Chắc hẳn ai cũng từng bị cha mẹ đôi lần nhắc nhở về chuyện không cắn móng tay. Không phải tự nhiên mà cha mẹ ngăn cấm chúng ta cắn móng tay, tất cả đều có lý do của nó.
Mới đây, trang The Sun đưa tin trường hợp một sinh viên, Courtney Whithorn, phải cắt bỏ ngón tay cái của mình vì nó phát triển một loại ung thư hiếm gặp được cho là có liên quan đến việc cắn móng tay của chính cô. Courtney Whithorn bắt đầu cắn móng tay của mình khi cô bị bắt nạt ở trường lúc 16 tuổi. Thật không may, thói quen cắn móng tay này của cô ngày càng trở nên xấu đi và vào năm 2014, cô thậm chí cắn toàn bộ móng ngón tay cái và nó không bao giờ mọc lại được nữa. Và mọi chuyện bắt đầu từ đó.
Sau khi mất móng ngón tay cái, cô không dám khoe ngón tay đó ra nữa. Cô luôn nắm tay thành nắm đấm để che giấu nó trước tất cả mọi người, kể cả cha mẹ mình. Tình trạng này kéo dài trong suốt 4 năm và ngón tay của cô dần chuyển sang màu đen.
Vào tháng 7/2018, khi da tay của cô bắt đầu chuyển sang màu đen nên cô đã cho bố mẹ xem lần đầu tiên.
"Tôi đã đến gặp bác sĩ vì da của tôi bắt đầu chuyển sang màu đen nhưng tôi đã đi vì lý do thẩm mỹ và bác sĩ của tôi đã giới thiệu tôi đến một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng trước khi phẫu thuật, họ đã thấy có gì đó sai sai nên đã quyết định làm sinh thiết", Courtney nói.
Tuy nhiên, các bác sĩ không thể chắc chắn liệu kết quả sinh thiết có phát hiện ung thư hay không, vì vậy, 6 tuần sau cô được chuyển đến khám với một chuyên gia ở Sydney.
"Họ đã làm nhiều xét nghiệm hơn và khi những kết quả đó được trả về, tôi được cho biết đó là một khối u ác tính ác tính hiếm gặp, đặc biệt đối với một người ở độ tuổi của tôi và kích thước khối u như vậy là quá lớn", Courtney cho biết.
Courtney được chẩn đoán bị u ác tính dưới móng, có thể là do chấn thương nghiêm trọng khi cô cắn hết móng tay.
"Khi tôi phát hiện ra rằng thói quen cắn móng tay của mình là nguyên nhân gây ung thư, tôi đã cảm thấy rất đau lòng. Rõ ràng là tôi đã rất sốc tôi vì không thể tin được còn mẹ tôi chỉ bật khóc", cô nói.
U ác tính ở vùng móng (ALM) là một loại u ác tính - một dạng ung thư hắc tố da khi các tế bào da trở nên ung thư. Điều này xảy ra khi da bị nhiễm trùng (ác tính)
Từ khi được chẩn đoán, Courtney trải qua 4 ca phẫu thuật với hy vọng có thể cứu ngón tay cái của cô nhưng rốt cuộc cô vẫn buộc phải cắt bỏ nó vào tuần trước vì vẫn còn những tế bào ung thư trên da. Đó là phương sách cuối cùng. Trước đó, Courtney đã đến gặp 2 bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, và họ đã nghĩ đến việc tháo móng tay của cô để đặt một miếng ghép da lên đó. Tuy nhiên, họ nhận thấy có điều gì đó không ổn nên đã cho cô làm sinh thiết.
Hiện tại, Courtney đang sống ở Gold Coast, Úc, phải trì hoãn việc học tại Đại học Griffiths để tập trung vào sự chữa bệnh của mình. Niềm đam mê viết lách của Courtney sẽ bị ảnh hưởng vì ngón tay cái của cô bị cắt cụt từ phía trên khớp ngón tay. Cô cũng vẫn đang chờ đợi kết quả của cuộc phẫu thuật tuần trước để xem có đúng là cô có các tế bào ung thư hãy không.
"Tôi vẫn đang chờ kết quả từ cuộc phẫu thuật tuần trước và nếu nó rõ ràng thì bác sĩ phẫu thuật sẽ theo dõi tôi trong 5 năm tới và tôi sẽ được chụp chiếu và làm xét nghiệm máu thường xuyên", Courtney giải thích.
Bệnh ung thư tế bào hắc tố melanoma trên móng hay còn được gọi là u hắc tố dưới móng (subungual melanoma) là một căn bệnh hiếm của ung thư da có thể gây chết người.
Ung thư hắc tố là gì?
Ung thư hắc tố là dạng ung thư da nguy hiểm nhất. Tế bào ung thư phát triển khi các tổn thương DNA không được sửa chữa gây tổn hại tới tế bào da.
Nguyên nhân dẫn đến ung thư hắc tố
Ung thư hắc tố thường do bức xạ tia cực tím từ ánh nắng mặt trời và việc nhuộm da dẫn đến kích thích những đột biến làm cho tế bào da nhân lên nhanh chóng và hình thành các khối u ác tính.
Những khối u này bắt nguồn từ các tế bào melanocyte sản sinh sắc tố ở lớp đáy biểu bì. U hắc tố thường giống nốt ruồi; một số phát triển từ nốt ruồi. Ung thư hắc tố chủ yếu do sự tiếp xúc cường độ cao với tia cực tím (thường dẫn đến cháy nắng), đặc biệt là ở những người dễ mang gen bệnh.
Dấu hiệu nhận biết ung thư hắc tố
U hắc tố thường giống nốt ruồi; một số phát triển từ nốt ruồi. Phần lớn các u hắc tố có màu đen hoặc nâu, nhưng cũng có thể là màu da, hồng, đỏ, tím, xanh hoặc trắng.
Những dấu hiệu bệnh đầu tiên có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều nốt ruồi không điển hình. Đó là lý do tại sao việc nhận ra các thay đổi của nốt ruồi là vô cùng quan trọng.
Nếu bạn nhận thấy một hoặc nhiều dấu hiệu sau, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
A: Asymmetrical/ Tính bất đối xứng
Nốt ruồi lành tính có dạng đối xứng. Nếu bạn vẽ một đường thẳng qua tâm, nó sẽ chia nốt ruồi thành hai phần bằng nhau. Nếu bạn vẽ một đường thẳng qua nốt ruồi bất thường, hai nửa sẽ tạo hai phần không đối xứng – chính là một dấu hiệu cảnh báo cho khối u ác tính.
B: Borders/ Đường viền
Một nốt ruồi lành tính có bề mặt và viền nhẵn. Trong khi đó, viền của một khối u hắc tố ác tính ở giai đoạn đầu có xu hướng không đồng đều, thường có dạng vỏ sò hoặc có các khe hình chữ V.
C: Color/ Màu
Hầu hết các nốt ruồi lành tính có màu đồng đều - thường là màu nâu. Nốt ruồi nhiều màu là một tín hiệu cảnh báo. Một số sắc thái khác nhau của màu nâu, chàm hoặc đen có thể xuất hiện. Khối u hắc tố cũng có thể chuyển thành màu đỏ, trắng hoặc màu xanh.
D: Diameter/ Đường kính
Nốt ruồi lành tính thường có đường kính nhỏ hơn so với những khối u ác tính. Đường kính u hắc tố thường lớn khoảng ¼ inch hoặc 6mm, nhưng đôi khi chúng trông nhỏ hơn khi phát hiện sớm.
E: Evolving/ Phát triển (mở rộng)
Thông thường, nốt ruồi lành tính không biến đổi theo thời gian. Hãy cảnh giác khi một nốt ruồi bắt đầu phát triển hoặc thay đổi theo bất kỳ cách nào. Những thay đổi về kích thước, hình dạng, màu sắc, độ cao, hoặc các triệu chứng như chảy máu, ngứa hoặc đóng vảy đều là những dấu hiệu nguy hiểm.
Theo X.T (Helino)