Trong trường hợp nơi bạn đang sống có người nghi phơi nhiễm với người mắc Covid-19 , bạn đã biết mình cần làm những gì để bảo vệ sức khỏe của bản thân hay chưa? Thông tin mới đây từ ông Lê Trung Kiên - Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, được đăng tải trên trang Lá chắn Virus Corona sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này.
Trưa nay, tôi phải hối hả chạy về họp cùng chính quyền và ban quản lý chung cư để bàn các kế hoạch, phương án. Dù quyết liệt, nhưng phải cảm ơn vì ban quản lý chung cư và cư dân hết sức tuân thủ, ủng hộ.
Nhân đây xin chia sẻ với các anh, chị đang ở chung cư khác. Chúng ta phải làm gì khi chung cư, tòa nhà chúng ta đang ở có người nghi phơi nhiễm với người mắc Covid-19.
Bình tĩnh, đừng bỏ chạy
Các bạn ạ, nếu chẳng may bạn rơi vào tình huống như chúng tôi, việc đầu tiên chúng ta phải làm là: "Bình tĩnh, đừng bỏ chạy".
Nếu bạn vội vã bỏ chạy, vội vã di chuyển tới nơi khác chưa có các ca phơi nhiễm, thì biết đâu bạn đem nguy cơ đi xa hơn, vượt tầm kiểm soát và chính bạn đã làm lây lan nó cho người thân yêu, cho họ hàng quê quán của mình.
Việc bạn nên làm tốt nhất lúc này là "ở yên đó", thực hiện đúng các hướng dẫn của ban quản lý chung cư, của cơ quan y tế, bạn sẽ an toàn.
Đây là những gì chúng tôi đã làm tại chung cư nơi tôi sống, một vài kinh nghiệm thực tế đã được thực hiện. Nếu nơi bạn sống cũng có người phơi nhiễm với người nhiễm Covid-19, hi vọng nó sẽ hữu ích.
Làm gì khi chung cư có người phơi nhiễm với người mắc Covid-19?
Về phía chung cư, ngay khi phát hiện có người phơi nhiễm sống tại tòa nhà, cần phải thành lập ngay "Ban Chỉ đạo Chung cư", phân công rõ ràng ai chịu trách nhiệm, ai thực hiện, quy trách nhiệm rõ ràng, phải giám sát việc thực hiện với tinh thần: "Chống dịch như chống giặc".
Ban chỉ đạo Chung cư cần phối hợp, hợp tác với phường, cơ quan y tế và các đơn vị chức năng lên các phương án, tình huống, các biện pháp cách ly, xe cứu thương vào, xe phun phòng dịch vào, cách ly tầng, cách ly chung cư, danh sách từng hộ, danh sách đội nhân viên tòa nhà thật chi tiết. Thậm chí phân luồng thang máy, kiểm soát hầm xe, lối thoát hiểm đều cần được đưa ra phương án.
Điều tra dịch tễ tại nơi bạn sống, xác định xem những người phơi nhiễm ở nhóm F mấy là vô cùng quan trọng. Do vậy, bạn hãy thành thật, bạn tiếp xúc với ai, tiếp xúc thời gian nào, tiếp xúc với người phơi nhiễm hay người nhà của người phơi nhiễm... Hãy thông tin thật cụ thể, chi tiết, đừng để cán bộ Y tế cơ sở phải hỏi xin tư vấn. Việc này sẽ giúp khoanh vùng sớm, bảo vệ bạn an toàn.
Khi phát hiện có người phơi nhiễm chính quyền và y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm ngay, khử khuẩn căn hộ. Ban quản lý chung cư cũng phải khử khuẩn tất cả các vị trí, nơi tiếp xúc sảnh, thang máy, các tay nắm cửa, các khu vực có tiếp xúc, di chuyển của người nghi nhiễm. Hạn chế tối đa việc ra vào tòa nhà.
Thực tế có thể thấy việc ra quyết định cách ly một số địa phương rất hành chính. Cần phải gây sức ép mới quyết liệt. Xin hãy đẩy nhanh việc này, kẻo người được cách ly đã đi đâu đó.
Yêu cầu phát loa, chia sẻ thông tin, động viên và ủng hộ những người cách ly, hỗ trợ yêu cầu sinh hoạt tối thiểu để người cách ly không đi ra khỏi căn hộ. Rác thải của căn hộ cách ly được coi là rác thải y tế, phải kiểm soát, khử khuẩn đúng quy trình.
Kiểm soát camera, người ra vào, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đo nhiệt độ. Ai không chấp hành mời ra, phân công trực 24/24, giám sát an ninh, vệ sinh tòa nhà liên tục.
Theo Gà (Báo Dân Sinh)