Cơm mớm và con đường lây nhiễm virus HP không ngờ tới

20/11/2019 11:30:50

Thông tin mới đây về trường hợp bé trai 6 tuổi được chẩn đoán viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày và dương tính với vi khuẩn HP do hàng ngày ăn thức ăn bà mớm. Sau khi sự việc được chia sẻ đã khiến nhiều người giật mình. Tuy nhiên, ngoài hành động trên, những con đường lây nhiễm virus HP không ngờ tới, bạn nên cẩn trọng để tránh cho trẻ.

Viêm dạ dày vì mớm cơm

Ngày 13/11, bác sĩ nhi khoa Tô Quang Huy (ở Hà Nội) chia sẻ thông tin về trường hợp bé trai tên M.N (6 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), bị lây nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) từ bà. Trước đó, khi thấy con nôn nhiều, người ngày càng xanh xao, gầy yếu, đi ngoài phân đen, gia đình mới đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra. Kết quả nội soi, bé bị viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày, dương tính với vi khuẩn HP. Tìm hiểu tiền sử được biết, bà của cháu bị viêm loét dạ dày. Hàng ngày, bà đều nhai cơm và mớm cho bé.

Thông tin này chia sẻ đã khiến cho nhiều gia đình lo lắng vì vẫn có thói quen này với trẻ. PGS.TS Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, đây không phải là vấn đề gì xa lạ. Trẻ nhỏ nhiễm vi khuẩn HP đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Ở viện cũng đã từng phát hiện ra trường hợp bé trai 2 tuổi nhiễm vi khuẩn HP. Trường hợp này người mẹ bị nhiễm vi khuẩn HP nên cẩn thận đưa con đi test thử loại trừ.

Cơm mớm và con đường lây nhiễm virus HP không ngờ tới
Ảnh minh họa

 

Con đường lây của vi khuẩn HP thường qua đường miệng - miệng hoặc phân - miệng, trong đó chủ yếu lây qua người với người. Trẻ nhỏ hệ miễn dịch yếu nên là đối tượng dễ lây nhiễm bệnh bằng nhiều cách khác nhau như chất lượng vệ sinh môi trường sống, ăn uống không đảm bảo, không được nấu chín kỹ, uống nước bị nhiễm khuẩn. Vi khuẩn HP tồn tại trong phân người bệnh nên có thể lây truyền qua tay khi trẻ không vệ sinh tay sạch sẽ….

Ngoài ra dùng chung bàn chải đánh răng, ăn uống chung… nhất là khi trong nhà có người mắc HP rồi càng dễ bị lây nhiễm hơn. Các bậc cha mẹ cần phải chú ý để đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Vi khuẩn cũng lây khi tiếp xúc với nước bọt. Thói quen của người lớn như mớm thức ăn cho trẻ, hôn trực tiếp môi trẻ của người lớn rất hại mà nhiều người không biết vì vô tình làm lây nhiễm virus HP.

Dễ nhầm lẫn với các vấn đề ở hệ tiêu hóa khác

PGS.TS Nguyễn Duy Thắng cho rằng, vi khuẩn HP là một loại vi trùng hình xoắn ốc. Chúng liên quan mật thiết đến một số bệnh lý dạ dày thường gặp như viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày. Về lâu dài, vi khuẩn HP làm tăng nguy cơ phát triển thành bệnh ung thư dạ dày.

Điều đáng nói, nhiều người không biết mình bị lây nhiễm vi khuẩn này lúc nào và thời gian ủ bệnh là bao lâu. Hơn nữa, triệu chứng không điển hình nên thường những người bị nhiễm vi khuẩn HP không hề hay biết dù trong nhiều năm. Chỉ khi vi khuẩn này gây ra viêm loét, người bệnh mới biết tình trạng của mình.

Ở trẻ nhỏ khi bị nhiễm HP thường có biểu hiện như đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn, sụt cân, chậm lớn, nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen do xuất huyết trong dạ dày, tá tràng…

Có một thực trạng là rất nhiều người cứ nghĩ rằng nhiễm vi khuẩn HP là bị ung thư dạ dày. Về điều này, GS Đào Văn Long - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, HP là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày chứ không phải rằng ai mắc vi khuẩn HP là đều bị ung thư dạ dày. Vi khuẩn HP có đến hàng trăm loại khác nhau, trong đó chỉ có loại vi khuẩn mang gien CagA có độc lực cao mới có nguy cơ gây ung thư. Bởi vậy mọi người cũng không nên quá lo lắng.

Và không phải trẻ cứ có HP là cần điều trị. Nếu như không có biểu hiện nặng vẫn có thể sống hoàn toàn bình thường. Với trẻ có triệu chứng lâm sàng gợi ý bệnh lý dạ dày tá tràng, dù có HP dương tính qua test hơi thở hoặc test phân cũng cần được làm nội soi tiêu hóa trước khi quyết định điều trị. Nhiều người có thói quen có bệnh tự chữa, khi có dấu hiệu đau bụng, đầy hơi liền tự mua vài liều thuốc về uống. Đỡ rồi là không đi khám nữa dẫn đến tình trạng bị nặng. Thay vì mua thuốc tự điều trị cần đưa trẻ đi kiểm tra để tránh bị kháng thuốc.

"Tuy nhiên mọi người cũng cần thận trọng vì những chứng khi mắc HP thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các vấn đề ở hệ tiêu hóa khác. Phát hiện sớm thì tỉ lệ khỏi bệnh là 50%, còn không điều trị dứt điểm ngay từ đầu khó chữa khi bệnh tái phát. Trẻ nghi ngờ có triệu chứng nên đưa đi kiểm tra ngay để biết chắc chắn nhiễm bệnh hay không, bác sĩ sẽ có hướng điều trị cụ thể", GS Đào Văn Long khuyến cáo.

Các chuyên gia khuyến cáo, việc điều trị HP hiện chủ yếu là dùng kháng sinh. Ở trẻ nhỏ, việc điều trị rất khó khăn do nguồn kháng sinh hạn chế và giảm tiết dịch vị. Trong trường hợp trẻ được chẩn đoán nhiễm bệnh này, các thành viên trong gia đình cũng nên đi khám vì bệnh này dễ lây nhiễm. Nếu không cũng cần thực hiện các biện pháp hạn chế lây nhiễm như vệ sinh tay sạch sẽ, tránh dùng chung dụng cụ ăn uống, bàn chải đánh răng, đồ dùng cá nhân, mớm hay hôn trẻ...

Theo Phương Thuận (Giadinh.net.vn)

Nổi bật