Con gái 15 tuổi giỏi ngoan bỗng tụt dốc, mẹ tưởng do yêu hóa ra mắc căn bệnh mà "thủ phạm" chính là cha mẹ

16/02/2023 10:12:05

Chỉ còn vài tháng nữa sẽ bước vào kỳ thi chuyển cấp, nhưng con gái chị Thanh lại thường xuyên đau đầu, không muốn đi học và bi quan về bản thân khiến chị Thanh lo lắng không yên.

Trước học giỏi, giờ cứ học là đau đầu, mệt mỏi

Con gái lớn của vợ chồng chị Hương Thanh (TP.HCM) năm nay 15 tuổi, hiện học lớp 9 ở một trường chất lượng cao, có ước mơ thi vào lớp chuyên Anh. Chị Thanh cho biết, 14 năm qua, con gái chị rất ngoan, biết giúp mẹ việc nhà, luôn cố gắng học tốt và năm nào cũng đứng top 1-3 của lớp. Vì điều này, chị đặt kỳ vọng cao ở con. Tuy nhiên, học kỳ I năm lớp 9, điểm tổng kết của bé dưới 9 và xếp thứ 11 của lớp.

Khi quan sát, chị Thanh thấy con gái thường khó ngủ, ngủ ít, mệt mỏi, hay cáu gắt với em và thường xuyên kêu đau đầu. “Trước đây, con rất chăm học, hay tự tìm tài liệu học và có ước mơ thi vào lớp chuyên Anh. Nay nhắc đến chuyện học là con thấy chán, mệt mỏi, không muốn đi học, tiêu cực về tình trạng bản thân và luôn xin mẹ cho chuyển trường”, chị Thanh chia sẻ.

Con gái 15 tuổi giỏi ngoan bỗng tụt dốc, mẹ tưởng do yêu hóa ra mắc căn bệnh mà "thủ phạm" chính là cha mẹ
Theo các bác sĩ, cha mẹ đừng nên quá áp đặt vào việc học của con. Ảnh minh họa.

Con gái 15 tuổi giỏi ngoan bỗng tụt dốc, mẹ tưởng do yêu hóa ra mắc căn bệnh mà amp;#34;thủ phạmamp;#34; chính là cha mẹ - 2Ban đầu, chị Thanh tưởng con gái bị bắt nạt ở trường hay buồn chuyện yêu đương tuổi học trò. Khoảng 2 tháng trước, vợ chồng chị quyết định đưa con đi khám ở Khoa Sức khỏe vị thành niên tại một bệnh viện nhi. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán con gái chị bị rối loạn lo âu và có biểu hiện trầm cảm nhẹ, được điều trị bằng thuốc suy nhược thần kinh. Vị bác sĩ cũng khuyên chị Thanh nên đưa con gái đi tư vấn tâm lý.

Người mẹ cho biết vì sợ uống thuốc bị tác dụng phụ nên con gái chị bữa uống bữa không. Về vấn đề tư vấn tâm lý, chị đã đưa con đi tư vấn ở trường nhưng tình trạng vẫn chưa cải thiện.

Mới đây, chị Thanh chia sẻ câu chuyện gia đình mình lên một hội nhóm có nhiều người đang nuôi dạy con trong độ tuổi tương tự để xin lời khuyên có nên cho con nghỉ học để điều trị bệnh hay không. “Năm nay con gái học cuối cấp, nếu tình trạng đau đầu của con không cải thiện sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc học. Còn nếu để con tập trung vào việc học thì sẽ làm con mệt mỏi hơn. Tôi không biết làm thế nào để tốt cho con?”, chị Thanh băn khoăn.

Chia sẻ của chị Thanh nhận được rất nhiều đồng cảm của các cha mẹ khác. Bên cạnh những người khuyên chị Thanh nên kết hợp việc điều trị bệnh cho con và việc học, cũng có nhiều người khuyên chị nên nghĩ đến sức khỏe của con là quan trọng nhất. “Mẹ hãy chấp nhận việc học của con kém hơn để tập trung chữa bệnh. Sức khỏe vẫn là quan trọng nhất. Năm nay con không thi đậu được lớp 10 thì còn có năm sau”, nhiều người khuyên chị Thanh.

Con gái 15 tuổi giỏi ngoan bỗng tụt dốc, mẹ tưởng do yêu hóa ra mắc căn bệnh mà "thủ phạm" chính là cha mẹ - 2
Thời gian qua, nhiều trẻ phải đi khám tâm lý vì quá áp lực việc học. Ảnh: BVCC.

Đừng nên áp đặt việc học lên con quá mức

Theo thống kê, có khoảng 1/5 trẻ em và vị thành niên sẽ trải qua một số loại lo âu ở cấp độ lâm sàng. Ở một số trường hợp, rối loạn lo âu khiến trẻ gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống, giấc ngủ, đau đầu, đau bụng hoặc ói, đặc biệt khi trẻ đến gần với nguồn gây lo âu.

ThS.BS Phạm Minh Triết, Trưởng Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, một trong những lý do thường gặp khiến trẻ đang độ tuổi đi học mắc chứng rối loạn lo âu là áp lực thành tích học tập từ phía gia đình. Lúc đầu, những trẻ này có thể có biểu hiện chống lại ý muốn của cha mẹ, càng về sau trẻ càng không có hứng thú với học tập. Nếu mâu thuẫn này tiếp tục kéo dài, trẻ có thể có biểu hiện buồn, lo lắng và sợ đi học, học tập sa sút, trẻ có thể bị trầm cảm vì không chia sẻ được với ai. Một số trẻ có thể có biểu hiện đau ở vài vị trí trên cơ thể nhưng không tìm ra nguyên nhân thực thể.

Bác sĩ Triết kể từng tiếp nhận một bé trai 13 tuổi (ở Đồng Tháp) được gia đình đưa đến Khoa Tâm lý khám vì trẻ sợ đi học. Khi gặp bác sĩ, bé trai cho biết trước đây em là học sinh giỏi, nhưng trong đợt thi học kỳ, em có một môn bị điểm thấp. Chính điều này làm cho em luôn cảm thấy lo lắng và sợ đi học. Mỗi khi đến trường, em có cảm giác lo lắng, bồn chồn, khó tập trung, có cảm giác sợ bị điểm thấp nên không muốn đến lớp. Bệnh nhi này cũng được bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn lo âu.

Con gái 15 tuổi giỏi ngoan bỗng tụt dốc, mẹ tưởng do yêu hóa ra mắc căn bệnh mà "thủ phạm" chính là cha mẹ - 3
Cha mẹ nên giúp con có không gian học tập thoải mái để bé không bị áp lực. (Ảnh minh họa)

Thạc sĩ tâm lý Mai Thị Nguyệt, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, hiện nay mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, nên việc đặt kỳ vọng vào con cái của cha mẹ là vấn đề dễ hiểu. Tuy nhiên, việc này đã vô tình gây nên áp lực rất lớn cho trẻ, dẫn đến tình trạng stress của lứa tuổi học sinh ngày càng tăng cao và ở nhiều mức độ khác nhau.

Từng gặp nhiều trẻ phải đi khám tâm lý, thạc sĩ Nguyệt cho biết rất nhiều học sinh ở các lứa tuổi với những biểu hiện căng thẳng tâm lý khác nhau, nhưng hầu hết các em đều có biểu hiện rối loạn hành vi cảm xúc thậm chí dẫn đến trầm cảm, tự tử, kích động quá mức hoặc thu hẹp giao tiếp…

Một số trẻ được sống trong gia đình có đầy đủ sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ tới mức “ngộp thở”. Cũng có những trẻ lại bị cha mẹ lên án chỉ trích hay bỏ bê … đều là nhân tố kích thích dẫn đến căng thẳng tâm lý cho trẻ.

Theo thạc sĩ Nguyệt, để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng của trẻ, cha mẹ hãy giảm tải áp lực từ học tập cho con, đồng thời giúp trẻ thiết lập mối quan hệ tích cực từ môi trường gia đình và bạn bè. Khuyến khích con tham gia các hoạt động đoàn đội, vui chơi tập thể và luyện tập thể thao để giảm bớt căng thẳng nội tâm.

Trong trường hợp trẻ không có dấu hiệu cải thiện, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý để can thiệp kịp thời giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, tránh tình trạng để trẻ căng thẳng quá lâu dẫn đến rối loạn lo âu hoặc trầm cảm gây ra những hậu quả không lường như tự hủy hoại bản thân, tự tử hay nghiện ngập...  

* Tên người mẹ đã thay đổi.

Theo Diệu Thuần (Phụ Nữ & Pháp Luật)