Có một sự thật là khi bạn càng nhún nhường, nín nhịn thì sẽ chỉ khiến người đàn ông được đà lấn tới. Họ sẽ coi sự hiểu chuyện, dịu dàng và những gì bạn làm cho họ như một lẽ đương nhiên. Dần dần thái độ mà anh ta dành cho bạn sẽ càng trở nên tồi tệ, mối hệ của hai người cũng chẳng hề được anh ta coi trọng.
Liên (31 tuổi, Hà Nội) chia sẻ cô và chồng kết hôn đến nay được 4 năm. Trong 4 năm chung sống, cô gần như chưa bao giờ cãi lại chồng câu nào. Nếu hai người bất đồng quan điểm, Liên cũng chỉ im lặng thay cho câu trả lời. Đăng - chồng Liên nói gì cô cũng nín nhịn cho qua vì nghĩ một điều nhịn là chín điều lành, không khí êm ấm trong gia đình mới là điều quan trọng nhất.
"Có lần tôi nghe được chồng nói với bạn rằng tôi hiền như cục đất vậy, anh ấy thích nói gì, làm gì cũng được. Thế nhưng tôi càng nín nhịn thì chồng càng được đà lấn tới. Anh ấy không còn nể trọng tôi nữa. Từ lời nói đến hành động, anh ấy thể hiện thái độ coi nhẹ vợ thấy rõ. Anh ấy có thể ném vào mặt tôi những lời lẽ cộc cằn, thô thiển khiến tôi chỉ muốn bật khóc. Anh ấy đi đâu, làm gì cũng chẳng buồn thông báo hay hỏi ý kiến vợ, hoàn toàn không đặt tôi trong lòng...", Liên nói.
Cho đến sinh nhật Đăng cách đây 1 tuần, Liên kỳ công tự làm bánh sinh nhật tặng chồng cùng một bữa tối thịnh soạn đều là những món anh thích. Thế nhưng chẳng may chiếc bánh sinh nhật cô làm không thành công. Liên muốn đi mua cái khác ngoài cửa hàng cho chồng song thời gian quá gấp gáp, cô đành bưng chiếc bánh chưa được hoàn hảo lên bàn ăn.
Đăng vừa nhìn thấy đã lập tức sầm mặt không vui. Sau đó anh tuôn một tràng chê bai chiếc bánh vợ làm, mắng cô không kịp vuốt mặt. Những lời lẽ thô thiển và thiếu tôn trọng của Đăng, thật sự Liên chẳng muốn nghĩ đến. Trong khi đó con trai của họ vẫn ngồi đấy mà Đăng chẳng hề kiêng nể hay e dè gì.
Lúc ấy Liên cảm thấy thật không đáng cho bản thân mình. Hôm đó cô phải xin nghỉ làm buổi chiều để về chuẩn bị sinh nhật cho chồng. Đáng lẽ cô đặt bàn ở nhà hàng cho tiện nhưng Đăng nói thích ăn cơm vợ nấu và muốn tận hưởng không khí ấm cúng của gia đình. Chiều chồng, Liên chẳng nề hà bất cứ điều gì. Nhưng chỉ vì chiếc bánh có chút khiếm khuyết mà Đăng gạt phăng mọi cố gắng và tình cảm của vợ một cách đầy phũ phàng.
"Lúc ấy tôi im lặng dẫn con vào phòng riêng để con chơi đồ chơi. Sau đó tôi trở ra, nhẹ nhàng cầm lên chiếc bánh sinh nhật mà chồng chê bai chẳng tiếc lời. Rồi trong sự ngỡ ngàng của chồng, tôi ụp cả chiếc bánh ấy vào mặt anh. Đó không phải là lần đầu tiên chồng thể thiện sự coi thường, thiếu tôn trọng với vợ nhưng đó lại là lần đầu tiên tôi có hành động đáp trả cứng rắn, quyết liệt như thế", Liên kể.
Sau đó, trong sự kinh hãi của chồng, Liên dõng dạc tuyên bố rằng từ giờ cô sẽ không nhún nhường anh nữa. Cô đòi hỏi anh phải cư xử một cách tôn trọng và bình đẳng với cô. Cô cũng tuyên bố, từ lúc đó trở đi cô sẽ nổi nóng nếu anh khiến cô tức giận, sẽ phản kháng nếu anh vô lý và sẽ không bao giờ nín nhịn anh như trước đây nữa.
Đăng nghe mà khiếp hãi không thể tin được. Cô vợ lành như cục đất của anh cũng có ngày dám chụp cả chiếc bánh kem to vào mặt anh và đanh thép tuyên bố những lời lẽ như vậy. Nhưng rõ ràng không phải anh đang nằm mơ, Liên thật sự đã thay đổi. Cũng phải thôi, chẳng ai có thể chịu đựng và nín nhịn ai được mãi, khi vượt quá giới hạn có thể chấp nhận thì người ta tất yếu sẽ "vùng lên". Nếu Đăng không học cách cư xử cẩn trọng với vợ hơn thì cuộc hôn nhân của hai người sẽ đứng trên bờ vực tan vỡ.
Tôn trọng lẫn nhau, đó mới là cách mà một mối quan hệ vận hành. Đòi hỏi được tôn trọng là một đòi hỏi hoàn toàn chính đáng. Nếu Liên cứ mãi chấp nhận sự khinh thường, coi nhẹ của chồng, Đăng sẽ càng được đà lấn tới vì anh cho rằng anh có làm gì thì cô cũng chẳng bao giờ tức giận hay bất mãn. Nhưng khi Liên không còn "dễ bắt nạt" như trước, Đăng muốn giữ gia đình thì anh buộc lòng phải sửa đổi bản thân.
Theo An Du (Pháp Luật & Bạn Đọc)