Xuất huyết não vì thần dược
Mới đây nhất, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương đã cấp cứu cho trường hợp xuất huyết nội tạng vì sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn phòng đột quỵ. Các bác sĩ đều cho rằng, đây không phải là trường hợp hiếm trong chuyên ngành cấp cứu hồi sức.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn M. 64 tuổi, tạm trú tại Thanh Trì, Hà Nội. Ông M từ quê lên sống cùng vợ chồng con trai ở ven đô Hà Nội. Ông M. thường bị huyết áp cao và vẫn uống thuốc huyết áp đều đặn.
Khoảng 10 năm trước, ông M. đã bị đột quỵ 1 lần nhưng ở thể nhẹ nên cấp cứu thành công, chỉ để lại di chứng đi hơi cà nhắc sau đó ông phục hồi chức năng và đi lại dần như người thường.
Từ ngày thoát khỏi cơn đột quỵ, lúc nào ông M. cũng lo lắng có thể bị tái lại lần thứ hai. Nhiều lần ra quán nước ngồi nói chuyện với các ông bà về hưu thấy họ hay nói tới An cung ngưu hoàng hoàn nên ông M. cũng muốn mua cho mình một viên để bỏ túi phòng thân.
Cách đây 10 ngày, ông M. lên cơn tăng huyết áp, huyết áp lên tới 220/170 . Con trai ông thấy bố có dấu hiệu huyết áp tăng đột biến, khó thở kèm theo đầu đầu nên đã nhanh chóng lấy một viên An cung ngưu hoàng hoàn cất trong tủ cho bố uống và tham khảo ý kiến một người quen là y sĩ từ cơ quan cũ của ông M ở Quảng Ninh.
Được hướng dẫn nằm nghỉ ngơi 3 – 4 tiếng, ông M nằm nghỉ nhưng cơn đầu đầu dữ dội ập đến kèm theo cảm giác một bên người yếu hơn, nôn ói nên gọi xe cứu thương để đưa ông M. vào cấp cứu.
Khi đến viện, dù được cấp cứu nhưng do xuất huyết não nặng nên ông M. không có dấu hiệu phục hồi. Ông nằm viện 3 hôm và gia đình xin đưa ông về quê ở Uông Bí, Quảng Ninh và qua đời tại nhà.
Điều khiến gia đình ông đau đớn nhất là, nếu ông không sử dụng An cung ngưu có thể không bị xuất huyết não, theo lời bác sĩ khuyến cáo.
Tại Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân nam 74 tuổi ở Hà Nội có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, bị đột quỵ, liên quan tới sử dụng An cung ngưu.
Người nhà cho biết đã mua mấy hộp An cung ngưu hoàng hoàn về cho bệnh nhân sử dụng để ngừa tai biến, nâng cao sức khỏe. Sau nửa tháng uống thuốc, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng chảy máu mũi, miệng, chân răng, giãn đồng tử, phải mở khí quản để thở. Xét nghiệm cho thấy ông bị rối loạn đông máu. Các bác sĩ nghi ngờ có thể do bệnh nhân sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn phòng bị đột quỵ.
Không phải thần dược của đột quỵ
PGS Nguyễn Hoài Nam – Giảng viên trường đại học Y dược TP.HCM, tổng thư ký hội tim mạch học TP.HCM cho biết, An cung ngưu hoàng hoàn chỉ là thực phẩm chức năng. PGS Nam cho biết, đến nay chưa rõ tác dụng của loại sản phẩm này đặc biệt đối với phòng đột quỵ.
Theo khuyến cáo, An cung ngưu hoàng hoàn chỉ có tác dụng trong đột quỵ với tai biến cục máu đông, tắc mạch máu não để chống đông máu. Còn với đột quỵ dạng xuất huyết não thì sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn càng làm cho tình trạng xuất huyết não tồi tệ hơn.
Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 trên thế giới, còn ở VN đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ nhất. Đồng thời đột quỵ cũng là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu.
Như vậy, nếu nặng thì đột quỵ sẽ gây tử vong, nếu nhẹ và vượt qua được sẽ bị tàn phế. Trường hợp nặng có thể nằm một chỗ hoặc sống đời sống thực vật. Còn nhẹ hơn nữa thì đi lại yếu, nói năng không bình thường, không thể làm lại công việc cũ.
Có lẽ vì thế mà người ta sợ đột quỵ với những "cái chết bất ngờ" nên họ sẵn sàng "thủ" cho mình 2 – 3 viên An cung ngưu hoàng hoàn để phòng đột quỵ.
PGS Nam khuyến cáo, khi có dấu hiệu đột quỵ, bệnh nhân chưa xác định được do xuất huyết não hay do tắc mạch máu não đã vội sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn thì rất nguy hiểm.
Hơn nữa, khi bị đột quỵ người bệnh bắt đầu có rối loạn chức năng nuốt, đặc biệt một số trường hợp đột quỵ nặng bệnh nhân có tri giác lơ mơ hoặc hôn mê…
Do vậy, khi cho uống (nước hoặc thuốc) rất dễ làm bệnh nhân sặc và gây ra tình trạng viêm phổi do hít sặc, thường có hậu quả rất nặng nề và có thể dẫn đến tử vong.
Ở Việt Nam trong những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc đột quỵ tăng đáng kể, với tính chất bệnh lý đòi hỏi phải chẩn đoán nhanh, chính xác và bác sĩ có quyết định đúng, kịp thời... mới có thể cứu sống được bệnh nhân và giúp họ hồi phục sức khỏe và giảm tỷ lệ tàn phế.
Chính vì thế, người thân của bệnh nhân không nên tự cấp cứu bằng các cách uống thuốc hay bất cứ thứ gì thay vào đó nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế.
Các chuyên gia khuyến cáo, người mắc bệnh mãn tính cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp, mỡ máu, đường huyết, stress, giữ cân nặng hợp lý, tập thể dục thể thao thường xuyên.
Đặc biệt, tránh lạm dụng rượu bia bởi nếu uống nhiều trong thời tiết giá lạnh khiến chất cồn lưu lại trong máu lâu do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm khiến huyết áp tăng cao, dễ dẫn tới đột quỵ.
Theo Ngọc Anh (Soha/ Trí Thức Trẻ)