Bác sĩ Dư Mạnh Cung, khoa nhi dị ứng, bệnh viện Taichung Tzu Chi Hospital, Đài Loan chia sẻ về trường hợp một bệnh nhi (10 tuổi) tên là Tiểu Vũ.
Tiểu Vũ có tiền sử mắc bệnh dị ứng và hen suyễn. Thời gian gần đây, bệnh tình của Tiểu Vũ diễn biến nặng nên phải nhập viện. Kết quả chụp X- quang phổi cho thấy hiện tượng thâm nhiễm phổi, sưng phổi, người nhà lo lắng em nhiễm Covid-19. Nhưng sau khi làm các xét nghiệm, Tiểu Vũ được bác sĩ chẩn đoán bệnh hen suyễn tái phát.
Khi hỏi thăm thói quen sinh hoạt của gia đình, bác sĩ được biết bố của Tiểu Vũ đã ở nhà phòng dịch trong thời gian giãn cách xã hội. Nghỉ không có lương, do căng thẳng nên anh đã ở hút thuốc nhiều hơn mức bình thường. Mặc dù bố của Tiểu Vũ đứng hút thuốc ở ban công, nhưng khói thuốc theo làn gió đã lan tỏa vào trong nhà khiến bệnh hen suyễn của Tiểu Vũ tái phát với các triệu chứng như ho, thở khò khè, thở nhanh, tức ngực.
Bác sĩ Dư Mạnh Cung cho biết, nhiều nam giới nghiện thuốc lá cho rằng đứng trước cửa, ban công hoặc hút thuốc bên ngoài sẽ không ảnh hưởng đến người thân trong gia đình. Nhưng thực tế không phải vậy, khi điếu thuốc được đốt cháy, chất hóa học sẽ bám trên áo quần của người hút hoặc môi trường xung quanh nhà như màn rèm cửa sổ, đệm ghế...
Như trong trường hợp của bé Tiểu Vũ, cho dù người bố không hút thuốc trước mặt con, nhưng Tiểu Vũ bất đắc dĩ trở thành đối tượng hít khói thuốc thụ động.
Nếu người bệnh không điều trị kịp thời bệnh viêm khí quản mãn tính sẽ khiến khí quản tổn thương, tăng chất nhầy khí quản và làm dày các cơ trơn bên cạnh khí quản dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp. Để tránh trường hợp bệnh hen suyễn ảnh hưởng khí quản và tổn thương chức năng tim phổi, bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên điều trị càng sớm thì cơ hội phục hồi càng cao.
Bác sĩ Dư Mạnh Cung nhắc nhở gia đình có trẻ nhỏ dị ứng nên tránh tiếp xúc không khí ô nhiễm và khói bụi, giảm thiểu nguy cơ gây dị ứng khí quản hay bệnh hen suyễn, gia đình có người nghiện thuốc lá cần từ bỏ thuốc lá để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người thân trong gia đình.
Hen suyễn là bệnh gì?
Hen suyễn là tên gọi dân gian của hen phế quản. Đây là bệnh lý hô hấp mãn tính có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh xảy ra do cơ thể phản ứng với các dị ứng nguyên, liên quan đến các yếu tố di truyền và các tác nhân từ môi trường bên ngoài.
Hen suyễn ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày và các hoạt động thể lực của người bệnh. Hen suyễn là bệnh lý không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc tuân thủ điều trị giúp ích trong kiểm soát các triệu chứng của bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh hen suyễn
Nhiều chuyên gia cho rằng tác nhân gây bệnh có sự phối hợp giữa yếu tố môi trường và các yếu tố di truyền. Việc phơi nhiễm với các dị nguyên có thể khởi phát các triệu chứng của bệnh hen suyễn trên lâm sàng. Phản ứng của cơ thể trước các yếu tố khởi phát dẫn đến các bất thường ở đường hô hấp như co thắt phế quản, tăng tiết dịch nhầy và viêm phế quản.
Yếu tố dị nguyên gây hen rất đa dạng và khác nhau tùy theo từng bệnh nhân, bao gồm:
Nhiễm khuẩn hô hấp do vi khuẩn, virus.
Không khí lạnh.
Bụi, khói thuốc lá, hóa chất trong không khí.
Mạt nhà.
Xúc cảm mạnh, stress.
Tập luyện thể lực.
Một số loại thuốc như: ức chế beta, aspirin, ibuprofen, naproxen.
Một số loại thức ăn và nước uống cụ thể như: tôm, khoai tây chế biến sẵn, trái cây sấy khô, bia, rượu.
Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
Triệu chứng hen suyễn
Người bệnh có thể thường xuyên phải đối mặt với các cơn hen phế quản hoặc chỉ sau các yếu tố khởi phát như luyện tập thể lực.
Bệnh hen suyễn có các biểu hiện lâm sàng đặc trưng như:
Thở nhanh, thở dốc.
Ho, khạc đàm, nặng hơn khi có nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Thở rít, thở khò khè. Đây là dấu hiệu giúp hướng tới chẩn đoán hen suyễn ở trẻ.
Cảm giác bóp nghẹn hoặc đau ngực.
Rối loạn giấc ngủ, ngáy do khó thở, ho, thở rít xuất hiện vào ban đêm.
Trong cơn khó thở, nghe phổi có ran rít, ran ngáy rải rác.
Khi bệnh diễn tiến nặng nề hơn, tần suất xuất hiện của các cơn hen suyễn dày đặc hơn, triệu chứng khó thở trở nên nặng nề hơn và bệnh nhân cần được sử dụng thuốc cắt cơn đường hít thường xuyên hơn.
Theo Tú Uyên (Tổ Quốc)