Theo Sina, cô gái người Trung Quốc được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn 2 khi mới 28 tuổi. Ban đầu, khi nhận được kết quả này, cô rất sốc và thất vọng. Với sự động viên của người thân và bạn bè, cô đã mạnh mẽ chống chọi với căn bệnh suốt hơn 10 năm qua. Bệnh nhân này chia sẻ cô sẽ không bao giờ quên nỗi đau của hóa trị và sự vất vả mà bản thân đã phải trải qua.
Bác sĩ nhận định nguyên nhân chính khiến cô mắc bệnh khi còn rất trẻ là do ảnh hưởng từ thói quen sinh hoạt, ăn uống. Sau khi tốt nghiệp đại học và có một khoảng thời gian thất nghiệp, do muốn tiết kiệm tiền, cô gái không nỡ đem đồ ăn để lâu trong tủ lạnh vứt đi vì sợ lãng phí.
Bác sĩ La Huỳnh Thuyên, Phó trưởng khoa bệnh viện Tương Nhã số 2, Đại học Trung Nam, Trung Quốc, chỉ ra ba loại thực phẩm không nên để lâu trong tủ lạnh, khi ăn có thể sinh bệnh, thậm chí là nguyên nhân gây ung thư rất cao:
- Các loại thực phẩm chính giàu tinh bột như gạo, lúa mì, ngô, bánh mì… nếu để trong tủ lạnh lâu ngày sẽ dễ bị mốc, sinh ra chất độc tố aflatoxin mà mắt thường không nhìn thấy có thể dẫn đến ung thư.
- Các loại hạt: Quả óc chó, hạnh nhân, lạc, hạt dưa… cũng là những loại thực phẩm dễ gây nấm mốc, để lâu ngày trong tủ lạnh khi ăn sẽ gây hại cho sức khỏe.
- Hải sản sống như tôm, cua, mực… được bảo quản quá lâu trong ngăn lạnh sẽ làm mất đi một lượng lớn protein, mất chất dinh dưỡng. Đồng thời sinh ra các chất độc hại như amoniac, hydro sunfua có thể gây ngộ độc sau khi ăn.
Phòng ngừa ung thư, hãy biết cách sử dụng tủ lạnh
Để yên tâm sử dụng tủ lạnh, chúng ta cần lưu ý:
- Giữ tủ lạnh sạch sẽ: Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, ít nhất mỗi tháng một lần. Mỗi lần lấy thức ăn đều phải lau sạch cặn và nước thải.
- Phân loại thức ăn: Ví dụ, tốt nhất nên bảo quản rau, trái cây và thịt riêng biệt, tránh nguy cơ nhiễm khuẩn chéo.
- Đừng đợi đồ nguội mới để tủ lạnh: Nếu bạn muốn tiết kiệm thức ăn thừa, hãy đặt trực tiếp các món đang còn ấm nóng vào tủ lạnh để giảm khả năng sinh sản của vi khuẩn. Sau khi lấy thức ăn thừa nên hâm nóng lại khi ăn.
Theo Thủy Tiên (VietNamNet)