Mọi người đều quan tâm đến việc ăn món gì mỗi ngày, mà quên mất thứ tự ăn các món trong bữa cơm cũng rất quan trọng, đặc biệt đối với những người mắc các bệnh về chuyển hóa.
Chuyên gia dinh dưỡng Hàm Linh, Trưởng Khoa dinh dưỡng, thuộc Bệnh viện Đại học Y Thanh Hoa, Trung Quốc nhắc nhở, để kiểm soát bệnh tiểu đường, mỡ máu, bèo phì, cần quan tâm đến chế độ ăn uống, trong đó quan trọng nhất là thứ tự ăn các món.
Một bữa ăn cần đủ chất dinh dưỡng, đó là 4 thành phần: chất bột đường; chất đạm; chất béo; và nhóm vitamin, khoáng chất trong bữa ăn. Hay nói đơn giản là trong bữa ăn bạn cần ăn đủ cơm, thịt, rau, canh...
Con người từ xa xưa đến hiện đại đều có thói quen ăn thứ tự các món trên bàn ăn như sau: Ăn tinh bột như cơm trước, sau đó mới ăn thịt hoặc rau, sau cùng là uống nước canh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng thứ tự ăn như sau mới tốt cho sức khỏe: rau → thịt → cơm.
Tại sao nên ăn rau trước, sau đó đến thịt và cuối cùng là ăn cơm?
Giúp giảm cân
Ăn rau trước có thể giúp giảm tổng năng lượng nạp vào trong bữa ăn đó, điều này có thể có lợi cho việc giảm cân và kiểm soát cân nặng lành mạnh. Theo Tiến sĩ Michelle Cardel, ăn rau trước có thể làm giảm lượng calo của bạn trong bữa ăn và trong suốt cả ngày.
Theo một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2012 trên tạp chí "Appetite", ăn rau trước cũng có thể giúp tăng lượng tiêu thụ rau lên 23%. Ăn rau trước cũng giúp kích thích hệ tiêu hóa hoạt động không quá nặng nề mà diễn ra nhẹ nhàng, êm ái bởi rau vốn nhiều chất xơ, và không quá khô cứng. Nếu không thích ăn rau, bát có thể uống một bánh canh trước khi ăn cơm và các món chính khác cũng có tác dụng tương tự.
Ổn định đường huyết, giảm mỡ máu
Việc lấp đầy chiếc bụng rỗng với rau sẽ khiến ta nhanh chóng cảm thấy no bụng, không muốn ăn nhiều hơn sau đó. Từ đây, chúng ta có thể kiểm soát được hàm lượng đường, hàm lượng chất béo... có trong thức ăn một cách tốt hơn.
Một nghiên cứu của ĐH Osaka (Nhật Bản) đã chỉ ra việc ăn rau, cá, thịt trước khi ăn cơm cũng giúp cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã theo dõi sự thay đổi lượng đường trong máu suốt 4 giờ sau khi các đối tượng thưởng thức bữa ăn - trong đó món cơm được ăn ngay đầu bữa hay cuối bữa.
Kết quả là, những người ăn rau đầu, cá thịt tiếp theo và ăn cơm cuối có hàm lượng đường trong máu thấp hơn khoảng 30% - 40% so với khi họ ăn cơm ngay từ đầu bữa.
Giới nghiên cứu lý giải rằng, việc ăn rau, thịt, cá trước sẽ giúp kích thích bài tiết incretin - hormone tiêu hóa giúp làm chậm sự di chuyển của thức ăn từ dạ dày xuống ruột non. Từ đó làm giảm lượng đường gia tăng trong máu, giúp phòng tránh bệnh tiểu đường.
Tốt cho tiêu hóa
Một nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học Columbia, Mỹ cũng cho thấy bất kể con người ăn thức ăn phức tạp đến mức nào hoặc ăn bao nhiêu thức ăn, thứ tự tiêu hóa thức ăn của cơ thể luôn tuân thủ theo thứ tự ăn.
Nếu ngay đầu bữa ăn đã ăn các món phức tạp, mất nhiều thời gian để tiêu hóa, sau đó lại ăn một số thức ăn đơn giản và dễ tiêu, sẽ cản trở rất nhiều đến quá trình hấp thu và sử dụng chất dinh dưỡng của dạ dày. Vì vậy, ăn rau đầu tiên là sự lựa chọn hoàn hảo.
Sau khi ăn rau và uống nước canh, cảm giác thèm ăn sẽ giảm đi tương đối nhiều, lúc này có thể ăn một số thức ăn như thịt, thực phẩm giàu protein có cảm giác no. Việc ăn thực phẩm protein trước hết là tránh ăn quá nhiều cơm.
Ngoài ra, chất đạm có lợi cho quá trình tổng hợp và sửa chữa cơ bắp, đồng thời có lợi cho quá trình chuyển hóa mỡ thừa. Thịt, trứng, cá,… đều là những thực phẩm giàu chất đạm, nên ăn ít những món chiên, rán, nướng. Ở cuối bữa ăn, bạn có thể ăn cơm, mì hoặc bánh hấp như thức ăn chính.
Việc thay đổi thứ tự món ăn trong bữa cơm - rau trước, thịt cơm sau tưởng chừng như không có gì to tát lại có thể đem đến cho bạn nhiều ý nghĩa về sức khỏe.
Ngoài thứ tự các món ăn cần chú ý đến việc chia nhỏ bữa ăn
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc ăn nhiều bữa nhỏ chia đều trong ngày sẽ mang lại lợi ích. Nó khiến bạn giảm được cảm giác đói và ăn ít hơn vào các bữa tiếp theo. Một nghiên cứu trên gần 2.700 phụ nữ và nam giới phát hiện những người ăn trên 6 bữa một ngày tiêu thụ ít calo hơn. Họ cũng thường lựa chọn thực phẩm lành mạnh và có chỉ số BMI thấp hơn.
Nghiên cứu cũng chỉ ra khi ăn nhiều bữa hơn, mức cholesterol và insulin trong cơ thể cũng được cải thiện theo chiều hướng tốt. Ăn nhiều bữa ăn nhỏ cuối cùng có thể giảm đường trong máu, cảm giác đói và giúp bạn từ bỏ những bữa ăn vặt.
PN (SHTT)