Những ngày này cô giáo Nguyễn Thị Hoàn (giáo viên dạy văn trường THPT Mỏ Trạng, Yên Thế, Bắc Giang) vẫn cần mẫn trên giảng đường. Bài giảng chính là nguồn cảm hứng để cô khỏa lấp nỗi buồn của một người mang căn bệnh HIV.
Năm 2001, với cô giáo Hoàn, là năm có rất nhiều dốc mốc vui có, buồn có… mãi mãi không thể xóa nhòa trong tâm trí cô. Đầu năm, cô Hoàn xây dựng gia đình, cuối năm thiên thần nhỏ của hai người chào đời. Đây cũng là thời khắc cô bị nghi nhiễm HIV. Dù vẫn giữ cho mình niềm tin nhưng cũng có lúc, cô hoài nghi vào số phận. Hạnh phúc không trọn vẹn, vài tháng sau, cô đưa con vào bệnh viện khám bệnh, như có tiếng sét đánh ngang tai khi cô cầm “bản án tử hình” trên tay. Khi đó, cô mới bước sang tuổi 25, tuổi đời còn quá trẻ. Đau lòng hơn, cô bị phơi nhiễm HIV từ chính người chồng đầu ấp tay kề.
Gần 20 năm lặng lẽ trôi qua, căn bệnh HIV đã cướp đi của cô chồng con và cả người em trai chỉ trong thời gian ngắn. Cô Hoàn nhẩm tính, cũng đã 13 năm kể từ ngày những người thân yêu nhất cuộc đời cô ra đi. 13 năm ấy, chưa một thời khắc nào cô nguôi thương nhớ họ.
“Tôi có một chút giận, một chút trách số phận nhưng chưa bao giờ tôi oán trách hay hận thù, nhiều khi còn là sự cảm thông, xót xa. Họ, những người thân của tôi khi tâm sinh lí chưa ổn định, nhân cách chưa hình thành rõ rệt đã không chống lại ảnh hưởng tiêu cực của xã hội, trở thành nạn nhân của ma túy, HIV”, cô giáo Hoàn tâm sự.
Nói rồi cô nhớ lại khoảng thời gian đầu khi đón nhận thông tin mình bị căn bệnh thế kỷ. Không chỉ là sự đau đớn từ tâm can, cô Hoàn còn phải đối diện với sự kỳ thị của xã hội. Nhưng với cô, đó là lẽ tất nhiên của cuộc sống. Gần 20 năm trước, thời điểm dân trí chưa cao, thông tin về HIV còn hạn chế, việc phải đối mặt với kỳ thị là không tránh khỏi.
“Tôi thấy mình là người may mắn hơn rất nhiều người khác bị HIV vì tôi làm việc trong môi trường có tính nhân văn cao. Dần dần tôi nhận ra, giá trị sống của mình ở đâu, mình sống vì cái gì. Tôi tập thói quen bỏ ngoài tai những búa rìu dư luận, không để mình bị tác động bởi những ánh mắt kì thị, tìm những việc tích cực để làm. Những rào cản trong tôi cũng đã không còn. Nếu cứ mãi ôm trong mình suy nghĩ tiêu cực, có lẽ chính tôi sẽ giết tôi trước. Cũng có lúc bất chợt cô nghĩ, nếu mình không bị căn bệnh này, biết đâu mình cũng mang tâm lý kỳ thị người nhiễm. Chính vì thế, tôi biết mình cần có sự cảm thông”, cô trải lòng.
Dù quãng thời gian được làm mẹ không dài nhưng cũng đủ để cô giáo Hoàn cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng. Giờ đây, mỗi khi gặp những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh HIV, cô lại như gặp hình ảnh con mình ở đó.
“Các con, có những con vẫn còn hồn nhiên, suy nghĩ non nớt, trong trẻo, chưa hiểu HIV là gì, nguy cơ ra sao, thậm chí tương lai mình tới đâu các con cũng không hình dung được. Có những con lớn hơn đi học nhưng cũng vấp phải sự phân biệt đối xử. Bấy nhiêu số phận cũng đủ làm tôi khóc rất nhiều. Để những đứa trẻ bị HIV học ở trường công lập, thầy cô không khéo, không sẵn sàng cảm thông, các con dễ trầm cảm, dễ bị đẩy ra thế giới riêng, bị ảnh hưởng tâm sinh lý vì các con đang ở tuổi nhạy cảm. Thương các con nhưng nhiều khi tôi cũng thấy mình bất lực, chỉ biết động viên các con”, người phụ nữ đang trò chuyện bất chợt mím chặt môi, cô im lặng rồi cúi đầu.
Sau phút im lặng ấy, cô nhớ lại những ngày đầu khi xuất hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cô đón nhận rất nhiều sự ngạc nhiên của mọi người. Lúc ấy, cô chỉ mỉm cười. Với người phụ nữ này, HIV là bệnh nguy hiểm tính mạng, lấy đi của người ta nhiều cơ hội nhưng cô lúc nào cũng gạt bỏ tâm lý e ngại, sẵn sàng chia sẻ.
Khi nhận lời tham gia các chương trình truyền thông, truyền hình, cô luôn nghĩ việc mình nói để mọi người lắng nghe cũng là cách giúp mình gần hơn với mọi người. Đó không chỉ giúp cho mình mà còn là giúp cho những người bị HIV có cơ hội được xã hội cảm thông và nhìn nhận đúng đắn.
Qua những lần xuất hiện đó, cô giáo này cũng muốn tạo ra hiệu ứng xã hội tốt để những người nhiễm HIV không bị phân biệt đối xử, họ có đủ dũng khí, dám bước ra ánh sáng, để họ mạnh dạn lên tiếng và thừa nhận “tôi nhiễm HIV”. Bởi lẽ, giấu bệnh cũng tiềm ẩn nguy cơ làm HIV gia tăng. Việc công khai ấy cũng giúp thuận lợi hơn cho việc chăm sóc điều trị những ca nhiễm trong cộng đồng.
Khi được hỏi về ước mơ một mái ấm riêng, cô Hoàn mỉm cười: “Tôi cũng là phụ nữ, cũng từng nghĩ tới điều đó nhưng tất cả là duyên phận”.
Cô vẫn lên lớp, vẫn miệt mài trên giảng đường. Câu chuyện về cuộc đời mình vẫn được cô kể cho học trò nghe. Với cô giáo Hoàn, đó cũng là cách xây dựng kỹ năng sống cho các em học sinh, đặc biệt các em học sinh THPT.
Theo Huệ Nguyễn (Tri Thức Trực Tuyến)