Cô gái trẻ bị suy thận cấp vì một sai lầm khi trị đau bụng kinh

18/01/2023 14:56:11

Đau bụng kinh là “cơn ác mộng” với rất nhiều phụ nữ mỗi khi có kinh nguyệt. Nhưng nếu đối phó với cơn đau này sai cách thì hậu quả thật khôn lường!

Có rất nhiều cách được chị em phụ nữ áp dụng để giảm đau bụng kinh. Bao gồm chườm nóng, massage, uống trà gừng, dùng đường nâu, uống nước ấm… và cả nhờ đến thuốc giảm đau. Trong đó, việc dùng thuốc giảm đau bụng kinh được rất nhiều chị em, nhất là phụ nữ trẻ ưu tiên sử dụng. Bởi vì cách này tiện lợi, tác dụng nhanh nhưng lại không biết rằng nếu lạm dụng nó thì cái giá phải trả cũng không hề rẻ.

Trong chương trình y tế nổi tiếng “The Doctor Is So Spicy”, Tiến sĩ - bác sĩ chuyên khoa thận Hong Yongxiang (Trung Quốc) đã một lần nữa cảnh báo chị em phụ nữ về thói quen xấu này. Ông lấy dẫn chứng về tác hại khôn lường từ việc lạm dụng thuốc giảm đau trong kỳ kinh nguyệt bằng một ca suy thận của một nữ bệnh nhân gần 30 tuổi.

Bác sĩ cảnh báo suy thận vì kiểu giảm đau bụng kinh này - Ảnh 1.
Đau bụng kinh là "cơn ác mộng" với rất nhiều chị em (Ảnh minh họa)


Được biết, cô này vốn có tiền sử bị đau bụng kinh từ tuổi dậy thì. Tuy nhiên, trước năm 20 tuổi, cơn đau chỉ ở mức trung bình, kéo dài trong 1 đến 2 ngày đầu hành kinh nên có thể chịu đựng được mà không cần liệu pháp can thiệp. Sau tuổi 20, đau bụng kinh thật sự trở thành “cơn ác mộng” đối với cô gái này.

Cô bị đau bụng kinh và đau toàn thân dữ dội không chỉ trong thời gian hành kinh mà còn là khoảng vài ngày trước cũng như sau khi có kinh nguyệt. Nhiều năm trời, cô gái trẻ làm hết mọi cách có thể để chống lại cơn đau bụng kinh. Từ massage đến chườm nóng hay uống trà đều không có tác dụng, chỉ có thuốc giảm đau mới có thể giúp cô cảm thấy dễ chịu hơn.

Khoảng một năm trở lại đây, cô cảm thấy mình bắt đầu bị “nhờn thuốc”. Các loại thuốc giảm đau bụng kinh bán trên thị trường không còn có tác dụng với cô nữa. Những cơn đau bụng quằn quại, đầu đau như “búa bổ”, cảm giác buồn nôn và toàn thân mềm nhũn không có sức lực khiến cô không thể làm việc hay ăn uống tử tế.

Sau khi tìm hiểu trên mạng và biết Nhật Bản có loại thuốc giảm đau bụng kinh rất mạnh, cô vội vàng nhờ một người bạn đang làm việc tại đây mua giúp và gửi về. Quả thật, loại thuốc mới này giúp cô đánh bại cơn đau bụng kinh nhưng lại khiến cô nhập viện cấp cứu vì suy thận.

Tác hại của việc lạm dụng thuốc giảm đau bụng kinh
Khi chia sẻ về ca bệnh của cô gái trẻ, Tiến sĩ Hong Yongxiang không giấu nổi ánh mắt xót xa. Ông cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy thận cấp sau khi uống thuốc giảm đau quá liều nhiều ngày liên tục.

Hóa ra, để chống lại cơn đau nửa đầu và bụng kinh, cô đã liên tục dùng loại thuốc giảm đau cực mạnh kia trong vòng 6 tháng. Điều quan trọng là cô không quan tâm tới hướng dẫn sử dụng hay chỉ định liều lượng, cũng không nhờ tới sự tư vấn của bác sĩ khi dùng thuốc. Thay vào đó, cứ gần đến kỳ kinh là cô uống thuốc, thấy đau bụng là lại uống thuốc. Cứ như vậy, thận của cô bị tổn thương nghiêm trọng và phải tiến hành lọc máu mới giữ được tính mạng.

Bác sĩ cảnh báo suy thận vì kiểu giảm đau bụng kinh này - Ảnh 2.
Lạm dụng thuốc giảm đau có thể dẫn tới suy thận và nhiều biến chứng sức khỏe khác (Ảnh minh họa)

Sức khỏe của cô gái cũng dần tốt lên sau gần một tháng điều trị tại bệnh viện. Những tháng sau đó, nhờ có sự điều trị của các bác sĩ chuyên khoa Thần kinh, Phụ sản mà các triệu chứng đau đầu, đau bụng kinh bắt đầu được cải thiện. Tuy nhiên, hậu quả của việc lạm dụng thuốc giảm đau là không thể cứu vãn. Cả đời cô sẽ phải sống chung với chạy thận nhân tạo.

Tiến sĩ Hong cho biết, bản thân việc tìm đến thuốc giảm đau bụng kinh là một giải pháp tốt nhưng cũng là một con dao 2 lưỡi. Nếu sử dụng quá thường xuyên hoặc quá liều sẽ dẫn tới:

- Phụ thuộc thuốc, không thể thiếu thuốc trong các chu kỳ kinh cũng như không thể chịu đựng được cơn đau bụng kinh nếu như không có thuốc.

- Bị “nhờn thuốc” khiến phải tăng liều lượng liên tục mà vẫn không có tác dụng.

- Một số bộ phận trong cơ thể như gan, thận, tim bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bao gồm rối loạn hoặc suy giảm chức năng qua nhiều cấp độ khác nhau.

- Kích ứng dạ dày, gây đau dạ dày.

- Một số tác dụng phụ nhất thời khác như mệt mỏi, chân tay yếu, buồn nôn, tâm trạng tiêu cực…

Ông cho biết thêm, có 2 loại thuốc uống giảm đau: một là acetaminophen phổ biến trên thị trường, hai là thuốc chống viêm không steroid. Acetaminophen là thuốc rất an toàn, chỉ có tác dụng giảm đau, liều lượng không quá 8 viên/ngày. Còn thuốc giảm đau không steroid không chỉ giảm đau mà còn có tác dụng chống viêm.

Bác sĩ cảnh báo suy thận vì kiểu giảm đau bụng kinh này - Ảnh 3.
Chị em hãy cẩn trọng và tham khảo ý kiến chuyên gia khi dùng thuốc đau bụng kinh (Ảnh minh họa)

Hầu hết các loại thuốc giảm đau không steroid đều do dược sĩ kê đơn, bạn có thể mua trực tiếp sau khi hỏi dược sĩ. Nhưng điều cần đặc biệt lưu ý là loại thuốc này tuy có tác dụng nhanh và mạnh nhưng lại có thể gây hại rất lớn cho thận, gan, tim… cũng như nhiều tác dụng phụ khác. Chỉ một viên thuốc giảm đau không steroid cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng, ảnh hưởng chức năng thận nên cần phải tham khảo ý kiến chuyên gia mới được sử dụng.

Qua trường hợp này, Tiến sĩ Hong muốn một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho chị em phụ nữ về việc lạm dụng thuốc giảm đau bụng kinh. Đồng thời, cũng cảnh báo chúng ta về việc lạm dụng thuốc giảm đau, tự ý sử dụng các loại thuốc không kê đơn mỗi khi mệt mỏi, ốm vặt, cảm lạnh hay sốt… Sức khỏe là vốn quý nhất, đừng để sự thiếu hiểu biết hay cái lợi nhất thời khiến bạn phải cả đời chung sống với chạy thận nhân tạo giống như cô gái trẻ vừa kể trên!

Theo Ngọc Ái (Phụ Nữ Việt Nam)