giá tình hình dịch sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị định số 128.
Xin chào TS Dân, mấy ngày qua nhiều tỉnh thành ghi nhận ca mắc mới, số ca mắc trong cả nước có xu hướng tăng hơn tháng 10. Theo ông vì sao đã bao phủ được tỷ lệ vắc xin hàng trăm triệu mũi nhưng số ca nhiễm vẫn tăng?
TS Quan Thế Dân: Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng lên do mấy lý do sau:
- Do bỏ các hạn chế lưu thông, người dân đi lại tiếp xúc nhiều, nên tăng cơ hội lây nhiễm
- Vì chúng ta phủ vaccine trong tình trạng đang có dịch nên nhiều người đã tiêm nhưng chưa đủ thời gian tạo kháng thể, vẫn bị lây nhiễm.
- Mặt khác không có vaccine nào là có khả năng bảo vệ 100%. Theo các số liệu thực tế, hiệu quả bảo vệ cao nhất như Pfizer cũng chỉ đạt 95%, Moderna 94%, Astra Zeneca 70%, Sinopharm 78%, Sinovac 50 - 60%.
Tuy nhiên phải công nhận nhờ có vaccine mà chúng ta mới giữ được con số mắc và tử vong ở mức thấp như hiện nay. So sánh lúc ở đỉnh dịch, ví dụ ngày 3/9/2021 có 14.000 ca nhiễm và 300 ca tử vong, mà lúc đó là trong trạng thái phong tỏa nghiêm ngặt.
Như vậy chúng ta thấy nhờ có vaccine mà chúng ta giảm gần ½ số ca nhiễm, đặc biệt số ca tử vong giảm gần 10 lần.
Từng tham gia điều trị BN Covid-19 tại BV tầng 3, theo BS Dân làm sao để phát hiện sớm và ngăn chặn nguy cơ tử vong ở bệnh nhân Covid-19?
TS Quan Thế Dân: Cần tăng cường tuyên truyền tuân thủ 5K để hạn chế lây nhiễm. Tập trung bảo vệ các đối tượng nguy cơ cao như: người già, phụ nữ có thai, người béo phì, người có các bệnh nền bằng các biện pháp tiêm đầy đủ vaccine và thực hiện 5K tốt.
Tăng cường điều trị sớm tại cơ sở bằng các thuốc kháng virus Redemsivir, Molnupiravir. Các thuốc này đã có hiệu quả rõ rệt giảm chuyển nặng và tử vong.
Tổ chức theo dõi và chuyển tầng điều trị kịp thời những trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng. Tốt nhất là tổ chức mô hình bệnh viện điều trị Covid-19 đa tầng, để bệnh nhân được điều trị kịp thời khi chuyển nặng, không phải di chuyển xa dễ có nhiều rủi ro.
Duy trì các bệnh viện tầng 3 hợp lý là nơi điều trị các trường hợp nặng nhất.
Trong cộng đồng, BS Dân khuyến cáo người dân như thế nào để sống chung theo nghị định 128?
TS BS Quan Thế Dân: Mọi người không được chủ quan. Thế giới đã dự đoán phải hết năm 2022 mới khống chế được dịch Covid-19. Bây giờ chúng ta vẫn đang trong đỉnh dịch, nên phải hết sức chú ý tự bảo vệ mình để sống chung với dịch. Biện pháp thì Bộ Y tế đã khuyến cáo rất đầy đủ rồi. Thực hiện thật nghiêm chỉnh 5K và tiêm đủ 2 mũi vaccine là chúng ta hoàn toàn có thể thích ứng tốt với tình hình mới.
Theo bác sĩ đã đến lúc chúng ta tiêm vắc xin mũi 3 bổ sung cho các đối tượng có nguy cơ trở nặng khi mắc Covid-19?
TS BS Quan Thế Dân: Việc tiêm mũi bổ sung phải theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chúng ta không thể tự ý làm được. Tuy nhiên có nguyên lý chung là sau khi tiêm vaccine 2 tuần thì cơ thể bắt đầu sản sinh kháng thể đủ để bảo vệ cơ thể. Kháng thể này lên cao nhất vào khoảng tháng thứ 2 sau tiêm rồi giảm dần.
Đến tháng thứ 6, hiệu quả bảo vệ của các vaccine nhìn chung giảm nhiều, ví dụ một công bố mới nhất vào tháng 11/2021, do cơ quan y tế công cộng San Francisco và đại đọc Texas theo dõi trên 800.000 cựu chiến binh Mỹ đã tiêm vaccine phòng Covid-19 thì sau 6 tháng hiệu quả của vaccine của Pfizer và Moderna giảm 35% so với ban đầu, còn Johnson & Johnson giảm tới 81%.
Do vậy nên người ta lấy mốc chung nên tiêm thêm liều bổ sung với người đã tiêm vaccine trên 6 tháng. Nó được gọi chính thức là mũi tiêm tăng cường (booster). Mũi tăng cường này có thể cùng loại hoặc khác loại với vaccine đã tiêm trước đó. Người ta cũng quy định những người mắc Covid-19 đã điều trị khỏi thì sau 6 tháng cũng nên tiêm vaccine.
Ở Việt Nam bắt đầu tiến hành tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid vào tháng 4/2021 bằng vaccine của Astra Zeneca, cho cán bộ y tế, sau đó đến tận tháng 7 và 8 mới trả đủ mũi 2 cho những người này. Vậy đến nay chưa đủ 6 tháng, nên những người này chưa cần tiêm mũi tăng cường. Còn hầu hết trong cộng đồng chúng ta mới tăng tốc tiêm vaccine từ tháng 8/2021, nên cũng chưa cần nghĩ đến mũi tiêm tăng cường. Lúc này nên tập trung phủ hết mũi 1 và 2 cho toàn bộ dân số trong diện tiêm vaccine.
Còn một số ít người có đáp ứng miễn dịch yếu như ung thư, bệnh tự miễn, ghép thận, hoặc đang dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch, cần được tiêm bổ sung thêm một mũi thứ 3 sau mũi thứ 2 với khoảng thời gian là 1 tháng. Vaccine tiêm lần 3 này cùng loại với vaccine tiêm hai lần trước.
Xin cảm ơn ông!
Theo Ngọc Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)