Vừa qua, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn đã bóc thành công khối u nằm sâu trong vùng cổ cho chị LTU, 26 tuổi. Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khàn tiếng, giọng nói bị đứt hơi với khối u vùng cổ bên phải. Chị U. cho biết phát hiện khối u này đã 4 năm, đi khám nhiều nơi nhưng được chẩn đoán là hạch cổ.
Tại đây, các bác sĩ đã chụp MRI và cho kết quả khối u của chị là u bao dây thần kinh C2 – C3 bên phải, xâm lấn thành họng bên phải. Lúc này, khối u có đường kính 6cm.
Đánh giá đây là ca bệnh nguy hiểm, nếu để kéo dài thì khối u phát triển sẽ gây khó thở, tổn thương thần kinh thanh quản và người bệnh sẽ bị mất giọng nói, các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng và phẫu thuật thần kinh đã quyết định thực hiện phẫu thuật cho chị U.
Sau ca mổ, chị U. đã được bóc hết khối u, bảo tồn được dây thần kinh, nơi xuất phát của khối u vì u chỉ chèn ép mà không xâm lấn dây thần kinh, giọng nói trở lại bình thường và xuất viện sau đó 4 ngày.
Theo ThS.BS Nguyễn Thế Trúc, Chuyên khoa Ngoại Thần kinh BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, bình thường bệnh u bao dây thần kinh sẽ xâm lấn tủy, tuy nhiên đây là trường hợp đặc biệt khi u xâm lấn ra ngoài. Vị trí xuất hiện khối u bao dây thần kinh có thể ở lưỡi, họng, khoang bên họng, tiền đình thanh quản, hạch giao cảm cổ, nhánh thần kinh V1, V2.
Khối u có vỏ bao rõ ràng, hình cầu hoặc hình bầu dục, mật độ thay đổi dạng nang mềm hoặc cứng chắc.
Điều trị khối u bao dây thần kinh chủ yếu là phẫu thuật, tiên lượng sau mổ tốt là do các khối u này thường có lớp vỏ bao rõ ràng. Tuy nhiên, vị trí khối u lại thường ở sâu, sát nền sọ, sát với các mạch máu lớn và thần kinh khác nên việc chọn đường vào khối u phải rất cẩn thận.
Bác sĩ Trúc khuyến cáo, với những bệnh nhân phát hiện u, hạch ở cổ, tuy không gây đau và khó chịu thì cũng không nên chủ quan, cần đi thăm khám chuyên sâu, chụp CT và/hoặc MRI để đánh giá, chẩn đoán bệnh và điều trị sớm, tránh để lại những di chứng lâu dài.
Theo Gia Nghi (Pháp Luật TPHCM)