Đó là trường hợp của Tiểu Lý năm nay 28 tuổi, sống ở Hàng Châu (Trung Quốc), cô luôn lo lắng về ngoại hình của mình, sau một lần thất bại trong chuyện tình cảm, cô cảm thấy mình không được ưa nhìn. Một lần khi xem trên điện thoại, cô thấy vitamin không chỉ tốt cho da mà còn cải thiện khả năng miễn dịch nên rất hào hứng, đã mua các loại vitamin ở hiệu thuốc về uống.
Sau khi cố gắng trong một tuần, cô cảm thấy không có tác dụng gì nên đã tăng liều lượng lên, thay đổi từ 1 viên/ngày lên 8 viên/ngày. Khoảng nửa tháng sau, Tiểu Lý bắt đầu thấy mệt mỏi và uể oải. Cô vội vàng đến bệnh viện, kết quả khám cho thấy chỉ số bilirubin và transaminase của cô cực cao, cô bị xơ gan cổ trướng, chẩn đoán xác định là suy gan và viêm gan B.
Bác sĩ sau khi tìm hiểu thì kết luận Tiểu Lý uống vitamin quá liều gây suy gan.
Bác sĩ cho biết, chế độ ăn uống bình thường có thể đáp ứng đủ lượng vitamin cần thiết cho cơ thể con người, nhưng khi lượng vitamin vượt quá sức chịu đựng của cơ thể, nó sẽ sinh ra độc tính nhất định và gây hại cho gan.
Trong số đó, vitamin A cho người lớn là 3000ug đơn vị hoạt tính retinol tương đương (RAE)/ngày; vitamin D tối đa có thể dung nạp được là 50ug/ngày.
Tuy nhiên, uống 8 viên/ngày của Tiểu Lý rõ ràng là vượt quá tiêu chuẩn nêu trên, gan người tuy có chức năng giải độc nhưng nếu nạp quá nhiều chất độc sẽ gây hoại tử một số lượng lớn tế bào gan và gây suy gan.
Những sai lầm thường gặp khi bổ sung vitamin cho cơ thể
1. Chỉ bổ sung vitamin lúc ốm
Một quan niệm sai lầm phổ biến là bạn chỉ cần bổ sung các loại vitamin như vitamin C hoặc vitamin tổng hợp có chứa kẽm khi bạn thấy không khỏe. Thực tế, bổ sung vitamin thường xuyên có thể giúp bạn ngăn ngừa bệnh ngay từ đầu.
Ngoài vitamin C, kẽm là khoáng chất quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng. Nó thúc đẩy khả năng miễn dịch và giúp cơ thể bạn chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và vi rút. Ngoài việc khuyên bệnh nhân dùng nó để phòng ngừa các bệnh chung, những bệnh nhân dị ứng của tôi cũng được khuyến khích sử dụng vì họ thường dễ bị nhiễm trùng hơn.
Vitamin tổng hợp có thể bổ sung những chất mà bạn bị thiếu hụt. Nhưng bạn cần nhớ rằng bất kỳ loại vitamin tổng hợp nào cũng không thể thay thế cho chế độ ăn uống cân bằng, đủ dinh dưỡng.
2. Không bổ sung vitamin D vì sống ở vùng nhiều nắng
Sống ở khu vực nắng quanh năm khiến một số người tin rằng họ không cần bổ sung vitamin D. Nhưng nghiên cứu khoa học cho thấy ngay cả những người sống ở những vùng nhiều nắng cũng có thể bị thiếu vitamin D.
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo người lớn từ 19 đến 70 tuổi cần khoảng 600 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D mỗi ngày. Nhưng thực tế, một số người có thể cần 5.000 IU, tùy thuộc vào mức cơ thể sử dụng vitamin D. Để có cái nhìn chính xác về cơ thể, bạn cần xét nghiệm máu để xác định chỉ lượng phù hợp với mình. Mỗi người có thể trạng khác nhau, và nhu cầu của họ với những các chất dinh dưỡng bổ sung cũng vậy.
3. Tin rằng bổ sung càng nhiều vitamin càng tốt
Với vô số lựa chọn về vitamin và chất bổ sung, nhiều người nghĩ rằng "càng nhiều càng tốt". Nhưng điều đó không đúng. Không phải lúc nào uống nhiều vitamin cũng tốt. Thực tế cho thấy điều ngược lại, uống vitamin bổ sung quá mức có thể gây nguy hiểm. Vì vitamin mọi người thường sử dụng một cách chủ quan, không theo đơn thuốc của bác sĩ.
Bổ sung thừa vitamin không khiến bạn khoẻ hơn, mà còn làm bạn dễ ốm. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng bổ sung quá nhiều vitamin C, dù là dạng kẹo dẻo hay bột cũng có thể gây co thắt dạ dày, tiêu chảy. Thay vì uống quá nhiều vitamin tổng hợp và các thực phẩm chức năng bổ sung, bạn cần được tư vấn bởi bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để xác định nhu cầu của cơ thể.
4. Không kiểm tra kỹ thành phần của vitamin tổng hợp
Mặc dù vitamin và thuốc bổ sung được bán tại quầy thuốc mà không cần kê đơn, bạn vẫn cần đọc kỹ thành phần của nó.
Theo Healthline, chất lượng của các loại thuốc, thực phẩm bổ sung không phải lúc nào cũng tuân theo các tiêu chuẩn chất lượng như thuốc kê đơn. Vì lý do này, bạn phải đọc kỹ thành phần trên bao bì trước khi mua để đảm bảo bạn mua đúng loại thuốc bổ đạt chuẩn, phù hợp với nhu cầu cơ thể.
5. Không bổ sung axit folic trước khi có thai
Dù mọi người thường bổ sung vitamin mà họ không thực sự cần, nhưng có những trường hợp ngược lại, không bổ sung đủ vitamin mà cơ thể cần. Các tổ chức y tế kêu gọi tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên dùng 400 microgram axit folic mỗi ngày ngoài lượng hấp thụ từ đồ ăn. Bổ sung đủ lượng axit folic và thực hiện chế độ ăn uống đa dạng có thể giúp ngăn ngừa một số dị tật bẩm sinh quan trọng tại não bộ và cột sống của thai nhi.
Axit folic là một loại vitamin giúp giảm tỷ lệ thai nhi bị dị tật ống thần kinh nếu người mẹ bổ sung đầy đủ từ giai đoạn trước thụ thai. Các bác sĩ khuyến nghị rằng tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần bổ sung axit folic, cho dù họ có ý định mang thai ngay bây giờ hay trong tương lai.
6. Uống thuốc được kê đơn cùng vitamin
Vitamin và chất bổ sung thường không cần kê đơn như nhiều loại thuốc. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng luôn an toàn khi dùng cùng với thuốc được kê đơn.
Theo Medical News Today, chúng ta thường có quan niệm sai lầm rằng vitamin là dinh dưỡng tự nhiên được bổ sung, không thể phản ứng với thuốc kê đơn được. Thực tế, trong các viên vitamin bổ sung chứa các hoạt chất ức chế tác dụng của một số loại thuốc. Hậu quả là việc dùng thuốc bổ có thể khiến thuốc mất tác dụng.
Đặc biệt, các chất khoáng như magie, sắt, canxi là nguyên nhân dẫn đến hầu hết các trường hợp gây mất tác dụng của thuốc. Khi dùng thuốc kê đơn, bạn cần hỏi kỹ bác sĩ liệu mình cần kiêng ăn uống loại thực phẩm nào, cũng như có cần thiết phải dừng uống thuốc bổ, vitamin gì không.
7. Uống vitamin tổng hợp có cả canxi và sắt
Như một thói quen, mọi người lựa chọn uống vitamin tổng hợp để không để cơ thể bị bỏ sót chất quan trọng nào. Nhưng tương tự như trường hợp vitamin và thuốc kê đơn, các loại vitamin và khoáng chất cũng có thể phản ứng với nhau. Rất nhiều người không biết đến những phản ứng này, phổ biến nhất là canxi và sắt, không thể dùng cùng với nhau. Nếu trong thành phần của loại thực phẩm bổ sung bạn dùng có cả canxi và sắt, rất có thể bạn không hấp thụ được hết lượng sắt mà nhà sản xuất ghi trên nhãn.
Đồng nghĩa rằng, nếu cơ thể bạn thiếu sắt, hãy bổ sung sắt và canxi vào hai thời điểm khác nhau trong ngày. Nếu uống viên thuốc tổng hợp có cả canxi và sắt, canxi sẽ cản trở cơ thể hấp thụ sắt. Nhưng ngược lại, một số loại vitamin có thể kết hợp với nhau, tăng cường khả năng hấp thụ. Ví dụ như khi bạn uống sắt cùng với vitamin C.
Hãy để ý các dấu hiệu của cơ thể và nhận tư vấn từ chuyên gia, bác sĩ dinh dưỡng để có thể lên kế hoạch bổ sung vitamin, chất khoáng hợp lý cho cơ thể bạn.
PN (Nguoiduatin.vn)