Cô gái Phú Thọ ngộ độc thuốc gây tê nhổ răng

21/04/2018 15:27:31

Bệnh nhân 28 tuổi, sau khi gây tê bằng thuốc để nhổ răng thì xuất hiện tình trạng đau đầu, tức ngực, khó thở, ý thức giảm dần...

Nữ bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ). Các bác sĩ cho biết, tại phòng cấp cứu, bệnh nhân lơ mơ, phản ứng rất chậm, tim nhịp rời rạc, mạch dao động rất thấp 35-45l một phút, huyết áp 110/70 mmHg.

Chẩn đoán nhanh bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê, ngay lập tức bác sĩ Nguyễn Hoài Nam chỉ định truyền tĩnh mạch thành dòng nhũ dịch Lipofudin 20% với tác dụng cấp cứu giải độc nhanh.

Cô gái Phú Thọ ngộ độc thuốc gây tê nhổ răng
Ảnh minh họa

Một phút sau truyền, nồng độ bão hòa oxy máu tăng lên 95% ,bệnh nhân có dấu hiệu hồi tỉnh, có thể phản ứng khi được gọi, nhịp tim ổn định, không cảm thấy khó thở và tức ngực. Sau 10 phút, bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, các triệu chứng khó chịu không còn. Tim nhịp đều, huyết động ổn định.

Theo các bác sĩ, thuốc tê là một loại thuốc được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện, các chuyên khoa như Răng hàm mặt, sản khoa... cũng như các phòng khám tư nhân. Ngộ độc thuốc tê là một biến chứng hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm, khi bị ngộ độc nếu không được xử trí kịp thời thì tỷ lệ tử vong rất cao, nếu có cứu sống được thì chi phí điều trị là rất lớn.

Ngộ độc thuốc tê là tình trạng độc tính thuốc tê ảnh hưởng lên toàn thân, nổi trội ở hệ thần kinh trung ương và hệ tuần hoàn. Những triệu chứng ngộ độc ở hệ thần kinh trung ương bao gồm các biểu hiện kích thích từ nhẹ đến nặng như bứt rứt, khó chịu, nhìn đôi, thay đổi vị giác, nói nhảm, co giật nhóm cơ ở vùng đầu mặt cổ, co giật toàn thân; hoặc ức chế (lơ mơ, giảm đáp ứng, ngủ gà, thậm chí hôn mê).

Các triệu chứng ngộ độc thuốc tê ở hệ tuần hoàn bao gồm biểu hiện kích thích trong giai đoạn đầu như huyết áp tăng , tim đập nhanh, vã mồ hôi. Biểu hiện ức chế trong giai đoạn muộn như nhịp tim chậm, rối loạn dẫn truyền thần kinh tim, huyết áp tụt và nặng nhất là ngưng tuần hoàn.

Khi bệnh nhân có các biểu hiện ngộ độc, cần ngưng ngay lập tức việc tiêm thuốc tê và xử lý theo phác đồ điều trị với biện pháp ưu tiên hàng đầu là truyền tĩnh mạch dung dịch nhũ tương lipid 20%. Vì vậy, mỗi nhân viên y tế cần trang bị tốt cho mình kiến thức về xử trí ngộ độc thuốc tê.

Theo Lê Nga (VnExpress.net)