Sau tiêm filler, ngực người phụ nữ Hà Nội phình to gấp đôi, được báo cáo chảy mủ, hoại tử
Một phụ nữ 32 tuổi (Hà Nội) sau khi tiến hành tiêm filler ở ngực đã khiến ngực to gấp đôi, đi kèm nhiều mủ và vô cùng đau đớn. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để thăm khám và điều trị. 2 tuần trước đó, bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng sau khi tiêm chất làm đầy ngực tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân.
Theo chia sẻ, người phụ nữ bị chảy xệ ngực, ngực teo nhỏ sau sinh nên rất tự ti, liền giấu chồng đi phẫu thuật nâng ngực bằng cách tiêm filler ở một cơ sở thẩm mỹ. Tuy nhiên, tai họa biến chứng ập đến khiến bệnh nhân vô cùng sợ hãi.
Khi thăm khám, bác sĩ phát hiện lỗ rò ở ngực bệnh nhân chảy mủ liên tiếp. Kết quả cấy mẫu mủ xác định bệnh nhân bị nhiễm một loại vi trùng do quá trình tiêm filler không đảm bảo vô trùng. Để điều trị, ngoài dùng kháng sinh, bệnh nhân được nhân viên y tế nặn ép mủ 2 lần mỗi ngày.
Ngoài ngực, chị em cũng tuyệt đối không được tiêm chất làm đầy vào mũi và cằm.
Tiêm filler nâng ngực, tiến sĩ phẫu thuật thẩm mỹ khuyến cáo thật sự không nên!
Theo TS Nguyễn Huy Thọ (Nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), chị em tuyệt đối không nên tiêm chất làm đầy để nâng ngực. Vị chuyên gia khẳng định, sử dụng chất làm đầy để nâng ngực sẽ rất dễ gây ra các biến chứng khó lường.
Ngoài việc nâng ngực, chị em cũng cần chú ý đến một số bộ phận khác cũng tuyệt đối không được lạm dụng filler làm đẹp. Cụ thể là: mũi, cằm, mông.
Theo TS Nguyễn Huy Thọ, không dùng chất làm đầy để tiêm vào cằm và mũi vì sống mũi dưới da là xương, ở cằm là cơ nên tiêm chất làm đầy vào sẽ không thể đậu lại được, đồng thời cũng có nguy cơ gây biến chứng.
Chung nhận định, BS Hà Sỹ Hoàng Tùng (bác sĩ thẩm mỹ da liễu nội khoa tại Bệnh viện Đa khoa G8+ Hoài Đức, Hà Nội và Dr.HASY Medical Beauty) nhấn mạnh, tuyệt đối không nâng mông bằng filler.
Tiêm chất làm đầy để làm đẹp nói chung sẽ là một phương pháp thẩm mỹ an toàn nếu người thực hiện là bác sĩ được đào tạo bài bản về y khoa.
Theo các chuyên gia, tiêm filler làm đẹp chỉ an toàn nếu được thực hiện bởi những bác sĩ có trình độ chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Tuyệt đối không được làm tại những cơ sở spa thẩm mỹ để tránh biến chứng, hậu quả khôn lường.
Khi tiến hành tiêm filler vào những khu vực cho phép cũng cần đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. "Biến chứng chủ yếu từ phương pháp này do người sử dụng dùng những hãng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng bị pha tạp, không thể tan hết và bị cơ thể đào thải theo thời gian. Nhưng biến chứng nghiêm trọng nhất chính là do kỹ thuật của người tiêm dẫn đến hoại tử hoặc phải nạo vét", BS Hoàng Tùng nhấn mạnh.
Tóm lại, tiêm chất làm đầy để làm đẹp nói chung sẽ là một phương pháp thẩm mỹ an toàn nếu người thực hiện là bác sĩ được đào tạo bài bản về y khoa và có kinh nghiệm về y học cũng như chất tiêm vào cơ thể được cấp phép, có chứng nhận y khoa. Bất cứ ai muốn tiêm filler làm đẹp ở khu vực nào trên cơ thể cũng không được bỏ qua những lưu ý quan trọng này.
Theo Tiểu Nguyễn (Helino)