Chuyện khó tin nhưng có thật: Con gái mới 4 tuổi đã bị viêm phụ khoa

04/12/2019 20:01:09

Hầu hết các mẹ chỉ quan tâm làm sao để bé hay ăn chóng lớn, thông minh, học giỏi mà chủ quan, ít chú trọng vấn đề vệ sinh vùng kín cho con gái.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều bé chỉ mới 3-7 tuổi đã bị viêm nhiễm vùng kín. Và nếu không biết cách vệ sinh cho con trước tuổi dậy thì, rất có thể con gái của bạn cũng có thể mắc bệnh phụ khoa.

Ngày nào cũng tắm rửa, con vẫn mắc bệnh phụ khoa

Cách đây 1 tháng, chị Ly (quận Thủ Đức) thấy con gái 4 tuổi thường xuyên đưa tay vào chỗ kín gãi liên tục, kiểm tra thì chị thấy quần lót con có dịch màu xanh, vùng kín nổi mụn. Do nghĩ rằng con nhỏ không thể bị viêm nhiễm phụ khoa như người lớn nên chị áp dụng biện pháp vệ sinh bằng lá trầu không và chè xanh.

Đến khi tình trạng con nặng hơn, vùng kín tấy đỏ, có "mùi" khó chịu, chị mới cho con đến bác sĩ thăm khám thì bé đã bị viêm nhiễm âm đạo dạng nặng và có dấu hiệu viêm nhiễm vào sâu bên trong. Lúc này chị Lan mới hối hận vì sự sơ suất, chủ quan của mình "ngày nào tôi cũng tắm rửa cho cháu, làm sao có thể nghĩ rằng cháu lại mắc bệnh phụ khoa như người lớn được" – chị Ly chia sẻ.

Tương tự chị Ly, chị Đài (quận Bình Thạnh) là một người mẹ xinh đẹp, được nhiều người biết đến trên mạng xã hội bởi gu ăn mặc thời trang. Chị Đài cũng vô cùng thích làm đẹp cho cô con gái 7 tuổi của mình. Chị thường lên mạng tìm mua cho con gái nhiều loại váy công chúa và quần tất bó sát cơ thể để con gái mỗi ngày đến trường hay khi đi học múa mặc một bộ khác nhau. 

Cuối tháng 11 vừa qua, chị Đài phải đưa con gái đến bệnh viện Nhi Đồng khám vì cả tuần nay con chị kêu "cô bé" bị ngứa ngáy râm ran khó chịu như có con gì bò bò vậy nhưng chị kiểm tra thì chẳng thấy gì, sau chị để ý quần lót thì thấy đáy quần lót của bé ra nhiều dịch vàng. Lúc đầu chị nghĩ 1-2 ngày sẽ khỏi nhưng đến 5 hôm bé vẫn kêu ngứa y như vậy chị phải đưa con đi khám, kết quả bác sĩ thông báo con chị bị nấm. Chị Đài vô cùng sốc.

Chuyện khó tin nhưng có thật: Con gái mới 4 tuổi đã bị viêm phụ khoa
Bộ phận sinh dục bé gái hoàn thiện chậm chưa được như người lớn, nhưng nhu cầu vệ sinh, chăm sóc cần phải chú ý hơn (ảnh minh họa).

Theo bác sĩ, tiến sĩ Lê Thị Thu Hà - Trưởng khoa Sản N1, Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) thì trường hợp các bé gái mắc bệnh phụ khoa sớm là không phải là hiếm hay đặc biệt: "Mọi người đều nghĩ chỉ có phụ nữ lớn tuổi, có gia đình, sinh con hay chí ít là lứa tuổi hành kinh thì mới bị viêm nhiễm sinh dục. Ít ai nghĩ rằng bé gái nhỏ từ 3 đến 7 tuổi lại bị viêm vùng kín. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít trường hợp bé gái bị ngứa rát vùng kín, tiểu đau, ra dịch hôi ở vùng nhạy cảm này. Và cũng vì những triệu chứng ngứa, rát, đau này đã làm cho bé khó ngủ, ăn kém và quấy khóc".

TS.BS Lê Thị Thu Hà nêu một số nguyên nhân dẫn đến bé gái bị mắc bệnh "vùng kín" thường gặp như: do bé ngồi trên bề mặt dơ bẩn như nền đất, bé tiểu ở nơi không sạch và những giọt nước tiểu rơi xuống và văng ngược lại vùng kín; do trẻ mặc tã cả ngày không thay mới và không thường xuyên rửa vùng kín; người trông trẻ không rửa sạch tay trước khi chăm sóc vùng kín của bé. Ngoài ra, cũng có thể do nguồn nước dùng bị nhiễm bẩn, sau khi đi đại tiện thì lau ngược chiều từ sau tới trước hay là việc mặc quần lót chật … khi ngứa bé lại dùng tay gãi hoặc chà xát vùng kín đều có thể gây nên viêm nhiễm vùng kín.

Chuyện khó tin nhưng có thật: Con gái mới 4 tuổi đã bị viêm phụ khoa - 1
TS.BS Lê Thị Thu Hà - Trưởng khoa Sản N1, Bệnh viện Từ Dũ.

Cách chăm sóc vùng kín của bé gái

Từ trước đến nay, khái niệm "vệ sinh vùng kín" chỉ được dùng cho phụ nữ trưởng thành, những người có gia đình và đang trong độ tuổi sinh sản, nhưng theo các chuyên gia sản phụ khoa trẻ em cần được quan tâm đặc biệt.

Bộ phận sinh dục bé gái hoàn thiện chậm chưa được như người lớn, nhưng nhu cầu vệ sinh, chăm sóc đều như nhau, thậm chí cần phải chú ý hơn tới khâu vệ sinh vùng kín ở bé gái.

Để vùng kín của bé luôn sạch và thoáng, theo BS. TS Lê Thị Thu Hà, các mẹ cần chăm sóc đúng cách:

Ngoài việc tắm gội cho bé mỗi ngày, các mẹ cần rửa vùng kín bằng nước sạch sau mỗi lần bé đi tiêu, tiểu, sau đó thấm khô. Vệ sinh từ đằng trước ra đằng sau để tránh sự lây truyền những loại vi khuẩn từ hậu môn lan ra âm đạo.

Vệ sinh sạch phòng ở hoặc nơi vui chơi của bé. Mặc quần chíp sạch thường xuyên (nên mặc đồ lót vừa, chất liệu cotton thoáng và dễ hút mồ hôi) và thay mới nếu ướt hoặc bẩn.

Cho bé ăn đủ chất, uống nhiều nước. Hướng dẫn bé tự vệ sinh hoặc báo người thân vệ sinh giúp khi đi tiêu, tiểu.

Không dùng xà phòng vệ sinh vùng kín của bé vì sẽ tiêu diệt các vi khuẩn có lợi làm nhiệm vụ bảo vệ. Ngoài ra, các mẹ cũng không nên dùng nước muối loãng, dung dịch vệ sinh phụ nữ (trừ khi có chỉ định của bác sĩ).

Không nên vệ sinh vùng kín của con bằng nước lá trầu không, chè xanh

Khi thấy vùng kín của con gái bị hăm đỏ và có mùi hôi do đóng bỉm nhiều, hoặc đến trường cô vệ sinh chưa được tốt do một cô chăm nhiều bé, nhiều mẹ thường áp dụng phương pháp dân gian như ngâm rửa bằng lá trầu không hoặc chè xanh.

Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà thì lá chè xanh và lá trầu không đều có tính sát khuẩn tuy nhiên các mẹ không nên tự ý mua lá về nhà nấu và rửa cho bé. Điều này có thể gây hại hơn là lợi vì những lý do sau: Thứ nhất, các cây này được trồng như thế nào, có phun thuốc trừ sâu không, có bị nhiễm bụi, khói và các độc chất từ môi trường không? Thứ hai là dùng liều lượng như thế nào, cách sử dụng sao cho hiệu quả?.

Chính việc sử dụng nguyên liệu không đảm bảo, các loại lá này có tính sát khuẩn rất mạnh, khó xác định nồng độ chuẩn khi pha loãng, gây mất cân bằng pH âm đạo có thể gậy hậu quả bệnh nặng hơn cho các bé. Tốt nhất, các phụ huynh nên đưa con đến bác sĩ chuyên khoa để điều trị phù hợp. Và sau khi bé đã ổn định thì mẹ có thể vệ sinh vùng kín cho bé đúng cách để tránh tái phát.

Theo Kim Vân (Giadinh.net.vn)

Nổi bật